Vĩnh Phúc: Trồng thứ cây lạ dưới tán vườn mít Thái, chỉ hái lá bán nông dân ở đây cũng kiếm bộn tiền

Thứ bảy, ngày 09/10/2021 13:02 PM (GMT+7)
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất trồng cây dược liệu, lương y Ngô Đình Tuấn, thôn Xạ Hương, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đã gây dựng thành công mô hình trồng xen canh các loại cây dược liệu quý (trong đó có cây khôi nhung) dưới tán cây ăn quả, trong đó có cây mít Thái.
Bình luận 0

Mô hình trồng xen cây dược liệu, cây khôi nhung dưới tán vườn mít Thái của lương y Ngô Đình Tuấn được xem là cách làm sáng tạo, vừa giúp hạn chế cỏ dại, cải tạo, chống xói mòn đất một cách hiệu quả lại góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Vĩnh Phúc: Trồng thứ cây lạ dưới tán vườn mít Thái, chỉ hái lá bán nông dân ở đây cũng kiếm bộn tiền - Ảnh 1.

Mô hình trồng xen canh cây dược liệu dưới tán cây ăn quả của anh Ngô Đình Tuấn, xã Minh Quang (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) mang lại “hiệu quả kép” trên cùng một đơn vị diện tích.


Được biết, anh Ngô Đình Tuấn là người dân tộc Sán Dìu, sinh ra trong một gia đình làm nghề bốc thuốc Nam gia truyền, chuyên trị các bệnh về gan, thận, xương khớp…

Khi lớn lên, với mong muốn có một hướng đi khác với gia đình, anh Tuấn đã theo học tại Trường đại học Sư phạm Thể dục – Thể Thao Hà Nội. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp, anh Tuấn trở về quê hương và công tác tại Trường THPT Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên.

Dù đã có công việc, thu nhập ổn định nhưng anh Tuấn vẫn giúp bố khám bệnh, bốc thuốc cho mọi người và tâm niệm “Nghề bốc thuốc, chữa bệnh, cứu người đến với anh là một cái duyên".

Từ đó, anh Tuấn quyết tâm dành hết tâm sức để nối nghiệp nghề y của bố. Sau vài năm đi học và có trong tay tấm bằng y sĩ, để thuận tiện hơn trong việc nối nghiệp nghề y gia truyền, năm 2015, anh Tuấn chuyển về dạy học tại Trường tiểu học Minh Quang. Hiện, anh vừa là một thầy giáo, vừa là một lương y chữa bệnh bằng thuốc Nam nức tiếng xa gần.

Chia sẻ về mô hình vườn cây của gia đình, anh Tuấn cho biết: “Là một lương y chuyên chữa trị bằng thuốc nam, việc tìm tòi nghiên cứu các giống cây thuốc quý là điều rất cần thiết. Hơn nữa, cây dược liệu có rất nhiều chủng loại, đa dạng, phong phú và tùy vào từng điều kiện khí hậu chúng mới sinh trưởng và phát triển tốt.

Do thường xuyên phải đi đến các địa phương khác để tìm những loại thuốc mới rất khó khăn, vất vả nên tôi quyết định sử dụng diện tích đất đồi của gia đình để làm nơi ươm trồng cây thuốc quý đã lấy giống ở nơi khác về trồng.

Tôi đã tìm hiểu cách trồng các loại dược liệu và trồng xen canh những loại cây dược liệu ưa bóng râm dưới tán cây ăn quả. Tôi chọn trồng cây mít thái bởi đây là loài cây dễ trồng, năng suất cao, cho trái siêu sớm. Trồng xen canh cây dược liệu dưới tán cây mít giúp gia đình tôi có “nguồn thu kép”.

Anh Tuấn chuyển đổi 3ha đất đồi của gia đình sang trồng cây dược liệu kết hợp cây ăn quả. Toàn bộ diện tích vườn cây của anh hiện đang trồng hơn 10 loài thuốc quý như cây dành dành (chi tử), khổ sâm, sâm trâu, vông, khôi nhung, thầu dầu…

Với 300 cây mít Thái, anh bắt đầu trồng xen thêm cây khôi nhung dưới tán cây mít. Cứ 1 cây mít thái sẽ cho thu hoạch sau 1 năm rưỡi đến 2 năm trồng, mỗi trái trung bình từ 10-15kg. Còn cây khôi nhung là loài cây ưa bóng râm và độ ẩm, sau 3- 4 tháng cây bắt đầu cho thu hoạch lá, mỗi lứa cho thu 0,2 - 0,3kg lá tươi/cây.

Theo anh Tuấn chia sẻ, việc trồng xen cây dược liệu không làm ảnh hưởng tới sự phát triển của cây mít mà còn có thể tận dụng được lượng nước tưới, phân bón, thuốc cho cây, vừa hạn chế được cỏ dại.

Hơn nữa, trong những ngày hè nắng nóng, tán cây dược liệu phủ kín mặt đất có tác dụng giữ độ ẩm cho cây mít. Cây dược liệu còn là loại cây ít bệnh, dễ chăm sóc và mang lại thu nhập cao.

Tuy nhiên, thời gian đầu khi mới bắt tay vào trồng các loại cây, do thiếu kinh nghiệm về chọn đất, ươm giống, che chắn vườn và cách điều trị bệnh cho cây trồng nên cây sống đạt tỉ lệ thấp.

Sau đó, anh Tuấn đã tự tìm tòi, học hỏi qua sách báo, internet và vườn ươm cây giống ở các địa phương khác về cách chăm bón và phòng trừ sâu bệnh, anh đã dần rút ra được những kinh nghiệm trồng cây dược liệu, cây ăn quả.

Do ở trên đồi nên để giúp các loài cây thích nghi và phát triển ổn định, anh Tuấn phải xây dựng hệ thống tưới tiêu, dẫn nước vào vườn; duy trì cứ 2 lần/tháng, dùng thuốc trừ sâu sinh học hoặc chế phẩm sinh học tự làm rồi phun lên cây.

Đều đặn mỗi tháng, anh phải cắt tỉa để vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ đó, mặc dù trồng diện tích lớn nhưng toàn bộ diện tích ươm giống các loài cây thuốc quý và cây ăn quả không bị sâu bệnh và các loại nấm gây hại.

Sau 6 năm áp dụng mô hình trồng xen canh cây dược liệu dưới tán cây ăn quả đã đem lại cho gia đình anh Tuấn nguồn thu nhập ổn định. Đối với cây dược liệu, thu nhập trung bình mỗi năm đạt khoảng 60-70 triệu đồng/năm, sau khi trừ mọi chi phí. Thêm vào đó, mỗi vụ thu hoạch mít, thương lái sẽ đến tận nơi thu mua với giá 15.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 40 triệu đồng/năm.

Với niềm đam mê nghiên cứu dược liệu, trong những năm qua, anh Tuấn còn lặn lội vào rừng trên núi Tam Đảo và đến các tỉnh miền núi tìm các cây thuốc quý, đem về bảo tồn. Nhờ đó vườn cây dược liệu của gia đình anh càng thêm đa dạng phong phú, giúp anh chủ động nguồn thuốc chữa bệnh và góp phần bảo tồn, gìn giữ các loại dược liệu quý.

Có thể khẳng định, mô hình trồng xen canh “2 trong 1” mà gia đình anh Tuấn áp dụng đã khẳng định được hiệu quả vượt trội. Với cách làm này, diện tích đất nông nghiệp được tận dụng tối đa, việc xen gối vụ vừa tăng thu nhập trên cùng 1 diện tích canh tác, vừa tiết kiệm công làm cỏ, cải tạo đất của người dân. Thu nhập "kép" trên một diện tích đất ruộng là một cách làm hay cần được khuyến khích và nhân rộng.

Thảo My (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem