Làm việc nhà, trông trẻ em
Vào những ngày giáp Tết, khu nhà trọ vắng tanh, mọi người trong xóm đều lũ lượt về quê ăn Tết, còn lại một mình Nguyễn Huy Hoàng (quê Hà Tĩnh, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Điện Lực Hà Nội) ở lại để làm thêm.
“Dịp Tết các nhà hàng đông khách lắm, nhưng nhiều nhân viên nghỉ việc về quê ăn Tết nên họ cần tuyển gấp người làm thêm. Công ngày Tết trả cao gấp 3-4 lần ngày thường, vì vậy mình ở lại đây làm thêm mấy ngày Tết kiếm tiền gửi về quê cho mẹ và hai em ăn Tết”, Hoàng chia sẻ.
Hoàng làm thêm cho một nhà hàng ở đường Trần Duy Hưng. Hoàng kể, lúc đầu mẹ Hoàng không đồng ý cho cậu ở lại làm thêm Tết, vì thương con, nhưng nghe Hoàng giải thích mẹ đã đồng ý.
“Nếu về Tết thì tiền xe cộ đắt đỏ cũng tốn gần cả triệu đồng, lại tiền đi chơi Tết với bạn bè nữa. Mình ở lại đây là tiết kiệm tiền cho mẹ để có thể mua thêm đồ Tết, thuốc cho bố. Với lại làm việc mấy ngày Tết mình được trả công 250.000 đồng/ngày, ra Tết tổng lại cũng được hơn 2 triệu đồng. Ra năm có tiền đóng học phí và có thể mua được cho em bộ quần áo mới nữa”, Hoàng bộc bạch.
Không về quê sinh viên ở lại bán hoa Tết.
Cũng hoàn cảnh như Hoàng, Trần Thị Ngà quê Nghệ An (sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Luật Hà Nội) đã 3 lần không về quê mà ở lại làm thêm dịp Tết.
Gia đình Ngà có 5 anh chị em, bố mẹ làm nông nghiệp. Ngà có một anh trai đang học đại học ở trong Sài Gòn, và sau là các em đang học cấp 2, cấp 3.
“Tết chịu khó ở lại làm thêm thì ra Giêng sẽ có một khoản đóng học phí, trả tiền nhà trọ, đỡ được bao nhiêu cho bố mẹ”, Ngà nói.
Ngà cho biết, công việc Tết trong những năm qua cô làm gồm bán hoa Tết, dọn dẹp nhà cửa, trông trẻ em.
“Năm ngoái tôi ở lại trông hộ trẻ cho gia đình mình làm gia sư luôn, vì ngày Tết người giúp việc về quê ăn Tết. Công việc rất thú vị, tôi được trả tiền công hơn 2 triệu đồng, lại còn được thêm tiền lì xì của nhiều thành viên khác trong gia đình nữa. Còn năm nay tôi xin giúp việc nhà ngày Tết cho một gia đình quen ở Cầu Giấy, được trả công 300.000 đồng/ngày”, Ngà tươi cười chia sẻ.
Rưng rưng đêm giao thừa
Nguyễn Quang Duy, quê Hà Tĩnh, sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Điện Lực đã 2 năm không về quê ăn Tết. Duy kể: “Ngày Tết thì ai chẳng muốn về với gia đình. Tết năm ngoái, tôi đón giao thừa ở chốt gác bảo vệ của khách sạn. Nghe tiếng pháo hoa bắn đêm giao thừa, gia đình người ta đem nhau đi chơi xuân tôi cũng tủi thân khóc, gọi điện về cho mẹ chúc Tết không nói nên lời rồi hai mẹ con cùng nhau khóc. Nhưng bù lại ra năm, ngoài lương, tôi được thưởng thêm hơn 2 triệu đồng”.
Nguyễn Văn Thành quê Quảng Bình, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Công Nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) không về quê đón Tết mà ở lại Hà Nội xin phục vụ quán karaoke lớn ở Cầu Giấy.
Thành sinh ra trong gia đình 4 anh chị em, gia đình thuộc hộ nghèo của xã. Đây là lần đầu tiên Thành xa quê vào ngày Tết. Lý do cậu ở lại làm thêm rất đặc biệt, làm thêm để ra năm kiếm tiền mua lại máy tính.
“Thi đậu đại học, bố bán bò để mua cho tôi chiếc laptop gần 10 triệu đồng phục vụ học tập. Nhưng mới dùng được gần một kỳ thì bị mất trộm. Giờ tôi ở làm thêm Tết với tiền công 200.000 đồng/ngày để kiếm tiền mua lại máy tính”, Thành nói.
Thành kể, bố mẹ cậu nhiều lần gọi điện bảo về quê ăn Tết rồi ra năm cố vay mượn tiền mua cho máy tính. Nhưng Thành không muốn để bố mẹ vất vả thêm nữa vì sau Thành còn có 3 em đang ăn học.
“Nhưng ngay lúc này, nhìn bạn bè lần lượt về quê đón Tết, tôi đã thấy nhớ nhà rồi. Chắc mấy ngày Tết tôi sẽ buồn và tủi thân lắm dù đã chuẩn bị tâm lý trước”, Thành nói giọng rưng rưng.
Quang Lộc (Tiền phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.