Nông dân một huyện ở Hà Nội xây dựng nhiều mô hình hay từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội
Nông dân một huyện ở Hà Nội xây dựng nhiều mô hình hay từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội
Đức Thịnh
Thứ sáu, ngày 01/11/2024 18:21 PM (GMT+7)
Hiện nay, Hội Nông dân huyện Đan Phượng, TP Hà Nội quản lý tổng dư nợ vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội trên 160 tỷ đồng, thông qua 78 Tổ tiết kiệm và vay vốn cho trên 2.900 hộ hội viên vay tại 16/16 xã, thị trấn.
Là một trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận quản lý vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nông dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) tập trung triển khai tốt các chính sách có liên quan đến tín dụng ưu đãi, cho vay vốn đến hội viên nông dân để sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Hiện nay, Hội Nông dân huyện Đan Phượng quản lý tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách trên 160 tỷ đồng, thông qua 78 Tổ tiết kiệm và vay vốn cho trên 2.900 hộ hội viên vay tại 16/16 xã, thị trấn. Qua công tác kiểm tra giám sát, các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, hộ vay sử dụng đúng mục đích.
Ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết: Nhằm thực hiện tốt "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", "Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới", Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã chỉ đạo các cơ sở chú trọng lồng ghép chương trình tín dụng chính sách với công tác khuyến nông, khuyến ngư, chương trình OCOP để giúp nâng cao hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi.
Các cấp Hội đã tổ chức phát động phong trào, kết quả bình xét "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi", đăng ký xây dựng mô hình kinh tế (38 mô hình, gồm 5 mô hình chăn nuôi, 23 mô hình trồng trọt, 2 mô hình nghề mộc, lúa cá, nuôi thỏ, trồng rau , bưởi…), xây dựng được 16 mô hình kinh tế tập thể điển hình như: mô hình trồng hoa ly tại xã Liên Hồng; hoa Đồng tiền xã Đồng Tháp; hoa Đào xã Tân Lập…
Với việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của nông dân trong việc sử dụng, phát huy nguồn vốn để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Phần lớn các hộ vay vốn ưu đãi có kế hoạch sản xuất, muốn vươn lên làm giàu… Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong đó có nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong việc ủy thác đối với Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng cao và hiệu quả hơn.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân huyện Đan Phượng tiếp tục đồng hành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt hơn nữa các nội dung nhận ủy thác, kịp thời chuyển tải đến hội viên nông dân các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, nhất là chính sách mới về hỗ trợ đối tượng thụ hưởng là nông dân tại địa phương một cách kịp thời, hiệu quả…
Hội Nông dân phối hợp ủy thác hiệu quả vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội
Cùng với việc hỗ trợ nông dân vốn phát triển kinh tế, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đan Phượng đã phối hợp đẩy mạnh truyền thông để người dân có nhu cầu tiếp cận chính sách cho vay chương trình nhà ở xã hội; tổ chức tiếp nhận hồ sơ và thực hiện cho vay đúng đối tượng đối với những người đủ điều kiện trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Cùng đó, ngân hàng phối hợp kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn chặt chẽ để chương trình phát huy hiệu quả cao nhất.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, nông dân cũng được hưởng lợi từ chính sách này. "Nghị định mới của Chính phủ nâng mức cho vay tối đa với xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở đến 1 tỷ đồng, lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo quy định từng thời kỳ"- ông Thiều Văn Son thông tin.
Đặc biệt, Hội Nông dân huyện cũng nỗ lực hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 10/2024/QĐ-TTg ngày 15/7/2024 Quyết định về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Quyết định quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để cho vay đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 2 loại công trình gồm công trình cấp nước quy mô hộ gia đình, công trình vệ sinh môi trường hộ gia đình.
Quyết định này đã quy định mức vốn cho vay tối đa là 25 triệu đồng/1 loại công trình/khách hàng, hộ dân được vay tối đa 50 triệu đồng/2 loại công trình áp dụng từ 2/9/2024 với lãi suất cho vay 9%/năm. (Thay đổi mức cho vay hiện tại đang là 10 triệu/1 loại công trình/khách hàng).
Điều kiện vay vốn bao gồm cư trú tại địa phương thuộc vùng nông thôn chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình, hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.
Đến 30/6/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đan Phượng đã có 5.054 hộ đang vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tương ứng với 10.108 công trình đã được xây dựng, tổng số tiền dư nợ trên 97 tỷ đồng, chiếm 18,6% tổng dư nợ của Ngân hàng chính sách xã hội huyện.
"Mức vốn vay được nâng lên sẽ giúp cho bà con thực hiện tốt hơn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần vào công cuộc thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, giúp các hộ gia đình khu vực nông thôn tiếp cận được nguồn nước sạch sinh hoạt cũng như xây dựng các công trình chăn nuôi, sinh hoạt hợp vệ sinh.
Các hộ dân có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được đáp ứng đầy đủ và kịp thời. Hội Nông dân huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện tốt nhất cho bà con tiếp cận nguồn vốn để xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn"- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.