Nông dân bỏ nghề vì bị bỏ rơi

Thứ sáu, ngày 06/01/2012 14:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) vừa công bố, chỉ trong chưa đầy 5 năm trở lại đây đã có tới gần 1,7 triệu hộ nông dân bỏ nghề chăn nuôi (chủ yếu là lợn, gà), nghĩa là mỗi năm có tới hơn 300.000 hộ “giã từ” nghiệp lợn, gà...
Bình luận 0

Nếu tính toán theo con số thống kê, trung bình mỗi hộ nuôi 3 con lợn, thì mỗi năm cả nước đã giảm đi trên 15 triệu con (tương đương hơn 10 triệu tấn thịt). Tất nhiên, số thiếu hụt đó sẽ được bù lại ở những trang trại chăn nuôi quy mô lớn hơn. Song, chính Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã phải đặt câu hỏi: “Có nên cứ hô hào chăn nuôi trang trại quy mô lớn tới hàng trăm nghìn con gà, hàng chục nghìn con lợn tại mỗi trang trại?”.

Bộ trưởng Phát nói: “Tôi cũng như nhiều người cùng thế hệ, được ăn học là nhờ vào gia đình nuôi mấy con lợn, con gà. Đó chính là thu nhập chính của các hộ nông dân, nếu chúng ta cứ bỏ chăn nuôi nông hộ, người dân sẽ lấy đâu ra tiền cho con em mình ăn học”.

Hiện nay, nước ta vẫn còn tới 70% dân số sống ở nông thôn với trên 13 triệu hộ gia đình. Đối với những hộ đó, nếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì đến ăn còn chẳng đủ, chứ chưa nói đến có chút tiền dư dả để cho con em đi học. Vì thế, chăn nuôi là một nguồn thu nhập rất quan trọng đối với họ.

Vậy tại sao, nông dân phải bỏ nghề? Ngoài việc chăn nuôi cũng phải đi theo hướng tập trung, chuyên môn cao, thì còn do chi phí chăn nuôi ngày càng tăng, dịch bệnh nhiều. Nhưng nhìn đi, nhìn lại, có thể thấy “lỗi” lớn ở đây thuộc về chính ngành chăn nuôi với một cơ chế quản lý, hoạt động có quá nhiều bất cập.

Cụ thể là thiếu những nắm bắt và dự báo chính xác về tình hình chăn nuôi. Thực tế là tại một cuộc họp khẩn tìm nguyên nhân gây sốt giá thịt lợn hồi tháng 9.2011, khi Bộ trưởng Cao Đức Phát hỏi về số lượng đầu lợn cả nước thì lãnh đạo cơ quan quản lý trực tiếp là Cục Chăn nuôi đã không nắm được, để rồi hôm sau mới cử các đoàn đi… kiểm tra.

Việc một cơ quan quản lý chăn nuôi không biết trong nước có bao nhiêu lợn, chứng tỏ rằng đã có một thời gian dài, việc chăn nuôi nông hộ bị “bỏ rơi” với số hộ làm nghề rớt dần qua từng năm. Họ bỏ nghề không phải để rong chơi, mà cái chính là họ không thể tiếp tục làm nghề do ngành chăn nuôi không có chính sách tốt (được thực thi) để hỗ trợ họ.

Một số chuyên gia đã cảnh báo, nếu chúng ta không có chính sách để duy trì chăn nuôi nông hộ (vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa đảm bảo an ninh thực phẩm quốc gia), mà cứ chạy theo hoặc khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn, trong tương lai gần, chúng ta sẽ phải trả giá. Ngoài ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn, việc chúng ta phó mặc con gà, con lợn của mình cho người khác, rồi đến lúc họ sẽ thao túng thị trường, độc quyền cung cấp món ăn cho người tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem