Trẻ em ngày nay có thực sự quay lưng với sân khấu truyền thống?

Hà Tùng Long Thứ ba, ngày 21/05/2024 10:38 AM (GMT+7)
Dù ngày nay, các phương tiện giải trí rất đa dạng, phong phú và hiện đại nhưng trẻ em - khán giả nhí chưa bao giờ quay lưng với sân khấu - nghệ thuật truyền thống. Điều quan trọng là đội ngũ sáng tạo đủ hiểu trẻ em muốn gì hay chưa?
Bình luận 0

Trẻ em chưa bao giờ quay lưng với sân khấu - nghệ thuật truyền thống

Tối qua, Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất - năm 2024 đã bế mạc tại TP. Hải Phòng. 4 vở diễn được trao Huy chương Vàng gồm: Chú mèo dạy hải âu bay – Nhà hát Tuổi trẻ; Rồng thần trở lại – Nhà hát Kịch Việt Nam; Dế mèn phiêu lưu ký - Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng; Nắm xôi kỳ diệu hay Chuyện thằng Bờm – Nhà hát Chèo Hà Nội. Trong 4 vở này, có 2 vở là rối và chèo – những loại hình sân khấu truyền thống vốn kén khán giả nhí hơn kịch nói.

Trẻ em ngày nay có thực sự quay lưng với sân khấu truyền thống?- Ảnh 1.

Cảnh trong vở "Nắm xôi kỳ diệu hay Chuyện thằng Bờm" của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh: TH

Nắm xôi kỳ diệu hay Chuyện thằng Bờm - vở diễn do tác giả Thiên Ân (NSND Tạ Tuấn Minh) viết kịch bản, NSƯT Lê Tuấn đạo diễn được nhiều chuyên gia sân khấu đánh giá rất cao. Lấy ý tưởng từ câu chuyện dân gian "Thằng Bờm" trong chương trình giáo dục phổ thông, tác giả Thiên Ân đã vẽ nên một không gian đầy sinh động thông qua các nhân vật như thằng: Bờm, Gái, Phú ông, Phú bà… đồng thời lồng ghép nhiều trò chơi dân gian quen thuộc với hầu hết trẻ em Bắc Bộ thời xưa. Thông qua đó, vở diễn muốn nêu cao tình cảm bạn bè, sẵn sàng hy sinh vì mọi người, sống khiêm tốn, hòa thuận, yêu lao động và luôn đứng về phía lẽ phải.

Tại Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất - năm 2024, buổi diễn thi Nắm xôi kỳ diệu hay Chuyện thằng Bờm chật cứng khán giả. Các khán giả nhí đã vô cùng hào hứng khi gặp lại những nhân vật thân quen trong truyện dân gian với hình hài và màu sắc rất mới mẻ. 

Là thành viên Hội đồng Giám khảo, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng đã rất sung sướng khi được thưởng thức trọn vẹn vở diễn Nắm xôi kỳ diệu hay Chuyện thằng Bờm. Đối với anh, đây là vở diễn rất thiếu nhi, rất giải trí, đan cài thông điệp rất duyên dáng. Trước đó, anh từng xuất hiện suy nghĩ: "trẻ con sao mà xem được cả một vở nhạc kịch kiểu như kịch chèo, tuồng, cải lương… bản thân mình cũng không đủ kiên nhẫn để xem huống hồ trẻ em" nhưng khi xem vở diễn này xong anh đã thay đổi hoàn toàn quan niệm của bản thân.

Trẻ em ngày nay có thực sự quay lưng với sân khấu truyền thống?- Ảnh 2.

Em Nguyễn Như Khôi - nguyên Chủ tịch Hội đồng trẻ em TP. Hà Nội, Đại sứ trẻ em Việt Nam - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, học sinh lớp 12 trường PTTH Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: TH

Nói vậy để thấy rằng, dù ngày nay, các phương tiện giải trí rất đa dạng, phong phú và hiện đại nhưng trẻ em - khán giả nhí chưa bao giờ quay lưng với sân khấu - nghệ thuật truyền thống. Điều quan trọng là đội ngũ sáng tạo đủ hiểu trẻ em muốn gì, đủ tài năng để sáng tạo ra những điều trẻ em muốn và đủ để tạo nên vở diễn hấp dẫn cho trẻ em hay chưa.

Chia sẻ với Dân Việt, em Nguyễn Như Khôi - nguyên Chủ tịch Hội đồng trẻ em TP. Hà Nội, Đại sứ trẻ em Việt Nam - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, hiện đang là học sinh lớp 12, Trường PTTH Chu Văn An (Hà Nội) bày tỏ rằng, bản thân cậu từng tham gia một số vở diễn sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng của Nhà hát Tuổi trẻ, Sân khấu Lệ Ngọc. 

Theo Nguyễn Như Khôi, người trẻ nói chung ngày nay rất thích xem những hình thức nghệ thuật mới, nên sân khấu muốn thu hút được khán giả nhí cần phải đẹp, hiện đại, bắt kịp xu hướng. Nội dung các tác phẩm phải dễ hiểu, đem lại tiếng cười và truyền tải thông điệp một cách nhẹ nhàng. Đặc biệt, khi dàn dựng và biểu diễn, các đơn vị nghệ thuật cần phân hóa nội dung theo lứa tuổi.

"Trẻ em được tiếp xúc với nền tảng công nghệ và văn hoá từ rất sớm, thậm chí là rất nhiều sản phẩm văn hoá của nước ngoài. Vì vậy, những chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi không thể làm dễ dãi, gây cười kiểu nhảm nhí, quá nặng nề về tuyên truyền… sẽ không còn thích hợp với trẻ em nữa, thậm chí sẽ gây phản cảm. Công dân của kỷ nguyên 4.0 cũng cập nhật công nghệ rất nhanh nên họ cũng hứng thú với những vở diễn đưa các hiệu ứng công nghệ vào sân khấu, thể hiện rõ xu hướng của thời đại đồng thời tăng hiệu ứng thị giác – thính giác", Nguyễn Như Khôi bày tỏ.

Chưa hiểu sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng là thế nào

NSND Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng chia sẻ rằng, khi xem các vở diễn dành cho thiếu nhi trong Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất - năm 2024, anh rất thích thú với một số vở chèo, cải lương… vì có diễn biến kịch rất hợp lý. Tuy nhiên, cũng có những vở kịch mà xem chưa được một nửa vở khán giả đã bỏ về.

Trẻ em ngày nay có thực sự quay lưng với sân khấu truyền thống?- Ảnh 3.

Cảnh trong vở "Chú mèo dạy hải âu bay" của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: TH

"Liên hoan vừa qua giúp cho chúng ta có sự nhìn nhận sát thực nhất để thay đổi tư duy, sao cho việc tạo nên một sản phẩm sân khấu cho thiếu nhi phải thực sự phù hợp với lứa tuổi. Quan trọng hơn là để trẻ em biết được chúng ta đang có những loại hình nghệ thuật gì… Đó là niềm tự hào ở góc độ văn hóa dân tộc. Trên góc độ cá nhân, tôi nghĩ là nếu có Liên hoan sân khấu dành cho thiếu niên nhi đồng thì cần có khung tuổi. 

Tác phẩm này dành cho từng lứa tuổi này, tác phẩm kia dành cho lứa tuổi kia. Trình độ cảm nhận, gu thẩm mỹ và tâm sinh lý của từng lứa tuổi là khác nhau. Vì thế, chúng ta không thể tạo nên một sản phẩm chung chung được. Cẩn phải có sự đổi mới trong tư duy, góp phần đào tạo ra một thế hệ khán giả trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước trong giai đoạn mới. Đó là những khán giả hiểu sân khấu, tiếp cận sát với các tác phẩm sân khấu", NSND Nguyễn Tiến Dũng nói.

Đồng quan điểm, NSƯT Lê Hải – Chủ tịch Hội VHNT Hải Phòng cũng bày tỏ: "Có một thực trạng là một số nhà hát hay đoàn nghệ thuật hiện nay chưa hiểu sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng là thế nào. Cần phải có những cuộc tọa đàm sâu hơn để làm rõ khái niệm về sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng.

Trong Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất - năm 2024 vừa qua, vở Chú mèo dạy hải âu bay của Nhà hát Tuổi trẻ rất ấn tượng, có sự tương tác về nội dung; vở Rồng thần trở lại của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng có tính tương tác rất tốt; Nắm xôi kỳ diệu hay Chuyện thằng Bờm của Nhà hát Chèo Hà Nội rất là lạ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những vở diễn tôi xem mà "rờn rợn". Chúng ta cần có những định hướng cụ thể khi tạo ra các sản phẩm sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng. Phải nắm bắt được thị hiếu của giới trẻ và phải có sự cách tân về hình thức biểu hiện chứ không chỉ chăm chăm đổi mới nội dung".

Khán giả nhí ngày nay cần phải được chăm chút!

NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng hiện nay chú trọng quá nhiều đến tính giải trí và phổ cập đối hơn những yếu tố văn hoá, giáo dục. Những bài học lồng ghép trong tác phẩm còn gượng ép và chưa thiết thực. Dẫn đến việc các tác phẩm nghệ thuật sân khấu chưa phát huy được hết tác dụng và vai trò quan trọng trong việc giáo dục và định hướng nhân cách, tình yêu nước và sự hiểu biết về văn hoá dân tộc.

"Chúng ta cần tập trung và nỗ lực không ngừng xây dựng, bảo tồn, duy trì và phát triển sân khấu truyền thống với hệ thống các tác phẩm mang đậm bản chất và văn hoá dân tộc. Và những thế hệ khán giả nhí ngày hôm nay cần phải được chăm chút, đầu tư để trở thành những con người biết thưởng thức, yêu thích và đam mê nghệ thuật. Đó cũng chính là nguồn nhân tố bí ẩn đầy tiềm năng có thể trở thành những nghệ sĩ tài hoà mà đất nước ta mong chờ", NSND Trung Hiếu nhấn mạnh.

Muốn làm được điều đó, theo NSND Trung Hiếu là cần phải thổi hồn văn hoá Việt Nam vào các tác phẩm sân khấu. Việc sử dụng các kịch bản mang màu sắc văn hoá Việt giúp các khán giả nhí hiểu hơn về văn hoá nước nhà, được tiếp cận một cách nhẹ nhàng, vui tươi và dễ dàng hơn qua hình thức nghệ thuật biểu diễn.

Dựa trên nền tảng truyền thống, cần tiếp cận khán giả nhỏ tuổi bằng phương thức hiện đại, dễ đón nhận và yêu thích. Từ thiết kế mỹ thuật, tạo hình nhân vật, âm thanh, âm nhạc phối khí mang tính đương đại … cũng sẽ khiến cho các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi thêm phần sinh động và gần gũi hơn với hơi thở của cuộc sống hiện đại. Từ đó, các khán giả nhỏ tuổi sẽ được thu hút và hào hứng hơn trong quá trình thưởng thức nghệ thuật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem