Di thực từ rừng về vườn
Gia đình anh Nguyễn Văn Xô ở thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù (Tam Đảo) là một trong những hộ tích cực tham gia xây dựng mô hình nhân giống cây ba kích. Anh Xô kể: “Trước đây, trên các triền núi Tam Đảo cây ba kích mọc hoang nhiều lắm. Rồi bỗng dưng các thương lái ở đâu đến thu mua củ ba kích, thế là dân đua nhau đi đào để bán. Khai thác quá đà, củ ba kích rừng giờ hiếm lắm…”.
Để tham gia mô hình nhân giống cây ba kích, anh Xô và nhiều hộ khác ở Tam Đảo phải lặn lội vào những cánh rừng vắng tìm cắt những dây ba kích còn sót lại đem về ươm tại vườn nhà. “Trước gia đình tôi cũng có làm thêm nghề ươm hoa hải đường, nhưng kỹ thuật ươm cây ba kích thì tôi mù tịt, phải nhờ các anh, chị ở Hội ND tỉnh hướng dẫn, tập huấn.
Năm 2012, lần đầu tiến hành, tôi cũng chỉ dám ươm một đám vườn nho nhỏ. Thấy tỷ lệ hom giống phát triển thành cây sống đạt cao, lại bán được, nên từ năm 2013 đến nay, tôi và một số hộ khác trong xã mạnh dạn mở rộng diện tích ươm…”.
Theo anh Xô, nếu nắm được kỹ thuật thì ba kích là một trong những loại dược liệu dễ ươm, dễ nhân giống nhất. Đất ươm phải là đất mượn sau khi gạt đi lớp đất mặt. Đất xử lý tơi xốp thì tiến hành khử nấm, vén thành luống. Hom dây ba kích cũng được xử lý sạch bệnh mới tiến hành giâm xuống đất rồi phủ nylon, ngày tưới nước sạch 2 lần.
Sau khi giâm hom từ 3,5-4 tháng thì ba kích giống có thể xuất bán được. “Ban đầu còn lúng túng, nhưng sau 2-3 vụ, gia đình tôi cũng như các hộ khác đều đã thành thạo kỹ thuật ươm, nhân giống cây ba kích. Loại dược liệu quý này có thể “thuần hóa” ở đất vườn đồi…” - anh Xô khẳng định.
Sẽ lập hợp tác xã trồng dược liệu
Mô hình ươm, nhân giống và trồng thương phẩm cây ba kích trên đất Tam Đảo là một trong những đề tài khoa học do Hội ND tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện từ năm 2012. Bà Phạm Thị Lan - Trưởng ban Tuyên huấn Hội ND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Đề tài khoa học được thực hiện theo từng giai đoạn.
Năm 2012, Hội ND tỉnh tổ chức xây dựng mô hình, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành tập huấn, chuyển giao KHKT ươm, nhân giống cây ba kích bằng phương pháp giâm hom cho các hộ ND. Năm 2013, các hộ tham gia mô hình tiến hành ươm, nhân giống ba kích ngay tại vườn. Từ năm 2014, các hộ vừa ươm, nhân cây giống, vừa trồng cây ba kích thương phẩm (lấy củ).
Anh Nguyễn Văn Xô cho biết thêm: Nhu cầu về cây giống cũng như củ ba kích thương phẩm rất lớn. Năm 2013, chỉ riêng gia đình anh đã bán hơn 20 vạn cây giống với giá bình quân 2.000 đồng/cây. Không chỉ các hộ trong vùng Tam Đảo mà các mối hàng từ Đà Nẵng, Thái Nguyên, Quảng Ninh cũng tìm về mua cây ba kích giống. Lao động của nhiều hộ dân ươm, nhân giống cây ba kích có việc làm quanh năm, thu nhập cao và ổn định hơn rất nhiều so với trước kia…
Hiện nay, trên địa bàn xã Đạo Trù có 4 hộ tham gia ươm, nhân giống ba kích với tổng diện tích 1ha. Ngoài ra còn 7 hộ khác đang thực hiện mô hình trồng cây ba kích thương phẩm với tổng diện tích hơn 2ha. Cây ba kích sau 4 năm trồng sẽ cho thu hái củ, giá bán củ tươi ngay tại vườn hiện là 250.000 đồng/kg. Bà Phạm Thị Lan cho biết: “Trên cơ sở các hộ ươm, nhân giống, trồng cây ba kích thương phẩm, Hội ND tỉnh sẽ hỗ trợ để hình thành nhóm ND cùng sở thích, lâu dài sẽ thành lập HTX trồng dược liệu”.
Cây ba kích (còn gọi là dây ruột gà) là loại dược liệu quý mọc hoang ở các khu rừng miền núi phía Bắc, trong đó nhiều nhất ở vùng núi Tam Đảo. Nhưng sau nhiều năm bị khai thác, nguồn củ ba kích tự nhiên gần như cạn kiệt, trong khi nhu cầu về loại dược liệu này ngày càng lớn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.