Nông dân Bình Thuận cân nhắc chặt bỏ thanh long, chính quyền định hướng, dự báo tiêu thụ thế nào?
Nông dân Bình Thuận cân nhắc chặt bỏ thanh long, chính quyền định hướng, dự báo tiêu thụ thế nào?
Bùi Phụ
Thứ hai, ngày 19/12/2022 16:59 PM (GMT+7)
Ngày 19/12, ông Phan Văn Đăng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đã ký văn bản trả lời kiến nghị của cử tri, bà con nông dân trồng thanh long và định hướng trong thời gian tới…
Trước đó, nhiều bà con nông dân trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam phản ánh, tình hình cây thanh long không còn mang lại giá trị kinh tế, hầu hết người dân đã phá bỏ với diện tích lớn.
Ngày 19/12, trao đổi với Dân Việt, nhiều hộ trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, bà con đã đã kiến nghị tỉnh các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cần định hướng tiếp tục canh tác hay phá bỏ, nghiên cứu các loại cây trồng có tính bền vững, ổn định về đầu ra nhằm tạo điều kiện người dân an tâm sản xuất…
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, cây thanh long trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 80 - 85% sản lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, khoảng 15 - 20% sản lượng tiêu thụ nội địa.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, đồng thời, Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid và tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm nên ở một số thời điểm cửa khẩu Việt - Trung thông quan hạn chế, ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ, xuất khẩu thanh long của tỉnh Bình Thuận.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2022 đến nay, giá thanh long Bình Thuận tương đối ổn định ở mức trung bình từ 8.000 - 12.000 đồng/kg. Do vậy hiện nay một số người dân trồng thanh long vẫn đang sản xuất, tập trung chong đèn. Dự kiến sản lượng thanh long sẽ được tiêu thụ cơ bản ổn định vào các dịp Noel và Tết Nguyên Đán 2023.
Việc định hướng phát triển cây thanh long thời gian tới, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trong điều kiện hiện nay do Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid, vì vậy người trồng thanh long cần phải cân nhắc việc chặt bỏ, không chăm sóc cây…
Người dân cần phải xây dựng kế hoạch chăm sóc với mức đầu tư phù hợp với tình hình thực tế, tránh tình trạng không chăm sóc để cây suy kiệt, sâu bệnh tấn công; đồng thời sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất; thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thị trường để định hướng sản xuất, kinh doanh một cách phù hợp...
Đối với các diện tích thanh long già cỗi, người dân có thể chặt bỏ để trồng mới hoặc thay đổi các cây trồng khác nhưng phải phù hợp với thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, người dân cần phải tuân thủ các quy định về mã số vùng trồng theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Nâng cao chất lượng trái thanh long
Nhiều chuyên gia cho rằng, để khẳng định thương hiệu thanh long Bình Thuận, người dân và các cơ quan chức năng cần tập trung nâng cao chất lượng trái thanh long, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Ngoài tiêu chuẩn VietGAP, cần đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP, hữu cơ… Tập trung đẩy mạnh việc sản xuất quy mô tổ hợp tác, Hợp tác xã gắng với xây dựng thương hiệu.
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, trong đó chú trọng xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, tiếp cận hệ thống siêu thị, các kênh phân phối trong nước.
Bên cạnh đón là phát triển thương mại điện tử, xây dựng website bán hàng; phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các nhà nhập khẩu, các chuỗi cung ứng để chủ động trong việc tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ thanh long.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ các yêu cầu về quy trình kỹ thuật của 581 mã số vùng trồng đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường các nước (Hoa Kỳ: 69 mã, Hàn Quốc: 125 mã, Úc: 147 mã, Newzeland: 147 mã, Nhật Bản: 03 mã, Trung Quốc: 90 mã) và 287 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường các nước…
Ngoài việc tuân thủ các biện pháp quản lý sâu bệnh hại trên vườn, quản lý đối tượng kiểm dịch thực vật cũng như tuân thủ quy trình sản thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), các yêu cầu về An toàn thực phẩm còn lưu ý đến phải thực hiện các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của Trung Quốc.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan và UBND các địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xây dựng các vùng sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng, tuân thủ theo các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó là tiếp tục tập huấn cho nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, hiệu quả, giảm chi phí đầu tư.
Bên cạnh đó là hướng dẫn người dân sử dụng phân bón tiết kiệm, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh. Đặc biệt là khuyến khích người dân sản xuất tham gia kinh tế tập thể, liên kết theo chuỗi giá trị.
Thực tế, thời gian qua, giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp quá cao, người dân sản xuất không có lãi, thậm chí thâm vốn. Người dân kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân để tiếp tục sản xuất, hiện nay tỷ lệ nông dân bỏ hoang đất sản xuất rất nhiều, ảnh hưởng đến nông nghiệp địa phương…
Trước sự việc này, theo UBND tỉnh Bình Thuận, để hạ giá thành sản xuất, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản được bền vững, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản (đã được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND ngày 19/12/2019).
Theo đó, kết quả từ năm 2020 đến năm 2022, ước thực hiện giải ngân kinh phí hỗ trợ giống vật tư cho các hộ dân tham gia dự án/kế hoạch liên kết là hơn 4, 2 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.