Nông dân Ngã Năm ở Sóc Trăng nuôi cá đồng trên ruộng lúa, bắt lên đến đâu bán hết đến đó
Nông dân Ngã Năm ở Sóc Trăng nuôi cá đồng trên ruộng lúa, bắt lên đến đâu bán hết đến đó
Ngọc Thơ (Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng)
Thứ hai, ngày 02/12/2024 13:35 PM (GMT+7)
Bằng nhiều hình thức thả nuôi khác nhau, mô hình nuôi cá đồng đã thật sự mở ra sinh kế mới với nguồn thu khá ổn định cho người dân Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) từ nhiều năm nay.
Với địa hình vùng trũng, nhằm hạn chế thất thoát do ngập úng trong điều kiện mưa bão, thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) không khuyến khích nông dân sản xuất vụ lúa Thu Đông tại những khu vực nằm ngoài trạm bơm khép kín.
Không để trì hoãn thu nhập trong điều kiện bất lợi này, nhiều nông dân đã tận dụng mặt ruộng sẵn có để thả nuôi cá đồng.
Bằng nhiều hình thức thả nuôi khác nhau, mô hình nuôi cá đồng đã thật sự mở ra sinh kế mới với nguồn thu khá ổn định cho người dân Ngã Năm từ nhiều năm nay.
Tận dụng nguồn vốn vay được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ, hộ anh Lê Văn Ít ở ấp Tân Trung, xã Long Bình (TX Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) đã đầu tư mua sắm một số vật dụng cần thiết để thực hiện mô hình nuôi cá đăng quầng trên diện tích ruộng của gia đình.
Trong vụ nuôi năm nay, anh Ít thả khoảng 100kg cá giống, chủ yếu là các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá lóc, cá trê.
Theo anh Ít chia sẻ, sau thời gian nuôi, nguồn cá lớn sẽ được mang đi bán, riêng cá nhỏ được giữ lại để sinh sản trong môi trường tự nhiên, tạo nguồn lợi thủy sản để phát triển thêm nhiều đợt nuôi khác.
Các vật dụng cần thiết để thả nuôi cá có thể sử dụng được trong nhiều năm, cùng với lượng cá giống được sản sinh thêm ngoài tự nhiên, nhờ vậy từ 3 năm nay, thu nhập của gia đình tăng đều theo từng năm do tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu.
Anh Ít bộc bạch: “Hai năm nay, tôi nuôi cá lời được 100 triệu đồng. Nuôi cá thu nhập tốt hơn làm ruộng nhiều. Làm ruộng 30 công mới lời được 90 triệu, riêng vụ lúa này 1 công lời có 3 triệu, thu nhập thua nuôi cá xa lắm”.
Tham quan mô hình nuôi cá đồng luân canh kết hợp với trồng lúa ở xã Long Bình, TX Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
Còn với ông Ngô Văn Khải ở ấp Mỹ Hiệp, xã Long Bình, nhờ nguồn thu ổn định từ cá đồng, đầu vụ Hè Thu hằng năm, ông lại đầu tư thật kỹ bờ bao xung quanh 6 ha khu vực nuôi cá của gia đình để cá có môi trường phát triển tốt, tránh thất thoát.
Theo ông Khải, với diện tích này, sau 5 tháng nuôi, sẽ thu hoạch 1 tấn cá, thu về lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng. Vừa ít rủi ro, vừa cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với làm lúa Thu Đông.
Ông Khải cho biết thêm: “Ở đây mình mướn xáng cuốc vỗ bờ, còn cá giống thì mình tự gây giống. Năm nào Phòng Kinh tế huyện hỗ trợ thì mình mua cá rô, cá trê vàng, cá lóc, cá sặc để thả vào. Làm lúa vụ 3 thấy không chắc chắn do mưa bão cộng với đất vùng này hơi sâu, hay bị chuột cắn phá. Còn nuôi cá đồng thì lời hơn”.
Hiện nay, mô hình nuôi cá đồng tại thị xã Ngã Năm được triển khai nhân rộng với nhiều hình thức khác nhau như: Mô hình lúa - cá kết hợp với trồng cây ăn trái, trồng màu có diện tích 120 ha; mô hình nuôi cá đăng quầng trên ruộng lúa với diện tích 153 ha.
Tùy theo điều kiện nuôi và chăm sóc của người dân, các mô hình lúa - cá hoặc cá đăng quầng cho thu nhập tăng thêm từ cá đồng trên 10 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, hiện nay một số sản phẩm đặc trưng của địa phương được chế biến từ cá đồng được người tiêu dùng biết và quan tâm sử dụng như: Mắm cá rô không xương Biển (xã Tân Long), mắm cá lóc đồng Kim Ly (phường 1), mắm cá sặc, chả cá... Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thu hoạch trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân.
Xác định được tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong những năm qua, UBND thị xã Ngã Năm đã định hướng, chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp các địa phương rà soát, hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện mô hình thông qua các hoạt động hỗ trợ giống, hỗ trợ vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Đặc biệt là triển khai xây dựng mô hình tại các tổ hợp tác trồng lúa kết hợp nuôi cá trong khu vực trạm bơm khép kín nhằm tạo điều kiện phát huy mô hình kinh tế hợp tác, từng bước định hướng sản xuất tập trung, dần thay đổi tập quán sản xuất theo hướng sạch và hữu cơ.
Nuôi cá đồng kết hợp tại các khu vực vùng trũng cũng là định hướng phát triển lâu dài mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã và đang hướng đến, nhằm thực hiện mục tiêu tối đa hóa thu nhập cho người dân trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất.
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, thông tin: “Vụ lúa Thu Đông ở các địa phương vùng trũng của tỉnh như Ngã Năm, Mỹ Tú hiệu quả sản xuất không cao, do lúa trổ chín và thu hoạch vào thời điểm mưa nhiều nên năng suất, chất lượng không đảm bảo.
Vì vậy thời gian gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương khuyến khích chuyển đổi vụ lúa Thu Đông xen những mô hình cây trồng, vật nuôi khác để nâng cao hiệu quả cho bà con. Trong đó, mô hình nuôi cá đồng luân canh kết hợp với trồng lúa khẳng định được hiệu quả kinh tế cao.
Về căn cơ lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và đề án cụ thể để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các khu vực vùng trũng, đặc biệt là kết hợp nuôi những loại cá có giá trị kinh tế cao để tích hợp đa giá trị lợi nhuận trên một cùng một diện tích đất nông nghiệp, tăng thu nhập cho bà con một cách tốt nhất”.
Được biết hiện nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cũng đã dự thảo Dự án “Phát triển nguồn lợi, xây dựng mô hình và liên kết chuỗi giá trị cá đồng 4 huyện, thị xã vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng”.
Với nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau trong việc phát huy tối đa nguồn lợi cá đồng, Dự án được xem là trợ lực quan trọng để thị xã Ngã Năm phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đưa hoạt động nuôi cá đồng trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế tại thị xã nói riêng và của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nói chung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.