Quỹ Hỗ trợ nông dân trao vốn, nông dân Thái Nguyên yên tâm vượt khó, mở rộng quy mô sản xuất

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 31/12/2022 15:30 PM (GMT+7)
Nhờ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hộ sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi và có kinh tế ổn định hơn. Đây là nguồn vốn có ý nghĩa thiết thực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy nông dân làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Bình luận 0

Quỹ Hỗ trợ nông dân Thái Nguyên đã giúp nhiều bà con giải quyết khó khăn trong phát triển chăn nuôi (Clip: Hà Thanh)

Trong năm 2022, các dự án được triển khai từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp cho nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có vốn đầu tư mô hình sản xuất theo nhóm hộ cùng sở thích, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, tăng thu nhập cho các hộ vay vốn và người lao động tại các HTX, THT, tổ hội nghề nghiệp, cơ sở sản xuất…

Từ đó, từng bước hướng người nông dân chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, mở rộng ngành nghề sản xuất, phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất như thành lập các HTX, THT

Quỹ hỗ trợ nông dân Thái Nguyên: Bệ đỡ giúp nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Nhờ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hộ dân đã vươn lên phát triển kinh tế và giảm nghèo (Ảnh: Hà Thanh)

Gia đình anh Dương Văn Hồng (xóm Phú Xuân, xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) hiện đang chăn nuôi bò 3B quy mô lớn và có nguồn thu nhập ổn định.

Trước đây, gia đình anh chủ yếu chăn nuôi lợn nhưng do dịch bệnh thua lỗ nên anh đã chuyển hẳn sang nuôi bò vỗ béo. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã Nga My, tháng 8/2022, anh Hồng đã thành lập HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My. Hiện gia đình anh có tất cả 30 con bò 3B.

Quỹ hỗ trợ nông dân Thái Nguyên: Bệ đỡ giúp nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Gia đình anh Dương Văn Hồng (xóm Phú Xuân, xã Nga My, huyện Phú Bình) hiện đang chăn nuôi bò 3B quy mô lớn và có nguồn thu nhập ổn định (Ảnh: Hà Thanh)

Theo anh Hồng, thời gian trước lúc giá cả ổn định, bò giống được gia đình anh bán với giá 85.000 đồng/kg, còn bò thịt 100.000 đồng/kg. Với giá bán đó, trung bình mỗi con bò 3B sẽ cho lợi nhuận khoảng 900.000 – 1 triệu đồng/con/tháng.

Chị Nguyễn Thị Duyên (xóm Ba Phiêng, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, trước đây gia đình chị đã chăn nuôi trâu bò nhưng với số lượng ít.

Năm 2020, sau khi được vay 120 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Võ Nhai và 40 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình chị đã chuyển hoàn toàn sang chăn bò và phát triển thêm quy mô, mua thêm bò 3B về nuôi.

Cùng với số tiền tích lũy của gia đình, cộng thêm nguồn vốn vay, vợ chồng anh chị đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò gần 300m2 với chi phí 80 triệu đồng. Hiện nay, gia đình chị có tất cả 11 con bò gồm cả bò 3B và bò ta. Thời điểm giá bò cao, trung bình mỗi con bò cho lãi khoảng 1 triệu đồng/ tháng.

Chị Duyên cho biết: "Hiện tại, giá thức ăn chăn nuôi cao mà giá bò lại đang giảm, bán thì lỗ mà tiếp tục nuôi kéo dài thì không có vốn quay vòng. Do đó, gia đình tôi và nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn đang gặp phải khó khăn trong việc duy trì nguồn vốn. Tuy nhiên, trong năm 2022, gia đình tiếp tục được vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để chăn nuôi bò. Nguồn vốn này đã giúp ích rất nhiều cho gia đình trong việc chăn nuôi giữa thời điểm khó khăn này."

Quỹ hỗ trợ nông dân Thái Nguyên: Bệ đỡ giúp nông dân phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp gia đình chị Duyên vượt qua khó khăn trong lúc cần vốn để duy trì mô hình (Ảnh: Hà Thanh)

Với nguồn vốn vay đó, gia đình chị Duyên dự định sẽ mua thêm thức ăn tinh để duy trì, vỗ béo cho đàn bò hiện tại, chờ giá lên rồi xuất bán và tiếp tục vào lứa bò mới.

Ông Vũ Văn Tiến – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Dân Tiến cho biết, trong năm 2022, Hội Nông dân xã Dân Tiến đã lựa chọn 10 hộ tham gia dự án chăn nuôi bò để thành lập THT và triển khai xây dựng mô hình.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao mà giá cả và đầu ra của sản phẩm chăn nuôi lại rất khó khăn. Chính vì vậy, việc Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ thêm nguồn vốn mới cho hội viên nông dân phát triển chăn nuôi đã giải quyết được rất nhiều khó khăn ở thời điểm tiêu thụ sản phẩm này.

Hi vọng trong thời gian tới, nhà nước có chính sách điều chỉnh giúp bà con chăn nuôi thuận lợi hơn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời có kế hoạch đầu tư nguồn vốn hỗ trợ nông dân hiệu quả, từ đó giúp tăng thu nhập cho hội viên nông dân.

Ông Lê Đàm Ngọc – Phó Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên) cho biết: "Năm 2022, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên đạt 52 tỷ 123 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác 13 tỷ 150 triệu đồng; nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh 28 tỷ 340 triệu đồng; nguồn vốn Quỹ cấp huyện 10 tỷ 633 triệu đồng. Đã có 9/9 đơn vị cấp huyện phát triển được Quỹ Hỗ trợ nông dân, trong đó có 4 huyện đạt mức từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, 5 huyện đạt mức từ 1 tỷ đồng trở lên."

Cũng theo ông Lê Đàm Ngọc, trong năm, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giải ngân 44 dự án cho 454 hộ vay với số tiền 22 tỷ 685 triệu đồng.

Năm vừa qua, thông qua hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã hướng dẫn thành lập mới được 60 THT và 24 HTX, kết nạp mới được 3.701 hội viên, nâng tổng số hội viên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lên 166.226 hội viên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem