Bộ mặt nông thôn mới (NTM) TP.HCM cũng nhiều thay đổi từ sau những chuyến đi của các “Hai Lúa” thời hiện đại, qua đó cải tiến được quy trình canh tác, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Khăn gói đi nước ngoài Nhắc đến giới bonsai, cây cảnh ở TP.HCM, không ai không biết lão nông Trịnh Minh Tân - chủ vườn kiểng Minh Tân, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Đúng 20 năm sau chuyến xuất ngoại đầu tiên, đến nay, ông Tân đã tự “khăn gói” đến nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển để tầm sư học đạo. Những kiến thức nông nghiệp thu thập được sau những chuyến đi ấy giúp ông xây dựng được vườn kiểng Minh Tân với nhiều cây cảnh đẹp, giá trị hàng tỷ đồng.
Ông Minh Tân và vườn kiểng trị giá tiền tỷ, được gây dựng sau những chuyến xuất ngoại.
Ông Tân kể, lần xuất ngoại đầu tiên của ông cách đây tròn 20 năm. Lúc đó, ông đi Singapore để tìm hiểu cách họ làm nông nghiệp, từ đầu tư sản xuất cho đến đầu ra của sản phẩm, cách làm thương hiệu, tổ chức triễn lãm, hội chợ để giới thiệu sản phẩm… Rồi khi mô hình trồng lan ở TP.HCM phát triển mạnh, ông khăn gói sang Thái Lan học nghề. “Ở Thái họ trồng lan rất chuyên nghiệp, lan được trồng thành vùng tập trung, gần khu trung tâm, sân bay, thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm. Ở những vùng đất thấp như ruộng lúa nước, họ làm giàn treo, đi lại chăm sóc bằng những cây cầu gỗ như cầu khỉ giữa các giàn lan” - ông Tân kể.
Không dừng lại ở đó, lão nông mê học hỏi này cũng từng “dò dẫm” sang Đài Loan tham quan, học kỹ thuật lai tạo giống. Kết quả, sau chuyến đi, ông nghiên cứu, nhân giống thành công giống cúc Đài Loan rất được ưa chuộng tại TP.HCM những năm qua.
Hay như ông Trần Văn Xê – một lão nông nổi tiếng trong lĩnh vực trồng lan ở TP.HCM, cũng là một trong những học viên từng được Hội Nông dân TP.HCM đưa ra nước ngoài học tập. Từng thất bại với nhiều loại cây trồng, vật nuôi như bò sữa, nuôi heo, trồng lúa, trồng hoa màu đến nuôi ba ba, cá, năm 2004, ông Xê được Hội Nông dân thành phố đưa đi tham quan mô hình trồng lan cắt cành ở một số huyện ngoại thành, trở về, ông quyết tâm làm lại từ đầu cái nghiệp nông dân bằng việc trồng lan. Đến năm 2006, ông Xê được chọn vào danh sách những nông dân được thành phố đưa đi học hỏi nghề trồng lan ở Thái Lan. Được đến đất nước có hơn 50 năm kinh nghiệm trong việc trồng hoa lan, ông Xê tranh thủ từng ngày ở đây để tiếp thêm kiến thức cho bản thân. “Tính liên kết trong sản xuất của người trồng lan ở Thái Lan rất cao. Họ cùng tham gia hiệp hội, cùng bán sản phẩm ra với một mức giá như nhau nên không bị thương lái ép giá, không có cạnh tranh phá giá… Nhờ đó, thị trường, giá cả được ổn định” - ông Xê kể.
Đưa nông dân ra “biển lớn”Đánh giá hiệu quả của những chuyến xuất ngoại học tập kinh nghiệm, chị Trần Ngọc Tuyết (ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) cho biết, chị đã học được rất nhiều điều mà trước đó chưa hề nghĩ tới. Cụ thể như chị học cách chia vườn thành nhiều khu nhỏ từ chuyến tham quan tại Trung Quốc. Nhờ đó, người trồng có thể điều tiết được lượng cây cho hoa phù hợp với nhu cầu thị trường. Còn hệ thống tưới nước bán tự động là kết quả chuyến đi Thái Lan, nhằm giảm bớt nhân công chăm sóc.
"TP.HCM hiện có trên 90.000 hộ tham gia sản xuất nông nghiệp. Thành phố rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống nông dân, là cơ sở để xây dựng NTM”. Ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
|
Cũng là một nông dân được hỗ trợ tham gia chương trình “du học”, lúc khởi nghiệp chỉ với 500 gốc lan, đến nay chị Tuyết có vườn lan rộng khoảng 4ha với 120.000 gốc lan mokara, mỗi tuần cung cấp cho thị trường từ 6.000 - 8.000 cành.
Ông Dương Văn Nhân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết, giai đoạn từ 2006 - 2010, thành phố đã tổ chức 6 đoàn đưa nông dân đi học ở Thái Lan, Trung Quốc và Đài Loan, với tổng cộng 117 người tham gia. Kết quả, theo ông Nhân, sau khi được đi học, bà con phấn khởi hơn, có nhận thức tốt hơn về nông nghiệp đô thị, sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa. Nhiều người ngay sau khi trở về đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp vườn trồng… và đạt được những thành công không ngờ tới.
Ông Nhân cũng cho biết, thành phố đang đẩy mạnh hình thức sản xuất tập thể, trang trại, để nông dân tham gia vào sản xuất lớn. Tuy nhiên, hiện phần lớn nông dân vẫn e ngại mô hình HTX vì họ vẫn còn ám ảnh bởi HTX kiểu cũ. “Chính vì vậy, sẽ có thêm thành phần là đại diện các HTX, tổ trưởng các tổ hợp tác được hỗ trợ ra nước ngoài học tập kinh nghiệm. Từ đó, thay đổi suy nghĩ của nông dân về HTX, mạnh dạn xây dựng các tổ hợp tác, làm cơ sở để phát triển sản xuất lớn” - ông Nhân nhấn mạnh.
Thuận Hải (Thuận Hải)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.