Làng Bác Hồ độc nhất vô nhị ở Khánh Hòa, vườn treo trái đặc sản vạn người mê, dân đang giàu lên
Làng Bác Hồ ở Khánh Hòa (Bài 2): Làng cách mạng thành làng trù phú, có trái cây đặc sản vạn người mê
Công Tâm
Thứ bảy, ngày 12/08/2023 13:30 PM (GMT+7)
Sau thời kỳ bom đạn thôn A Xây hay còn gọi "Làng Bác Hồ" thuộc xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đời sống vẫn còn nghèo khó. Tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn đời sống của người dân đã thay đổi đáng kể, trong đó có trái cây đặc sản vạn người mê.
"Làng Bác Hồ" ngày càng nhiều mô hình kinh tế giỏi
Theo những người trong làng, sau ngày đất nước được hòa bình thống nhất, bà con vẫn còn chứng kiến nhiều cảnh nghèo khó, người dân vẫn đi kiếm sống bằng cách lên rẫy chặt củi đổi gạo, những quả đồi núi cằn cỗi, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của bà con "làng Bác Hồ" đã có bước sang trang mới. Bà Cao Thị Phượng - Trưởng thôn A Xây cho biết, hiện nay đời sống của bà con đã thay đổi nhiều và cải thiện đáng kể, mức sống của người dân cũng được nâng lên. Các hệ thống điện, đường, trường trạm được phục vụ đầy đủ cho bà con.
CLIP: Cuộc sống ở làng Bác Hồ, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã có nhiều đổi thay tích cực.
Theo tìm hiểu của PV, từ đầu đường vào hai thôn A Xây và Hòn Dù, xã Khánh Nam các tuyến đường đều đầu tư xây dựng bài bản, các con em tới tuổi đi học đều đến trường, đến lớp đều đặn để học tập sau này lớn lên kiếm nghề nghiệp mưu sinh.
Người dân ở địa phương cho hay, nếu như trước đây ở thôn A Xây chỉ có đồng bào Raglai sinh sống thì hiện nay còn có người kinh, Ê Đê, Tày,.. Tuy nhiên, dù là dân tộc nào thì bà con nơi đây cũng đều xem nhau như anh em ruột thịt, cùng đồng sức, chung lòng đoàn kết, giúp đỡ nhau.
Làng Bác Hồ ngày nay cũng xuất hiện nhiều các mô hình nông nghiệp trồng bưởi, keo cho thu nhập ổn định. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương như: Phùng Văn Ý, Hà Văn Thành, Mạnh Văn Hùng, Bành Tạ Long, Hoàng Văn Trường,...
Ông Cao Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Nam cho biết: Toàn thôn A Xây có 127 hội viên nông dân, phong trào đoàn kết giúp nhau làm giàu giảm nghèo được địa phương, người dân rất quan tâm. Nhiều hội viên nông tiêu biểu mạnh dạn hỗ trợ hàng trăm cây giống keo lai không lấy lãi cho những gia đình có đất mà không có cây giống sản xuất, sau khi đến thời kỳ thu hoạch mới trả lại tiền giống.
Ông Hiếu cho biết thêm, bà con nơi đây còn được hỗ trợ thông tin về giá cả các mặt hàng nông sản để tránh tư thương ép giá mỗi khi đến thời kỳ thu hoạch. Bên cạnh đó, các hội viên còn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh, keo nên phần nào đã giảm đáng kể tình trạng sâu bệnh trên cây trồng ở địa phương.
Làng Bác Hồ không còn nhà tạm
Bà Cao Thị Miên (thôn A Xây, xã Khánh Nam) cho biết: "Sau ngày giải phóng gia đình tôi được Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí xây nhà ở, nhờ đó mà có mái nhà che nắng che mưa. Bản thân tôi hàng tháng cũng được nhà nước hỗ trợ kinh phí khoảng 600.000 đồng. Bà con nơi đây đều đoàn kết, đồng lòng vượt qua những khó khăn, các con cháu ngoài cố gắng học tập còn tích cực trồng keo, chuối để tăng thêm thu nhập".
Ông Cao Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nam cho biết, bà con thôn A Xây họ rất tự hào về làng Bác Hồ và đã vinh dự được phong tặng danh hiệu danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến. Năm 2021 - 2022, địa phương đã xây dựng gần 50 căn nhà cho người dân và năm 2023 địa phương tiếp tục xây dựng 11 căn nhà ở cho các hộ nghèo.
Qua sự giới thiệu của chính quyền địa phương, chúng tôi đến khu tưởng niệm Đài liệt sĩ, phía trên ghi dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ", vào phía bên trong là danh sách của các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Hàng năm, cứ đến ngày lễ hoặc dịp Tết chính quyền địa phương và nhân dân đều đến thắp nén hương tri ân những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc. Chia tay làng A Xây cũng là lúc trưa nắng chang chang, bà con nơi đây như một bức tranh yên ả và những đứa trẻ tung tăng vui nhộn dưới gốc cây.
Cũng theo ông Minh, hầu hết các hộ thôn A Xây đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, 100% đều thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên, đến nay, xã đã có hơn 60% hộ thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế. Điều đáng chú ý là bà con A Xây luôn giúp đỡ nhau, chia sẻ với nhau những cách làm tốt nhất để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Mặt khác, ở A Xây, tỉ lệ sinh con thứ ba rất ít, chỉ còn 9%. Bà con đã biết đưa con em đi tiêm phòng. Tỷ lệ học sinh đến trường đúng độ tuổi đạt 100%.
Chúng tôi rời A Xây - “Làng Bác Hồ” với những ấn tượng sâu đậm về ngôi làng của những con người một lòng kiên trung với Đảng, với Nước; những con người đôn hậu, chăm chỉ, biết vượt qua đói nghèo bằng chính ý chí, nghị lực và một lòng tin theo Đảng, theo Bác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.