Một bác sỹ ở Lạng Sơn nói về chuyện ăn cây rừng chứa độc tố, cách sơ cứu khi ăn phải rau rừng có độc

Thứ hai, ngày 19/12/2022 05:16 AM (GMT+7)
Sinh sống ở một tỉnh miền núi, người dân trên địa bàn tỉnh có thói quen sử dụng các loại cây rừng như một nguồn thực phẩm tự nhiên. Song vì thiếu kiến thức trong phân biệt giữa các loại lá, cây rừng ăn được với các loại cây có chứa độc tố...
Bình luận 0

Nhiều trường hợp đã bị ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu do ăn nhầm cây có độc. Thực trạng đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với người dân khi lựa chọn, sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên.

Một bác sỹ ở Lạng Sơn nói về chuyện ăn cây rừng chứa độc tố, cách sơ cứu khi ăn phải rau rừng có độc - Ảnh 1.

Cán bộ Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lạng Sơn thực hiện xét nghiệm mẫu thử vi sinh một số loại rau trên thị trường.

Ngày 19/4/2022, một công nhân ở xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc đã đi hái rau rừng về chế biến món xào làm bữa trưa cho nhóm công nhân cùng công trường. 

Do hái nhầm lá ngón – một loại lá có chứa độc tố nên sau bữa trưa 30 phút, cả nhóm 9 người đau bụng, chóng mặt, buồn nôn, phải vào Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu. Nhờ được điều trị sớm, độc tính trong lá ngón chưa ảnh hưởng đến các bộ phận nội tạng của cơ thể bệnh nhân. Sau 2 ngày điều trị, sức khỏe của 9/9 bệnh nhân đã phục hồi, được xuất viện.

Đọc được thông tin về nhóm 9 người nhập viện do ngộ độc lá ngón, bà Hoàng Thị Dây, người dân xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) không khỏi băn khoăn cho biết: Gia đình tôi có hơn 5 ha rừng trồng hồi, bạch đàn. 

Vì phải lên đồi, rừng thường xuyên nên gia đình tôi rất hay hái các loại cây rừng về chế biến món ăn. Mặc dù thường xuyên lên rừng nhưng tôi cũng hoang mang vì bản thân chưa biết cách phân biệt lá ngón với một số loại rau rừng vô hại khác.

Không riêng lá ngón, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có trường hợp hái nhầm nấm độc về làm thức ăn, bị ngộ độc, dẫn đến tử vong. Điển hình là vụ ngộ độc nấm rừng xảy ra tại gia đình bà H.T.C, ở thôn Bãi Hào, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng (tháng 3/2017). 

Trong một lần đi rừng, thấy cây nấm đẹp, vợ chồng bà C. bèn hái về xào ăn, sau nửa ngày, cả gia đình 3 người có biểu hiện đau bụng dữ dội và phải nhập viện cấp cứu. Sau một tuần điều trị, con trai bà C. đã tử vong.

Thực tế trên cho thấy, có không ít người dân trên địa bàn tỉnh chưa trang bị cho mình kiến thức phân biệt các loại cây rừng vô hại với các loại cây có chứa độc tố dẫn đến thực trạng, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. 

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 30 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có khoảng 60% vụ ngộ độc nghi do ăn phải các loại cây rừng, phổ biến như: nấm độc, lá ngón…

Bác sĩ Nguyễn Đình Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Lạng Sơn nói về cây lá ngón, đặc điểm nhận dạng và độc tính của cây lá ngón. Video: Dương Kim-Ngọc Hiếu (Báo Lạng Sơn).

Bác sỹ Đỗ Quang Hiếu, Phó Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Các vụ ngộ độc do lá cây rừng xảy ra chủ yếu đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hoặc những người lao động từ tỉnh khác đến, không biết cách nhận biết lá cây có chứa độc tố, nhìn thấy có màu sắc đẹp bắt mắt có thể hái để ăn. 

Bệnh nhân khi ăn phải các loại lá, cây chứa độc tố thường có biểu hiện như: đau bụng, buồn nôn, choáng váng. Đối với các trường hợp nặng thường bị khó thở, nôn mửa, tiêu chảy, dần dẫn tới tình trạng suy thận, suy gan cấp, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. 

Vì vậy, khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn, uống thực phẩm nghi có độc tố tự nhiên, người dân cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.

Cách sơ cứu khi ngộ độc rau rừng

Khi phát hiện người bị ngộ độc thực phẩm từ các loại rau rừng, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như gây nôn: uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn, sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để loại bỏ độc chất, ngăn cản hấp thu độc chất bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch tránh những biến chứng muộn nặng nề, nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong.

Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, thời gian qua, các ngành chức năng đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn. 

Ông Nguyễn Nam Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết: Thời gian qua, chi cục đã tích cực tham mưu cho Sở Y tế ban hành kế hoạch phòng chống ngộ độc thực phẩm theo năm, giai đoạn. 

Trong đó phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng liên quan chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Từ năm 2021 đến nay, chi cục đã thực hiện 22 tin, bài tuyên truyền về ATVSTP trên cổng thông tin điện tử của ngành, trong đó có thông tin hướng dẫn về phân biệt, sử dụng các loại rau rừng, khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái sử dụng thực vật có chứa độc tố như: nấm độc, lá ngón…

Để nâng cao nhận thức của người dân ở từng thôn, bản vùng sâu vùng xa, chi cục đã tổ chức 11 lớp tập huấn về ATVSTP cho 590 người là cán bộ hội phụ nữ, nhân viên y tế thôn bản tham gia.

Cùng đó, các ngành chức năng cũng khuyến cáo đến người dân không nên ăn các loại lá, cây rừng không rõ nguồn gốc; không nên tự ý sưu tầm các loại lá, cây, củ, quả lạ từ thông tin truyền miệng mà chưa được kiểm chứng; không sử dụng các loại rau, củ, quả lạ để ngâm rượu… để phòng chống ngộ độc đáng tiếc xảy ra. 

Người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động trang bị kiến thức về các loại rau, quả rừng lạ  qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, internet…

Dương Kim-Ngọc Hiếu (Báo Lạng Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem