Vẫn sợ nhà vệ sinh
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, nhóm nghiên cứu đã chọn mẫu ngẫu nhiên từ danh sách bệnh nhân nội trú đã xuất viện từ tháng 4 -7.2018 của 29 bệnh viện (BV) tham gia thí điểm, mỗi bệnh viện 250 bệnh nhân để gọi điện khảo sát.
Khám bệnh ở BV Bạch Mai. Ảnh: I.T
"Việc công khai các chỉ số trong báo cáo sẽ giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của các BV công thông qua tăng cường minh bạch về chất lượng khám chữa bệnh của các BV, tăng cường công tác giám sát với dịch vụ y tế công”.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến
|
Kết quả, có đến 79,6% người bệnh hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh tại BV, trong đó tuyến tỉnh là 80,2%, huyện là 77,6%. Yếu tố khiến bệnh nhân hài lòng nhất là khả năng tiếp cận dịch vụ (sơ đồ, biển báo, hỏi và gọi được nhân viên y tế khi cần), được 4,15/5 điểm. Còn yếu tố không hài lòng nhất là cơ sở vật chất (giường bệnh, nhà vệ sinh) chỉ được 3,75/5 điểm.
Đồng thời, bệnh nhân nghèo cũng có mức độ hài lòng cao hơn người không nghèo, với mức chênh lệch ở các vấn đề từ 0,1-0,2 điểm; người sống ở nông thôn cũng có mức hài lòng hơn người thành phố. Còn ở tuyến huyện, không có gì bất ngờ khi người bệnh kém hài lòng nhất về thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế và kết quả điều trị.
Trong số 29 cơ sở y tế được khảo sát có 5 BV được đánh giá rất tốt (gồm các BV Bà Rịa, Từ Dũ, Tai mũi họng TP.HCM, Phụ sản TP.Cần Thơ, Lao và Bệnh phổi Thái Bình); 16 BV xếp hạng tốt; 8 BV khá. Hai BV xếp hạng trung bình là BV Phổi Bắc Giang và BV đa khoa tỉnh Ninh Thuận.
TS Nguyễn Lan Hương – đại diện nhóm nghiên cứu - nhận định, khảo sát mới chỉ dừng ở 29 BV trong tổng số hàng nghìn BV, như vậy chưa thể phản ánh toàn diện bức tranh về chất lượng khám chữa bệnh ở Việt Nam.
Về điểm “nhà vệ sinh” được chấm thấp nhất cũng không gây bất ngờ cho nhóm nghiên cứu. PV NTNN đã từng đi khảo sát hàng chục nhà vệ sinh ở 5 BV lớn ở Hà Nội (BV K T.Ư cơ sở Quán Sứ, BV Phụ sản T.Ư, BV Phụ sản Hà Nội, BV Nhi T.Ư, BV Xanh pôn Hà Nội). Dù đã có nhiều thay đổi thế nhưng, với các BV xây dựng cũ, các nhà vệ sinh đều xộc xệch, lại không đủ đáp ứng lưu lượng bệnh nhân, người nhà quá đông.
Bảo hiểm y tế “lên ngôi”
Trước đây, bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) thường kêu bị phân biệt đối xử không tốt bằng bệnh nhân khám dịch vụ thì trong khảo sát này, bệnh nhân có BHYT lại có mức độ hài lòng cao hơn người không có BHYT. Nhiều người cho rằng, viện phí khám BHYT cao bằng với giá khám không có BHYT và đa số người dân có BHYT là lý do khiến BV chăm sóc tốt hơn với nhóm đối tượng này, không còn phân biệt đối xử.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế - nhận định, dù mức độ hài lòng của người dân khá cao nhưng vẫn không ít lời phàn nàn về chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn, bệnh nhân phản ánh việc có phiếu công khai thuốc nhưng lại không có giá kèm theo; thủ tục chuyển khoa còn mất nhiều thời gian; người bệnh có BHYT nhưng khi xét nghiệm vẫn phải đóng tiền mà không được giải thích; cơm – cháo trong căng tin BV bán đắt hơn so với quán cơm bên ngoài, thời gian lấy thuốc lâu…
Trước đó vào năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, trong đó nhóm tiêu chí bảo đảm hài lòng người bệnh là 1 trong 5 nhóm tiêu chí phục vụ đánh giá chất lượng BV. Hầu hết các bệnh nhân đều thấy được sự thay đổi rõ rệt của các BV trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, việc đánh giá độc lập chỉ số hài lòng người bệnh tại BV tuyến tỉnh và huyện sẽ tiếp tục được thực hiện trong những năm tới. Đối với tuyến Trung ương, Bộ Y tế đã ban hành bộ tiêu chí để BV tự chấm điểm, sau đó các BV chấm chéo với nhau và Bộ Y tế sẽ đánh giá lần cuối.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.