|
Ngay sau hội nghị đã diễn ra lễ ký kết 11 hợp đồng thỏa thuận đào tạo cho khoảng 5.800 lao động nông thôn, trong đó có 2.800 lao động sẽ được đào tạo trong năm nay. |
Chỉ thích học ngắn hạn
Đánh giá của Ban chỉ đạo các tỉnh cho thấy, khác với các tỉnh phía Bắc, việc thực hiện đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn các tỉnh phía Nam “vấp” phải thái độ thờ ơ của nông dân. Với tâm lý ngại đi học, hầu hết các lao động trẻ sau khi nghỉ học liền đi tìm việc làm ngay, chấp nhận mức lương thấp do không có chứng chỉ, bằng cấp nghề. Số lao động còn lại chấp thuận học nghề miễn phí trong tâm trạng không mấy hứng thú.
Họ ngại đi xa khi tham gia các lớp học nghề, ngại tham gia vào các lớp học dài ngày vì ảnh hưởng đến thời gian làm việc ở gia đình. Không chỉ vậy, nông dân các tỉnh phía Nam còn ngại cả tiếp thu kiến thức phức tạp, họ học trong “tâm thế” học lấy được, không muốn đào sâu, tìm hiểu sâu về kiến thức. Và vì vậy mà các lớp dài hạn từ 3 tháng trở lên đều “ế”, hoặc học viên có tham gia thì hầu hết là bỏ học giữa chừng.
Lúng túng trong chọn mô hình
Theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, tiến trình thực hiện đề án ở các địa phương khá chậm. Đến nay, hầu hết các tỉnh chưa ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo. Đáng lưu ý, có tới 48 tỉnh chưa báo cáo về việc chọn mô hình dạy nghề.
Trả lời NTNN về vấn đề này, ông Trịnh Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Là một tỉnh thuần nông, Hậu Giang có trên 500 nghìn người trong độ tuổi lao động, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 15,36%. Dù nhu cầu được đào tạo nghề là rất lớn nhưng gặp khó trong việc tìm đầu ra cho học viên sau khi tốt nghiệp nên ngoài mô hình nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, chúng tôi không biết chọn mô hình nào cho phù hợp.
Còn đại diện tỉnh Tiền Giang cho biết: Những nghề có thể tự tạo việc làm trong hiện tại và tạo ra nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong tương lai như cơ khí sửa chữa, điện công nghiệp... nông dân lại không mặn mà do thời gian học dài ngày. Hơn nữa, gần như tỉnh này đang lâm vào vòng luẩn quẩn: Nông dân ngại đi xa nên phải tổ chức dạy lưu động (nhu cầu ít nên phải dạy theo cụm xã, mà như vậy thì nông dân lại phải đi xa… ). Vì vậy hầu như các lớp nghề dạng này đều “phá sản”.
Đại diện tỉnh Tiền Giang cho rằng, sự “rụt rè” của các cơ sở dạy nghề là một trong những nguyên nhân tạo ra khó khăn trong việc thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo. Quy chế tài chính của đề án là sau khi học viên hoàn tất khóa học, thi tốt nghiệp mới có thể thanh toán chi phí đào tạo.
Trong khi đó, tỷ lệ bỏ học giữa chừng của học viên khá lớn, nhất là các khóa học nghề dài hạn. Ví như: Tại các Trung tâm dạy nghề Châu Thành và Tân Phước của tỉnh này, tỷ lệ học viên bỏ học giữa chừng ở các khóa học 3 tháng lên tới 60%.
* Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, để nông dân hào hứng tham gia học nghề, các cơ sở dạy nghề phải đảm bảo đào tạo có địa chỉ, đảm nhận vai trò giới thiệu việc làm. Riêng nhóm nghề nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ (ngắn hạn), chỉ đào tạo đối với những sản phẩm tiềm năng, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm làm ra. Các nhóm nghề đáp ứng dịch vụ cá nhân như sửa xe máy, điện gia dụng… cần đào tạo có kế hoạch. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các tỉnh phía Nam cần chú trọng đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động.
* Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ –TB&XH) nói: Nếu bảo đảm được đầu ra, quy hoạch sử dụng lao động tốt, lao động nông thôn sẽ không ngại tham gia các lớp ngắn hạn. Kinh nghiệm một số địa phương phía Bắc đã thực hiện tốt việc đào tạo có địa chỉ, có cam kết với người học và có sự tham gia quản lý, quy hoạch sử dụng lao động sau đào tạo.
Mai Khuê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.