... Và cả tính văn học cũng rất trọn vẹn như hòn Nghiên hòn Bút, tính thiên văn cũng đủ đầy như vũng Nồm, vũng Bấc, eo Gió. Bên cạnh đó, xứ Nẫu (Bình Định) còn có những cái tên nghe cũng dữ dội như các xóm Hoàng Thành Nam, Hoàng Thành Bắc, lại có cả xóm bình dân như xóm Rớ, xóm Lưới, xóm Củi!
Sở dĩ phải bình tĩnh vì các nơi ngôn từ êm ả như Hà Nội có sông Nhị núi Nùng, Huế có sông Hương núi Ngự, riêng Quy Nhơn lại có sông Ngang núi Bà Hỏa, nghe bừng bừng khí thế.
Hội đánh cờ người ở Bình Định, mỗi nước đi là một thế võ.
Nhưng cũng đừng nên chú trọng vào cái tên, vì dễ hố, ví dụ núi Vũng Chùa thì kiếm đỏ mắt chưa ra trái chanh rừng, vùng di tích Nước Mặn thì toàn nước ngọt mà đầm Nước Ngọt thì người bản địa kéo nước lên để làm…ruộng muối! Ngoài ra, địa danh cũng đậm chất…giới tính, nam tính như núi Hòn Ông, hang Chàng Lía…, nữ tính như đồng Cô Hầu, núi Bà, hòn Bà Chằn…
Thuận tai chưa chắc đã hay, nghịch nhĩ chưa chắc đã dở. Về các món ăn xứ Nẫu cũng đầy tính…trạng.
Tôi có quen thằng nhỏ hàng xóm, nghe đâu người yêu nó sắp chia tay để đi lấy một chàng “bạch mã” mắt xanh mũi lõ xứ trời Tây. Nó đau thương vô cùng, mời cô ấy đến gặp lần cuối với vài chú bác mà nó kính trọng trong khu phố và bạn bè nó, gọi là tiễn đưa cô bạn xuất ngoại, bỏ xứ đi làm ăn xa.
Bữa tiệc dù chỉ có món lịch huyết, một loại đặc sản vùng nước lợ, nhưng phong phú vô cùng, nào nướng, nào um bắp chuối, xào sả ớt. Một mình nó chà rổ lịch đỏ au với muối, xát đi xát lại cho sạch nhớt, rồi cầm dao, trở sống dần sơ cho mềm xương rồi xoay lưỡi chặt những con lịch, cốp nhát nào ra nhát ấy thành nhiều khúc. Ngay cả việc băm hành củ, giã nghệ, đâm tiêu, rắc nước mắm nhĩ vào ướp, rồi dùng thanh tre xiên ngang mỗi khúc lịch cuốn vào một chiếc lá chanh, phần thì trải lá lốt trên vỉ cho lịch lên kẹp lại, xiên lá chanh và vỉ lá lốt đều nướng trên than hồng, nó cũng làm ngọt xớt.
Lịch huyết ở Bình Định (Ảnh minh họa - Nguồn: NLĐ)
Chưa hết, nó còn um lịch huyết nước cốt dừa, cho lịch huyết đảo trong chảo dầu kho với dưa chua, nấu them cả cháo lịch huyết nữa. Bình thường thì không sao, nhưng bữa ấy thì khác, thấy nó làm các động thái nhuyễn như nghệ sĩ, có pha chút nặng tay kiểu “giận cá chém thớt” ai cũng hiểu nó gửi gắm vào từng nhát dao chặt lịch một mối oán trách khó kiềm tỏa.
Kiểu ấy, khách khứa ngầm hiểu thông điệp rằng mày ham giàu, mày bội bạc, tao cuốn mày vào đây, tao cho lên than hồng, tao nhắm rượu không thương tiếc nhá! Anh em dạo một vòng rượu, thằng bạn nó buột miệng hỏi ông học ở đâu các cách làm món thơm ngon vậy. Nó nói gọn lỏn, có gì đâu, bữa nay tiễn nàng lên xe hoa, mời các chú bác và anh em tới chơi, gia chủ không có gì, đãi món “ông Tây bà Đầm” cho thơm miệng vậy thôi.
