Nuôi lươn kiểu gì mà thò tay xuống đụng la liệt, ông nông dân Bình Phước cứ bắt lên là bán hết sạch?

Thứ bảy, ngày 31/12/2022 05:06 AM (GMT+7)
Mô hình nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế và đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước).
Bình luận 0

Người xưa có câu “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, nghèo nuôi vịt”, có lẽ đây là những mô hình chăn nuôi truyền thống được người nông dân áp dụng từ ngàn xưa. 

Nhưng ngày nay, các nhà nông luôn đổi mới, thử nghiệm nhiều mô hình chăn nuôi và ứng dụng kỹ thuật để tìm hướng phát triển. Trong đó, phải kể đến nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế và đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước).

Chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn đúng thời điểm

Năm 2019, do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, đàn heo của gia đình ông Bùi Văn Tĩnh ở thôn 7, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng chết hết. Nhìn chuồng trại bỏ không, ông Tĩnh không khỏi xót xa. 

Trong khi chưa tìm được mô hình kinh tế mới để vực dậy, gia đình ông được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng giới thiệu và hỗ trợ lươn giống, tập huấn kỹ thuật nuôi lươn không bùn. 

Ông Tĩnh cho biết: Năm 2021, gia đình ông được giới thiệu và hỗ trợ chuyển giao mô hình nuôi lươn không bùn với 5.000 con lươn giống. 

"Tận dụng chuồng heo cũ, tôi cải tạo lại xây dựng bể chứa để nuôi lươn với diện tích 40m2, kinh phí chỉ 10 triệu đồng. Sau 10 tháng chăm sóc, đợt xuất bán lươn thương phẩm đầu tiên, tôi bán với giá 160.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lời 80 triệu đồng. Bước đầu nuôi lươn thành thành công, năm nay tôi đầu tư thêm 10.000 con lươn giống, hiện 5.000 con lươn thương phẩm đủ điều kiện để bán...", ông Tĩnh nói.

Nuôi lươn kiểu gì mà thò tay xuống đụng la liệt, ông nông dân Bình Phước cứ bắt lên là bán hết sạch? - Ảnh 2.

5.000 con lươn trong bể nuôi của hộ ông Bùi Văn Tĩnh ở thôn 7, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) đã đạt trọng lượng chuẩn bị xuất bán

Sau hơn 1 năm trải nghiệm nuôi lươn không bùn, ông Tĩnh đánh giá cao mô hình này. Bởi chi phí mua con giống thấp, chỉ khoảng 15 triệu đồng/5.000 con lươn giống và yêu cầu về bể, hồ nuôi lươn rất đơn giản, chi phí đầu tư không cao. 

Ông Tĩnh cho biết thêm: Nếu so sánh giữa nuôi lươn không bùn với nuôi heo thì tôi thấy nuôi lươn an toàn hơn, ít dịch bệnh. Mặt khác, thức ăn ít tốn kém, giá thành rẻ hơn nhiều; kỹ thuật chăm sóc cũng đơn giản không vất vả so với các mô hình chăn nuôi khác.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch HTX nuôi lươn không bùn xã Minh Hưng: Hiện nay, nuôi lươn không bùn được nhân rộng trên địa bàn huyện Bù Đăng. Điển hình là HTX nuôi lươn không bùn xã Minh Hưng, dù mới tách ra từ HTX nuôi lươn không bùn của thị trấn Đức Phong nhưng đã thu hút 11 hội viên tham gia với số lượng 100.000 con lươn.

Nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn

Tham gia Hợp tác xã (HTX) nuôi lươn không bùn xã Minh Hưng khoảng 7 tháng nay, mới đầu ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch HTX tận dụng nhà xưởng có sẵn, chỉ đầu tư tiền mua sắt, thép và bạt đã làm được 60m2 bể chứa để nuôi 10.000 con lươn. 

Ông Hùng cho biết: Với nuôi lươn không bùn, 5.000 con giống ban đầu chỉ khoảng 15 triệu đồng; còn tiền chăm sóc, thức ăn cho lươn từ khi bắt đầu nuôi đến lúc xuất bán 15 triệu đồng. Qua quá trình chăm sóc, lươn ít bị bệnh như các loại gia súc, gia cầm khác. Khi xuất bán, 5.000 con lươn sẽ cho lợi nhuận hơn 30 triệu đồng. Tôi thấy mô hình này rất hiệu quả.

Ông Dương Ngọc Sáng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước): Mô hình nuôi lươn không bùn bắt đầu từ năm 2018-2019. Đây là thời điểm đàn heo bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi khiến các hộ nuôi bị tác động nặng nề. 

Để giúp các hộ nuôi heo vượt qua khó khăn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng đã tham mưu UBND huyện mô hình nuôi lươn không bùn. Sau đó đã triển khai thí điểm 6 mô hình tại các xã Bom Bo, Minh Hưng, Bình Minh và thị trấn Đức Phong. Đến nay, mô hình nuôi lươn này đã mang lại hiệu quả thực tế.

Ông Dương Ngọc Sáng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng cho biết: Từ khi triển khai nuôi lươn không bùn đến nay được 2 năm. 

Hiện mô hình đã nhân rộng trên địa bàn, được nhiều hộ dân chọn để phát triển kinh tế. Trên địa bàn huyện Bù Đăng đã hình thành 2 HTX nuôi lươn không bùn ở xã Minh Hưng, thị trấn Đức Phong và được huy động nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân xây dựng tổ hợp tác.

Nuôi lươn không bùn có nhiều ưu điểm như chi phí đầu tư ban đầu thấp, kỹ thuật nuôi đơn giản, quá trình chăm sóc, đầu tư thức ăn thấp, phù hợp với những nông hộ muốn chuyển đổi mô hình kinh tế nhưng vốn ít. 

Qua thời gian triển khai, mô hình này đã mang lại hiệu quả thực tế, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước).

Ngọc Bích (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem