Biến đồi dốc thành vùng cây ăn quả trù phú, nông dân Sơn La bất ngờ "hái ra tiền"
Nông dân Sơn La "hô biến" đồi dốc thành vùng trồng những loại cây ăn quả gì mà "hái ra tiền"?
Văn Ngọc
Thứ năm, ngày 24/03/2022 13:32 PM (GMT+7)
Nhiều nông dân ở huyện Mai Sơn (Sơn La) đã biến vùng đất khô cằn, đồi dốc trở thành vùng cây ăn quả "hái" ra tiền, phủ màu xanh trên đất nông nghiệp kém hiệu quả.
Clip: Bà Đỗ Thị Phượng, Tiểu khu Thành Công, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn (Sơn La) Biến đồi dốc thành vùng cây ăn quả "hái ra tiền".
Trái ngọt trên vùng đất khô cằn, đồi dốc
Huyện Mai Sơn (Sơn La) trước đây được coi là "thủ phủ" của nông sản ngô, sắn... nhưng những năm gần đây đất bạc màu, ngô mất giá, những khoảnh đồi bắt đầu bị bỏ hoang.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, huyện Mai Sơn đã có những chủ trương, chính sách để chuyển đổi đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, tạo được vùng nguyên liệu lớn với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: thanh long, xoài… đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Nhờ đó, nhiều nông dân ở huyện Mai Sơn đã biến vùng đất khô cằn, đồi dốc trở thành vùng cây ăn quả, phủ màu xanh trên đất nông nghiệp kém hiệu quả.
Đang tiến cắt tỉa những trụ thanh long, bà Đỗ Thị Phượng, Tiểu khu Thành Công, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn (Sơn La) dừng tay, tâm sự: Trước đây, nhắc đến Nà Bó người ta nghĩ ngay đến những ngọn đồi toàn sắn, ngô, hoặc là những vùng đất hoang toàn cây bụi.
Người dân từ năm này sang năm khác chỉ gieo trồng một vụ; chi phí giống, phân bón nên thu nhập cả năm không đáng kể.
Chính vì thế, khi huyện có chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, gia đình tôi đã đầu tư chuyển đổi 4.000m2 đất, gia đình tiến hành trồng trên 800 trụ thanh long ruột đỏ, chăm sóc đúng quy trình, thực hiện khắt khe các bước chăm bón, nhờ vậy toàn bộ sản phẩm thanh long của gia đình bà Phượng được HTX, doanh nghiệp, các nhà xuất khẩu thu mua tận vườn.
"Năm vừa rồi gia đình tôi thu về khoảng 20 tấn quả, được HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn thu mua toàn bộ với giá từ 15.000 -20.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu về hơn 200 triệu đồng, giờ chỉ yên tâm sản xuất an toàn, đầu ra đã có người khác lo", bà Phượng nói.
Còn tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) một trong những vựa ngô lớn. Nhưng khi ngô mất giá, nông dân lại phải bỏ đất hoang thì chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc như luồng gió mới làm thay đổi phương thức sản xuất của người nông dân.
Cũng giống như nhiều hộ dân khác, ông Phạm Văn Duy, tiểu khu 19/5, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã trở thành một trong những hộ sản xuất giỏi của vùng, mỗi năm vườn nhãn cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Ông Duy cho biết: 1 ha trồng ngô một năm thu được 20 tấn bắp, bán với giá 3.500 đồng/kg chỉ thu được 70 triệu đồng, trừ tiền đầu tư còn lại chẳng được bao nhiêu.
Năm 2016, gia đình ông chuyển sang trồng nhãn, nhờ cán bộ huyện về tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật ghép cải tạo 1 ha nhãn lồng và chuyển đổi 2 ha trồng ngô sang trồng trên 2.000 cây nhãn ghép.
"Vụ vừa qua trừ tất cả chi phí cho lãi hơn 300 triệu đồng, dự tính vụ năm sau khi vườn nhãn trưởng thành, sản lượng sẽ tăng gấp 2, 3 lần năm nay", ông Duy nói.
Xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn cho biết: Mặc dù diện tích vùng cây ăn quả huyện Mai Sơn ngày càng được mở rộng và phát triển, nhưng đến nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Điều này khiến năng suất, sản lượng chưa đạt như mong muốn. Đồng thời, việc ứng dụng KHCN, liên kết sản xuất và tiêu thụ hoa quả còn nhiều khó khăn.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Mai Sơn đã và đang thực hiện chính sách khuyến khích phát triển cây ăn quả trên đất dốc, thành lập HTX, liên kết sản xuất.
"Khi thành lập HTX thì mới có căn cứ hỗ trợ cấp chứng nhận thực phẩm an toàn, chứng nhận VietGAP và tiến tới GlobalGAP, góp phần khẳng định thương hiệu, nâng cao vị thế trái cây Mai Sơn. Đồng thời, HTX cũng là cầu nối liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân", ông Hòa nói.
Hiện nay, diện tích cây ăn quả toàn huyện có 10.800 ha, sản lượng cho thu hoạch đạt 70 nghìn tấn. Đến nay, trên địa bàn huyện Mai Sơn có 3.000 ha cây ăn quả thực hiện theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, 800 ha sản xuất theo hướng hữu cơ.
Có hơn 1.405 hộ dân tham gia đăng ký xây dựng 3 vùng cây ăn quả nhãn, xoài, na, ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 1.000 ha. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn các xã, thị trấn với các sản phẩm như cam, bưởi, nhãn, xoài, thanh long, na, dâu tây, với quy mô 800 ha.
Hiện huyện Mai Sơn có 40 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, với diện tích hơn 1.300 ha, 5 cơ sở đóng gói được cấp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc…
Cũng theo ông Hào, việc trồng và phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.
Huyện Mai Sơn đã và đang tập trung xây dựng thêm các vùng cây ăn quả, thúc đẩy ký kết hợp tác tiêu thụ với các công ty, tập đoàn lớn, xây dựng nhà máy chế biến hoa quả để bảo đảm đầu ra ổn định cho người dân yên tâm canh tác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.