Nông dân tham gia “bắt” bệnh lao

Thứ hai, ngày 08/08/2011 14:57 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là cách làm của nông dân Bắc Giang hiện nay. Cán bộ, hội viên nông dân ở khắp các làng, xã đã tích cực phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc lao để vận động đi khám và điều trị.
Bình luận 0

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn K ở xã Ngọc Lý (huyện Tân Yên), mới tới đầu ngõ đã nghe những tiếng ho đến thắt ruột của anh.

Bệnh nhân lao vẫn còn giấu bệnh

Anh Nguyễn Văn M - em trai anh K kể: "Vợ anh ấy bỏ 3 bố con đi mấy năm nay. Một mình anh "gà trống nuôi con" nên nhiều lúc làm việc quá sức mới sinh ra bệnh tật". Thường ngày, mọi người chỉ tưởng anh K hay uống rượu về bị viêm họng ho, nhưng mới đây, anh K gọi mọi người đến để nhờ: "Nếu tôi chết nhờ các anh, các chị chăm sóc hai đứa nhỏ hộ, ho thế này, có lẽ tôi bị ung thư phổi rồi".

img
Khi xuất hiện triệu chứng ho có đờm kéo dài trên 2 tuần, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế khám (ảnh minh hoạ).

Không đành lòng nhìn anh nằm chờ chết, cả nhà đưa anh K đi khám mới biết anh không mắc ung thư phổi mà bị lao nhưng giấu bệnh lâu ngày nên càng làm cho bệnh thêm trầm trọng.

Trao đổi với NTNN, ông Lê Văn Trấn - Trưởng ban Kinh tế xã hội (Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang) cho biết, theo số liệu thống kê của Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, trung bình mỗi xã ở Bắc Giang có 7 - 10 người mắc lao. Trong đó, một số huyện vùng sâu, xa có số bệnh nhân rất cao, như: Hiệp Hoà 225 người, Lục Nam 217 người, Lục Ngạn 208 người, Lạng Giang 206 người…

Tính đến 31.12.2010, toàn tỉnh Bắc Giang có 2.445 bệnh nhân lao các thể, trong đó 1.169 bệnh nhân lao AFB+ và 1.286 bệnh nhân lao AFB-

"Người mắc bệnh lao chủ yếu ở độ tuổi từ 15 - 34 nên không chỉ gây tổn thất cho sức khoẻ con người mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, 76% số người mắc lao là nông dân, do mức sống còn thấp, môi trường bị ô nhiễm, công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu còn hạn chế…

Bởi vậy phòng chống lao không chỉ là công việc của riêng ngành y tế mà của toàn xã hội. Hội Nông dân cũng đã xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp hội" - ông Trấn nói.

Xây dựng mô hình phát hiện sớm

Trước những thực trạng trên, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã triển khai mô hình "Chi hội Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao", qua đó tư vấn và hỗ trợ người mắc lao điều trị ngắn hạn có kiểm tra trực tiếp (DOTS) tại 2 thôn Mường Làng và Suối Ván thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam với sự tham gia của 200 thành viên.

Mục tiêu của Chương trình chống lao Quốc gia đến năm 2015 là giảm 50% số người mắc lao so với năm 2000 và tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Để đẩy lùi căn bệnh này, Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với ngành y tế thí điểm tiểu dự án trên 17 tỉnh mô hình "Chi hội Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao".

Nhờ sự tích cực vào cuộc của các cấp hội, trong 4 năm qua, Hội đã phối hợp với Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh vận động trên 240 hội viên nông dân tại 2 xã Đông Hưng và Nghĩa Phương (Lục Nam) đi khám, soi đờm. Qua khám tư vấn đã phát hiện 20 người nghi mắc lao để điều trị sớm tại các cơ sở y tế.

Ông Trấn cho biết, khi mô hình thí điểm này nhân rộng trong toàn tỉnh, thì tình trạng giấu bệnh như anh K sẽ được phát hiện, tư vấn kịp thời, tránh tình trạng bệnh lây lan trong cộng đồng.

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cũng chỉ đạo các cấp cơ sở lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi, tổ hội với các nội dung: Dấu hiệu nghi mắc lao, các biện pháp phòng, chống lao; tư vấn và giúp đỡ để nông dân tự giác thay đổi hành vi, phát hiện sớm biểu hiện nghi mắc lao đi khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tư vấn về tác hại của việc điều trị lao không đúng cách… Qua đó, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, không giấu bệnh và tự khai báo bệnh của người thân để kịp thời đi khám, điều trị đúng phác đồ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem