Đồng Nai: Trồng thứ "cây lạ" rồi cắt phơi la liệt, bán đắt tiền, ai đi qua cũng muốn vào xem

Trần Đáng Thứ ba, ngày 03/08/2021 19:00 PM (GMT+7)
Từ đồng vốn ít ỏi vay mượn bạn bè, giờ anh Nguyễn Văn Tuệ (xã Bảo Vinh, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã có cơ ngơi 2 nhà phơi sấy và 15 nhà trồng nấm linh chi.
Bình luận 0

Lúc đầu, anh Tuệ (xã Bảo Vinh, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) trồng các loại nấm mèo, nấm bào ngư. Đoán trước thị trường nấm mèo, bào ngư sẽ bão hòa, anh Tuệ chuyển sang trồng nấm linh chi.

Đồng Nai: Trồng thành công loại nấm đại bổ này, anh nông dân muốn biến vùng đất nơi đây thành “thủ phủ” nấm Việt - Ảnh 1.

Trồng nấm linh chi đã giúp anh Tuệ trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Đồng Nai. Ảnh. Trong nhà phơi, sấy nấm linh chi. (Ảnh: Trần Đáng)

Trồng nấm linh chi như chăm con mọn

Theo anh Tuệ, lúc đầu anh trồng nấm linh chi chủ yếu dùng tặng bạn bè, khách hàng và cũng để quảng bá sản phẩm.

Năm 2006, khi tiếp cận được nhiều khách hàng dùng nấm linh chi, anh Tuệ mới tập trung trồng nấm linh chi. Kết quả thật bất ngờ, số nấm linh chi anh cung cấp ra thị trường đã "cháy hàng".

Hiện, anh Tuệ có 7 sản phẩm nấm linh chi, gồm: Hồng chi, xích chi, trà hòa tan linh chi, trà túi lọc linh chi, viên nan linh chi, cao linh chi và bào tử linh chi.

Theo anh Tuệ, nấm linh chi là một loại dược liệu khó nuôi trồng, khó thích ứng với thời tiết, môi trường. 

Người trồng nấm linh chi phải tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình sản xuất vì tính nhiễm vi sinh rất cao.  Chính vì thế, hiện anh Tuệ nuôi trồng và sản xuất nấm linh chi theo một quy trình khép kín.

Hiện, nhà sản xuất và sấy nấm của anh Tuệ được ứng dụng công nghệ cao, như: Sản xuất phôi nấm bằng máy, tưới tự động, phơi sấy nấm bằng hiệu ứng nhà kính…

Anh Tuệ cho biết, để giữ được các đặc tính linh chi từ khi trồng cho đến sản xuất, ngoài kỹ thuật phải giỏi, người trồng nấm linh chi phải nhận biết được khi nào phải cắt nước, lấy ánh sáng, độ ẩm cho nấm linh chi.

Ngoài ra, người trồng nấm linh chi phải che chắn gió và côn trùng cho trại trồng nấm.

Khâu phơi, sấy nấm linh chi cũng đặc biệt quan trọng. Không để bụi vào nhà sấy. Nhiệt độ nhà sấy linh chi không vượt quá 70 độ C.

Khi nấm linh chi nhập kho, phải kỹ lưỡng bao bì. Kho trữ nấm linh chi phải đối lưu không khí.  

Đồng Nai: Trồng thành công loại nấm đại bổ này, anh nông dân muốn biến vùng đất nơi đây thành “thủ phủ” nấm Việt - Ảnh 3.

Ngay trong mùa dịch Covid-19, anh Tuệ vẫn đẩy mạnh trồng nấm linh chi để cung ứng cho các công ty được. (Ảnh: Trần Đáng)

Làm ăn thuận lợi, anh Tuệ sẵn sàng giúp đỡ các nông dân trồng nấm linh chi trên địa bàn TP.Long Khánh.  Anh chấp nhận bán meo nấm linh chi trả chậm cho bà con nông dân.

Hiện, anh Tuệ có 10 hộ nông dân làm vệ tinh trồng nấm linh chi cho anh.

Anh Tuệ còn sẵn lòng chi sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng nấm linh chi cho nông dân, sinh viên các trường đại học đến tìm hiểu quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm.

Xây dựng "thủ phủ" trồng nấm linh chi

Clip: Anh Tuệ chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm linh chi. (CLip: Trần Đáng)

Theo anh Tuệ, sản phẩm nấm linh chi của anh hiện chủ yếu cung cấp cho các công ty dược trong nước.

Thời gian qua, dù dịch Covid-19 bùng phát, nhưng số lượng nấm linh chi anh trồng cung cấp rất tốt cho các công ty dược. "Dự kiến, năm nay tôi sản xuất 18 tấn nấm linh chi. Và thu mua từ các vệ tinh khoảng 8 tấn", anh Tuệ thổ lộ.

Anh Tuệ cũng cho biết, mới đây anh đã xuất khẩu một lượng nấm linh chi trị giá khoảng 500 triệu đồng cho khu vực châu Âu.

Theo anh, hiện vùng đất Long Khánh có một làng nghề trồng nấm khoảng 65 năm. Nông dân địa phương trồng rất nhiều loại nấm. Thời gian qua, nơi đây đã hình thành vùng trồng nấm linh chi.

Hiện, anh Tuệ đang có kế hoạch xây dựng vùng đất Long Khánh thành "thủ phủ" trồng nấm linh chi ứng dụng công nghệ cao.

Đồng Nai: Trồng thành công loại nấm đại bổ này, anh nông dân muốn biến vùng đất nơi đây thành “thủ phủ” nấm Việt - Ảnh 5.

Theo anh Tuệ, muốn trồng nấm linh chi thành công, nông dân cần phải có kỹ năng giỏi. (Ảnh: Trần Đáng)

Theo đó, việc trồng nấm linh chi bằng quy trình khép kín, ứng dụng công nghệ cao nhằm đảm bảo hàm lượng dược tính cao, chất lượng vượt trội so với nấm linh chi ngoại nhập khẩu.

"Tôi tin rằng, với thổ nhưỡng phù hợp, tay nghề người trồng giỏi, cộng với sự truyền thông tốt, người Việt có thể tạo ra sản phẩm nấm linh chi chất lượng tốt không thua kém nấm linh chi nước ngoài", anh Tuệ tự tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem