Ở Lâm Đồng trồng khoai lang ra củ ngon chủ yếu bán ra nước ngoài, nước nào mua nhiều nhất?

Thứ tư, ngày 19/07/2023 08:34 AM (GMT+7)
Khoai lang, thứ củ bình dị của nông dân hiện đang là mặt hàng xuất khẩu với sản lượng lớn của tỉnh Lâm Đồng. Khoai lang “xuất ngoại” với nhiều hình thức, chế biến sâu như: sấy, cấp đông và cả khoai lang tươi xuất khẩu.
Bình luận 0

Làm sao để củ khoai lang Lâm Đồng xuất ngoại bền vững đang là mục tiêu của nông dân và doanh nghiệp xứ cao nguyên?

Khoai lang Lâm Đồng thành đặc sản

Ông Nguyễn Văn Anh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Đà Lạt Tự nhiên - doanh nghiệp trồng, chế biến và xuất khẩu khoai lang với sản lượng lớn của Lâm Đồng đánh giá, Lâm Đồng là địa phương được ưu đãi đặc biệt cho củ khoai lang Nhật - sweet potato Japan. 

Ông Anh cho biết: “Khoai lang Nhật vỏ đỏ, ruột vàng được thị trường quốc tế đánh giá là dòng củ có dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khoẻ con người. 

Xuất khẩu khoai lang cũng có nhiều loại nhưng riêng khoai lang Nhật luôn có mức giá cao nhất. Điều này liên quan tới điều kiện sinh trưởng đặc thù của cây khoai lang Nhật”.

Ông Nguyễn Văn Anh cung cấp, với sản lượng xuất khẩu 4-5 ngàn tấn khoai/năm như Đà Lạt Tự nhiên cũng như hàng ngàn tấn của các doanh nghiệp khác, sản lượng khoai của Lâm Đồng không thể đáp ứng đủ nhu cầu. 

Tuy nhiên, cây khoai lang Nhật yêu cầu điều kiện khí hậu mát ổn định, đất giàu dinh dưỡng và phải đạt độ cao tương đối. Vì vậy, không nhiều nơi có đủ tiêu chuẩn để trồng khoai lang Nhật. 

Tại Việt Nam, chỉ có vùng Tây Nguyên là phù hợp với yêu cầu điều kiện khí hậu để trồng khoai lang Nhật. Vì vậy, các doanh nghiệp tại Lâm Đồng phải chuyển hướng trồng khoai tại Đắk Nông, Đắk Lắk..., những địa phương có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với khoai lang Nhật. 

Ở Lâm Đồng trồng khoai lang ra củ ngon chủ yếu bán ra nước ngoài, nước nào mua nhiều nhất? - Ảnh 1.

Chế biến khoai lang Nhật xuất khẩu tại Công ty Viên Sơn, tỉnh Lâm Đồng.

Hiện, diện tích khoai lang tại các tỉnh lân cận đã vượt qua cả Lâm Đồng. Tuy nhiên, ông Anh bật mí: “Trồng khoai lang thì chỉ cần đất tốt, khí hậu mát là được. 

Nhưng làm giống thì chỉ có Lâm Đồng. Giống khoai làm từ các địa phương khác chất lượng không phù hợp, củ khoai to nhưng hình tròn, không đạt chuẩn xuất khẩu. Chỉ có giống khoai Lâm Đồng mới cho hình dáng thuôn dài, củ to vừa phải, đúng yêu cầu xuất khẩu. Đây cũng là thế mạnh của Lâm Đồng”.

Ông Nguyễn Duy Đa - Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn, doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu nông sản cũng đánh giá, khoai lang là một trong những loại nông sản đặc sản của Lâm Đồng. Viên Sơn ngoài xuất khẩu khoai lang cấp đông, khoai lang tươi còn đang thử nghiệm khoai lang sấy khô, bột khoai để đa dạng hóa mặt hàng, phục vụ nhu cầu của khách hàng quốc tế.

Giúp củ khoai lang xuất ngoại bền vững

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) Lâm Đồng cho biết, diện tích khoai lang trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2022 là 2.166,4 ha, sản lượng 46.916 tấn/năm. 

Theo Chi cục Hải quan Đà Lạt thống kê, sản lượng xuất khẩu khoai lang trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 8.776 tấn sang thị trường Nhật Bản, xuất khẩu sang một số thị trường khác như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... là 4.561 tấn. Khoai lang xuất khẩu đa dạng, cả khoai chế biến và khoai tươi, trong đó thị trường Nhật Bản chủ yếu là khoai đã chế biến.

Tuy nhiên, ông Châu nhấn mạnh, thị trường Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tiềm năng rất lớn vì nhu cầu rất cao, điều kiện vận chuyển, logistics chi phí thấp. Nếu đặt chân bền vững được tại thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Lâm Đồng sẽ có cơ hội mở rộng sản xuất.

Hiện nay, các tổ chức, cá nhân xuất khẩu khoai lang trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, thị trường này chưa yêu cầu cấp mã số vùng trồng. Tuy nhiên, Lâm Đồng đã và đang thực hiện xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu khoai lang sang Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, hiện cả nước có 13 cơ sở đóng gói và 70 vùng trồng khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Riêng Lâm Đồng mới chỉ có 2 hồ sơ cấp mã số của Công ty TNHH một thành viên Ant Farm với 1 vùng trồng tại huyện Lâm Hà có diện tích 9 ha; sản lượng ước 35 tấn/năm và 1 cơ sở đóng gói tại huyện Đức Trọng/840 m2, công suất 15 tấn/ngày. 

Lâm Đồng đã gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị xem xét, tổng hợp và đàm phán với Trung Quốc để cấp mã số, mở đường cho củ khoai lang xuất khẩu chính ngạch sang thị trường rộng lớn này.

Ông Châu cũng cho biết, những năm gần đây, nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh Lâm Đồng gia tăng mạnh mẽ, trong bối cảnh xuất khẩu nông sản tăng mạnh cũng đồng nghĩa với việc phải được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Hiện nay, đây là yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu của một số quốc gia và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Khoai lang cũng là sản phẩm Lâm Đồng chú trọng xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Ngành NNPTNT tỉnh Lâm Đồng khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng mã vùng trồng, ngành Nông nghiệp hỗ trợ công tác thiết lập, cấp mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân nhằm tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem