Vừa qua, ông Tô Hiến Thành - chủ trang trại có doanh thu 12 – 13 tỷ đồng/năm đã viết tâm thư gửi các cơ quan T.Ư do khó khăn trong việc vay vốn để phát triển sản xuất. Agribank Bắc Giang đã nắm được thông tin này chưa, thưa ông?
Trang trại của nông dân Tô Hiến Thành được đầu tư quy củ, nhưng vẫn khó vay vốn. Ảnh: Trần Quang
- Thông thường, những khách hàng lẻ do chi nhánh cấp huyện nắm. Thông tin nào chúng tôi chưa nắm được, cụ thể thế nào chúng sẽ cử cán bộ xuống tận nơi để nắm bắt và tìm cách tháo gỡ.
Theo Nghị định 55 của Chính phủ, mỗi trang trại được vay tối đa 1 tỷ đồng không thế chấp. Trong khi đó, trang trại của ông Tô Hiến Thành có doanh thu tới 12 – 13 tỷ đồng lại gặp khó khăn trong việc vay vốn, theo ông nguyên nhân là do đâu?
"Trường hợp của ông Tô Hiến Thành, tôi sẽ cho cán bộ xuống kiểm tra, tìm hiểu ngay. Nếu đủ cơ sở, chúng tôi sẽ cho vay ngay”.
Ông Nguyễn Hồng Thái
|
- Đúng vậy, Nghị định 55 của Chính phủ quy định mỗi trang trại được vay tối đa 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, trang trại đó phải được cấp giấy chứng nhận trang trại, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứ không phải trang trại nào cũng được vay 1 tỷ đồng.
Khó khăn lớn là hầu hết các chủ trang trại đều không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do diện tích đất mà họ sử dụng là đất thuê, đấu thầu. Song tài sản của họ trên đất như lợn, chuồng trại, máy móc… có giá trị hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ, thì ngân hàng có “linh động” cho vay hạn mức 1 tỷ đồng không?
- Năm ngoái, chúng tôi cũng xem xét một trường hợp đó là gia đình ông, bà Tâm – Chiến ở huyện Yên Thế, gia đình này nuôi gà, cũng gửi thư lên Trung ương kêu khó khăn vay vốn, nhưng khi chúng tôi về tìm hiểu cụ thể, thì gia đình này đang “nợ xấu” ngân hàng nhiều năm nay, nên chúng tôi không thể cho vay được.
Riêng trường hợp của ông Tô Hiến Thành, tôi sẽ cho cán bộ xuống kiểm tra, tìm hiểu ngay. Nếu đủ cơ sở, chúng tôi sẽ cho vay ngay. Tuy tài sản trên đất của ông Thành nhiều, song chúng tôi còn phải xem, ông ấy xây dựng chuồng trại trên đất có hợp pháp không, có được cấp có thẩm quyền cho phép không. Nếu xây dựng trên đất không được cho phép, giá trị tài sản đó có nhiều bao nhiêu, chúng tôi cũng không thể cho vay. Bởi sẽ liên quan đến rất nhiều vấn đề sau này, chẳng hạn khi Nhà nước thu hồi mà ông không được đền bù, thì ông lấy đâu tiền trả cho ngân hàng. Hoặc nếu các hộ đã bị “nợ xấu” mà chúng tôi vẫn cho vay, sau này công an sẽ bảo sao các anh biết là khách hàng thuộc diện “nợ xấu” mà vẫn cho vay…
Nhà nước đang có chủ trương khuyến khích người dân phải triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, việc đầu tư cho lĩnh vực này đòi hỏi cần phải có số vốn lớn, song ngân hàng tại tính định mức. Vì sao lại phải áp dụng định mức, liệu có thể bỏ hạn mức được không?
- UBND tỉnh Bắc Giang, Sở NNPTNT Bắc Giang đã tổ chức hội nghị bàn về việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Vấn đề hạn mức cũng đã là tranh cãi giữa ngân hàng, chính quyền và người dân. Tuy nhiên, theo quy định của ngân hàng, để cho vay nguồn vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần phải đảm bảo các yếu tố như: Nguồn vốn dự trữ của ngân hàng có còn hay không; Quy mô trang trại đề nghị vay như thế nào; kế hoạch sản xuất, kinh doanh ra sao; tài sản tương đương phải chiếm 75%, hoặc ít nhất phải 50 – 65%, tổng số vốn dự định vay. Tùy vào trường hợp cụ thể thì ngân hàng mới có thể cho vay được.
Xin cảm ơn ông!
Đã từng có nông dân được giải quyết cho vay sau khi viết tâm thư
Cuối tháng 12.2015, Nông dân Việt Nam xuất sắc Đinh Văn Thiểm, ở xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đã có thư gửi Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trình bày về việc khó khăn trong vay vốn ngân hàng...
Sau đó, đích thân Giám đốc Ngân hàng NNPTNT Nam Định đã cử cán bộ xuống thẩm định việc cho vay. Theo đó, Ngân hàng NNPTNT (Agribank) đã xác định ông Thiểm đủ điều kiện về vay vốn và ngân hàng sẽ cho ông vay 600 triệu đồng, cộng với trước đó ông Thiểm đã vay 250 triệu đồng, như vậy cộng cả hai khoản, ông Thiểm sẽ vay của Agribank tổng cộng 850 triệu đồng, gần sát với ngưỡng ông Thiểm mong muốn được vay là 1 tỷ đồng.
Ông Thiểm cho biết: “Ngay sau bức thư của tôi được Báo NTNN đăng tải, phía ngân hàng đã lần đầu tiên xuống thẩm định trang trại của tôi. Qua thẩm định, các cán bộ ngân hàng đều nhận thấy quy mô trang trại của tôi rất lớn nên đã quyết định bước đầu cho vay 600 triệu đồng”.
Theo ông Thiểm, ban đầu ông làm đơn với ý định vay 1 tỷ đồng, nhưng qua thẩm định, phía ngân hàng cho rằng mảnh đất mà ông đang làm trang trại chỉ còn thời hạn thuê hơn 1 năm, nên họ chỉ cho vay ngắn hạn, chứ không cho vay trung hạn, và chỉ cho vay 600 triệu đồng. Ông Thiểm cho biết thêm, mong muốn của ông là được vay 1 tỷ đồng trở lên để mở rộng trang trại, nay chỉ được vay 600 triệu đồng nên ông sẽ đầu tư vào cám và thức ăn chăn nuôi, còn các dự án mở rộng trang trại phải tạm dừng lại.
N.L
|
Ông Đặng Văn Nám - nông dân trồng bưởi da xanh (xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng):
Thủ tục vay vốn theo Nghị định 55 rất rườm rà
Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ năm 2015, cung cấp các khoản vay ưu đãi cho nông dân với số tiền lên đến 2 tỷ đồng nhưng ít ai có thể tiếp cận các khoản vay. Rất nhiều nông dân than thủ tục rườm rà và các điều kiện cho vay rất khắt khe, nhất là vay tín chấp.
Tuy nhiên người nông dân cũng cần nhìn nhận lại điều kiện của bản thân, họ cần phải có phương án sản xuất rõ ràng, có uy tín. Khi cho vay một số tiền lớn, phía ngân hàng cũng cần có một số điều kiện làm cơ sở, vì nếu cho vay bất chấp thì sẽ xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn.
Bên cạnh đó, thay vì đòi hỏi phải có giấy chứng nhận sử dụng đất là tài sản thế chấp cho các khoản vay, các ngân hàng nên xem xét các điều kiện khác, ví dụ các tài sản khác trên đất.
Anh Nguyễn Hồng Bửu - nông dân trồng cam (thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang):
Nhà nông chưa được hưởng lợi từ chính sách
Thực tế, nhiều nông dân rất ít khi tiếp cận được vốn ưu đãi dạng tín chấp với số tiền lớn. Còn vay theo dự án của địa phương lại càng khó vì dự án ít mà số người muốn tham gia nhiều, chưa kể cần xét đến nhiều điều kiện khác. Nông dân khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng vì nhiều lý do. Về thế chấp để vay vốn, nhiều nông dân không có tài sản hoặc đi thuê đất để sản xuất thì không vay được. Còn vay tín chấp không được bao nhiêu tiền, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất.
Anh Châu Trọng Hữu- nông dân trồng nấm (phường Trà An, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ):
8 tháng vẫn không làm được thủ tục vay vốn
Hiện nay, tôi đang muốn mở rộng quy mô mô hình trồng nấm linh chi, nấm bào ngư lên diện tích 2ha và cần vốn vay. Nhưng từ trước Tết Nguyên đán năm 2017 đến nay, tôi “gõ cửa” nhiều ngân hàng, thậm chí nhờ cơ quan chức năng hướng dẫn nhưng vẫn chưa có nơi nào làm thủ tục cho vay. Mặc dù có tài sản thế chấp hẳn hoi và cũng đã đưa họ xem qua mô hình làm ăn hiệu quả của mình, nhưng vẫn không được cho vay vốn. Do vậy, kế hoạch mở rộng diện tích của tôi đến nay vẫn… “trùm mền”.
Chúc Ly – Huỳnh Xây (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.