Nông nghiệp là một trong những trở ngại chính khiến Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) không thể ký kết trong năm 2013.
Đặc biệt Nhật Bản- nước đang có nhiều chính sách bảo hộ nông dân- đã phải dùng "kế hoãn binh" trước khi mở cửa thị trường nông sản. Trong khi các cuộc đàm phán về TPP đang diễn ra với kỳ vọng nhanh chóng được hoàn tất, Nhật Bản vẫn muốn tiếp tục bảo hộ thị trường nông sản và trợ cấp cho nông dân nước này. Chính phủ Nhật không đưa vào đàm phán 5 lĩnh vực được cho là nhạy cảm nhất đối với ngành nông nghiệp nước này gồm: Lúa gạo, lúa mì, đường, thịt bò, các sản phẩm chế biến từ sữa.
Diện tích đất nông nghiệp ở Nhật Bản chỉ bằng 12,6% diện tích chung của cả nước. Ngành nông nghiệp Nhật Bản chỉ có một chỗ đứng khiêm tốn, chiếm 1,4% tổng sản phẩm quốc gia. Thành phần nông dân tương đương với 7,4% dân số và cứ trên 100 người trong tuổi lao động thì có 5 người làm việc với ruộng đồng. Hiện tại ngành nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% GDP nước Nhật, nhưng ngân sách để trợ giúp cho nông dân Nhật Bản của Tokyo tương đương với 1,3% GDP. Nói một cách dễ hiểu, người dân cứ tạo ra 1 yen lương thực, thực phẩm, thì họ lại được Chính phủ trợ cấp cho gần 1 yen.
Trong số những thành phần được trực tiếp giúp đỡ nhiều nhất là các nông dân trồng lúa. Để tài trợ cho chính sách trợ giá tốn kém đó, Tokyo đánh thuế rất nặng vào các mặt hàng nông phẩm, nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường nội địa. Trung bình, lương thực, thực phẩm nhập phải chịu thuế 80%. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu Nhật Bản đồng ý ký TPP, những chính sách trợ giá nông nghiệp sẽ phải tính toán lại, và điều này chắc chắn sẽ không được nông dân đồng ý.
Hàng ngày nông dân ở các vùng quê Nhật Bản đã đổ về Tokyo để tuần hành yêu cầu Chính phủ rút lui khỏi TPP. Trong khi Chính phủ Nhật Bản đang dùng kế hoãn binh, nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại rằng, cuối cùng chính phủ cũng sẽ chấp thuận kế hoạch điều chỉnh chính sách trợ cấp nông sản.
Mai Tiến Dũng (Mai Tiến Dũng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.