Ai cũng thấy căng trong định danh món ăn, nó cười xí xớn giải thích rằng thưa chú bác, cháu không xỏ xiên gì đâu, chỉ con lịch nó mới phải xỏ qua cây xiên để nướng, còn món này cũng bình thường thôi, mỗi mùa lũ nước thượng nguồn Tây Sơn đổ về thì bà con trên Đầm Thị Nại đóng đáy, mò cát để bắt lịch huyết, nên cháu gọi tắt “ông Tây bà Đầm” cho tiện! Ông Tây (Sơn) bà Đầm (Thị Nại) ấy mà!
Người yêu nó gắp hết miếng này miếng kia bỏ vào bát nó và bát khách mời, không giải thích gì, chỉ rưng rưng, nhưng ai cũng hiểu, nàng kìm nén lắm, éo le lắm. Và nàng cũng quý nó lắm, bằng chứng là đã hứa hôn với người ta thì cứ trốn luôn cho yên, việc gì lại tới để nghe nó mắng giữa cuộc tiệc bạn bè. Anh em mới động viên, thôi em làm ly rượu xong cứ nói đi cho đỡ uất, nói một lời rồi sang đất lạ quê người còn đâu cơ hội để nhớ và thương yêu người cũ. Nàng ngước nhìn chàng, ý chàng cho phép mới dám mở miệng. Nó hình như cũng hiểu, gật đầu khích lệ.
Nàng chỉ kể nhẹ nhàng: Có anh Tây giảng viên đại học đi nghiên cứu võ Bình Định, gặp cháu, nhờ cháu biểu diễn võ để quay phim, chụp hình, dẫn đến giới thiệu các làng võ hỏi han, ghi chép, nhiều đợt đâm mến cháu. Thực ra, cháu và anh Biền cũng mến nhau nhưng chưa có hứa hẹn gì.
Một hôm, cháu nhận lời đưa anh Tây đưa đi thăm “trai An Thái, gái An Vinh”, anh Biền sôi máu. Anh Biền không đánh giá đúng anh Tây, tưởng họ chỉ dân bút mực ẻo lả đi nghiên cứu võ Bình Định, ảnh lớn tiếng thách đố, nói tao và mày đều thích một người con gái, cả hai đấu tay đôi, ai thắng thì chiếm trọn trái tim nàng, ảnh còn bắt cháu ngoéo tay cam kết.
Dân thượng võ mình câu nào đã phóng ra thì như mũi tên vút khỏi dây cung, lời nói đọi máu. Trên sới võ giữa đồng, cháu làm trọng tài. Chỉ mười lăm phút sau, đồng chí Tây cho đồng chí Biền văng xuống mương.
Cháu vẫn quý anh Biền, nhưng từ đó thấy… yêu người xứ lạ. Cũng đúng cam kết, cháu phải thuộc về anh Tây, giờ chuẩn bị đi làm dâu xứ người. Ba mặt một lời, chứ chẳng lẽ mang tiếng nuốt lời, họ khinh cả xứ Nẫu mình!
Chà, thế mới biết trai tài, gái cũng không kém phần. Món "ông tây bà đầm" ở xứ này là thế, cầu kỳ, dí dỏm và... ngon. Còn gái xứ Nẫu miền đất võ cũng quả cảm, không nuốt lời là vậy.
Hành hương núi Bà, Bình Định
Nhà văn Nguyễn Đình Thi (thứ hai, trái qua) thăm Xứ Nẫu hồi cuối thế kỷ XX.
Các nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Quần Phương thăm Đất Võ
Tác giả và các văn nhân Đất Võ - nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, nhà văn Nguyễn Mộng Giác.
Nguyễn Thanh Mừng (Nguyễn Thanh Mừng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.