Nông dân lo đi bán đất để có tiền nuôi "báo cô" đàn gà thời giãn cách xã hội

Trần Quang - Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 26/07/2021 10:41 AM (GMT+7)
Sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố để phòng chống đại dịch Covid-19, đầu mối tiêu thụ chính bị cắt đứt, hàng vạn con gà đặc sản của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Hải Đăng ở xã An Bình, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) ế ẩm.
Bình luận 0

Cộng với khó khăn từ trước do dịch Covid-19, đơn vị này đang tính bán đất để duy trì chăn nuôi.

Bán đất để duy trì đàn gà

Vào ngày này, ông Vũ Tiến Sỹ - Giám đốc HTX Hải Đăng đang tích cực rao thông tin bán lô đất của gia đình với giá trên 1 tỷ đồng để lấy tiền mua thức ăn cho đàn gà đặc sản và duy trì các khâu sản xuất tại trang trại. 

"Lô đất của tôi giá trị trên 1,5 tỷ đồng giờ bán trên 1 tỷ đồng mà cũng khó bán. Không có tiền mua cám chăm gà, chi trả các khoản chi phí phát sinh, trang trại chúng tôi sắp bị dồn đến đường cùng rồi"- ông Sỹ ngậm ngùi nói.

Nỗi lo gà... đói!  - Ảnh 1.

Đàn gà mấy vạn con của anh Hà Quang Đạo ở xã Lệ Mỹ, huyện Phù Ninh, Phú Thọ đang lo thiếu thức ăn.

Ông Sỹ cho biết, từ đầu năm đến giờ công việc chăn nuôi gà đặc sản của gia đình ông liên tục bị thua lỗ. Tính đến thời điểm này, gần như toàn bộ số vốn tích góp, vay mượn của vợ chồng ông bỏ ra nuôi gà khoảng 3 tỷ đồng đều bị mất hết.

Được biết, ngay sau khi TP.Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, trong ngày 24/7, hàng loạt doanh nghiệp đã chủ động đăng ký vận tải luồng xanh. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhiều đơn đăng ký xe vận tải luồng xanh chưa được duyệt.

"Trên 70% đầu mối tiêu thụ gà đặc sản chúng tôi nằm ở các chợ đầu mối, nhà hàng ở Thủ đô. Từ khi Hà Nội giãn cách, các xe gà không được về chợ, các đầu mối tiêu thụ khác cũng rất hạn chế. Tình hình căng thẳng quá" - Giám đốc HTX Hải Đăng bộc bạch.

Theo ông Sỹ, thời điểm này, riêng trang trại của gia đình ông đang tồn trên 10.000 gà thịt. Trung bình mỗi ngày vợ chồng ông phải bỏ ra chi phí mua thức ăn chăn nuôi gần chục triệu đồng. 

"Hiện, chúng tôi đang có kế hoạch tự chủ nguồn thức ăn bằng cách liên kết với một số nhà máy ở các tỉnh, thành lân cận để sản xuất cám vi sinh, cám thảo dược giúp giảm giá thành chăn nuôi. Nhưng vốn đầu tư lớn quá, chúng tôi đành lực bất tòng tâm"- ông Sỹ chia sẻ.

Để vượt qua khó khăn trước mắt, ông Sỹ kiến nghị cơ quan chức năng của Hà Nội nên xem xét mở "luồng xanh" cho các xe chở nông sản, thực phẩm tại các cơ sở, hợp tác xã ở các tỉnh lân cận vào các chợ đầu mối ở Thủ đô giúp bà con có cơ hội tiêu thụ hàng hóa thuận lợi, đảm bảo các hoạt động sản xuất, chăn nuôi không bị đứt gẫy.

"Tôi rất đồng tình với quyết định thực hiện giãn cách toàn toàn phố để ngăn chặn đại dịch của Hà Nội.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng cần có giải pháp phù hợp để hỗ trợ, giúp bà con tại các địa phương lân cận tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm"- ông Sỹ đề nghị.

Chủ trang trại nuôi gà lo ngay ngáy

Do không thể qua được các chốt trạm ở cửa ngõ vào Hà Nội sau khi TP.Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều chủ trang trại, đại lý thức ăn chăn nuôi ở huyện Phù Ninh, Phú Thọ đang than trời vì đàn gà, đàn lợn chục ngàn con đang thiếu thức ăn chăn nuôi trầm trọng.

Anh Hà Quang Đạo (ở xã Lệ Mỹ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) như đang ngồi trên đống lửa khi đàn gà đẻ trứng và gà thịt hơn 60.000 con của anh không còn thức ăn khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, xe vận chuyển cám của anh không thể qua các chốt trạm của Hà Nội để sang Bắc Ninh lấy cám.

"Mỗi ngày trang trại của tôi cần 25 - 30 tấn thức ăn cho gà, ngày nào cũng có 2 - 3 xe đi lấy cám ở Bắc Ninh. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 là cần thiết, chúng tôi sẵn sàng chấp hành nhưng thông tin quá gấp, chúng tôi cũng đăng ký luồng xanh cho xe vận tải mà chưa được, trong khi thực tế xe chở cám của chúng tôi không hề vào nội thành mà chỉ đi theo đường 18 sang Bắc Ninh. Tôi nghĩ, cơ quan chức năng của Hà Nội cần linh hoạt trong việc này để gỡ khó cho người chăn nuôi và những người tham gia sản xuất nông nghiệp nói chung" - anh Đạo nói.

Anh Đạo cho biết, nếu tình hình không được giải quyết ngay thì trang trại gà của anh và nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn sẽ thiệt hại vô cùng lớn.

Cũng trong nỗi lo chung, anh Đinh Trọng Lâm, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi ở huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) đang đứng ngồi không yên vì khách hàng của mình đang cần thức ăn cho lợn, gà mà xe đi chở thức ăn chăn nuôi buộc phải quay đầu.

Trong khi đó, theo anh Lâm, các xe vận tải đã đăng ký luồng xanh qua Cổng thông tin cấp phép luồng xanh vận tải của Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông - Vận tải) mà chưa được. "Theo tôi, Hà Nội nên linh hoạt trong việc kiểm soát các phương tiện ra vào thành phố, đúng ra nếu không xuống Hà Nội mà chỉ đi đường cao tốc thì nên linh hoạt, bởi khi Hà Nội thông báo giãn cách xã hội, phần lớn người dân chưa kịp nắm thông tin nên chưa kịp đăng ký xe luồng xanh. Lẽ ra nên có thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị" - anh Lâm nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem