ĐẠI THỤ
GS.TS. NGND Phan Huy Lê, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn của Cộng hòa Pháp trút hơi thở cuối cùng vào 13h10 ngày 23/6 tại Bệnh viện Bạch Mai. Ông sinh ngày 23/2/1934 tại làng Thu Hoạch, Thạch Châu, Thạch Hà (Lộc Hà), Hà Tĩnh, là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Phan Huy nổi danh khoa bảng như Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú. Tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội dưới sự dẫn dắt của GS. Đào Duy Anh. Hai năm sau ông là Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ-trung đại. Ông từng giảng dạy ở nhiều trường đại học như Đại học Paris, Đại học Amsterdam.
Cáo phó do Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát đi, điểm lại thành tựu của nhà sử học được suy tôn nằm trong tứ trụ của ngành sử học Lâm-Lê-Tấn-Vượng (Đinh Xuân Lâm-Phan Huy Lê-Hà Văn Tấn-Trần Quốc Vượng). GS Phan Huy Lê giữ chức Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từ 1988-2016, Chủ tịch danh dự của Hội cho tới nay, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa. GS Lê là Chủ nhiệm Đề án Khoa học Xã hội cấp Quốc gia Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam.
Trong suốt hơn 60 năm nghiên cứu, giảng dạy với hàng trăm công trình lịch sử và văn hóa đóng góp lớn cho ngành sử học, thầy Phan Huy Lê nhận được nhiều giải thưởng và sự tôn vinh danh giá: Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Cộng hòa Pháp, Giải thưởng Văn hóa châu Á Fukuoka của Nhật Bản.
NHÂN CÁCH SỬ HỌC
Sở dĩ sự ra đi của thầy Phan Huy Lê vẫn khiến học trò và người trong giới bàng hoàng, bởi thầy cống hiến cho sự nghiệp làm sử tới những giây phút cuối đời. Liên hệ với GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, ông đau xót và bối rối khi ngồi vào bàn để viết điếu văn. “Thầy vừa đi Trường Sa về hồi tháng 5, hôm ấy thầy khỏe và vui lắm vì thực hiện được ý nguyện của người làm sử. Cụ nói với tôi “làm sử không thể không đi Trường Sa, cậu đi rồi bây giờ mình phải đi”. Cụ là người cao tuổi nhất từng ra Trường Sa, cụ bảo sẽ viết bài về chuyến đi ấy, tiếc là chưa kịp thì cụ vội đi”, GS Ngọc bùi ngùi.
GS Ngọc có “thâm niên” theo thầy Phan Huy Lê tròn 50 năm từ bài học đầu tiên ở trường đại học, được GS Lê hướng dẫn làm luận văn cử nhân, tiến sĩ và thậm chí sau này là phó giáo sư, giáo sư. “Trong số hàng nghìn học trò của GS Phan Huy Lê, tôi có đặc ân được giáo sư hướng dẫn từ cử nhân cho tới tiến sĩ. Giáo sư nhận tôi làm trợ lí giảng dạy, dẫn dắt tôi trong mỗi bước trưởng thành. Có thâm niên đi theo thầy, nhưng khi bắt tay vào phác họa chân dung thầy, tôi thấy mình không đủ sức. Tôi loay hoay tìm cách lí giải vì sao ở tuổi 25, 30 mà Phan Huy Lê đã trở thành trụ cột rất chắc trong hàng tứ trụ (nói đến bộ tứ Lâm-Lê-Tấn-Vượng, Tấn thì rất sâu, Vượng rất sắc còn Lê rất chắc). Hẳn ai cũng có thể nhận ra vai trò tiên phong, dẫn dắt về học thuật của Phan Huy Lê trong nền sử học đa ngành ở nước ta. Sự suy tôn nhà khoa học ở vị trí cao nhất suốt nửa thế kỷ cũng là câu chuyện hiếm có, dường như khó có thể tìm được người thay thế ông”, GS Nguyễn Quang Ngọc đánh giá.
Theo Nguyễn Quang Ngọc, bước vào tuổi lục tuần, Phan Huy Lê bứt phá và tăng tốc đến ngoạn mục với nhịp độ 12 công trình một năm và hơn 200 công trình tổng kết khoa học sâu sắc và chuẩn mực trong hai chục năm qua. Càng những năm cuối đời ông càng viết nhiều, và có những tổng kết lớn liên quan đến những lĩnh vực lịch sử và văn hóa Việt Nam. Vào tuổi bát tuần, ông vẫn hăng hái dẫn đầu các đoàn khảo sát đi thực địa từ Hoàng thành Thăng Long, Sơn La, Thái Nguyên, Tây Đô, Lam Sơn, Lũng Nhai, Triệu Phong, Huế, Đà Nẵng, Hội An. “Năm 2017 sau khi chúng tôi tổ chức hội thảo ở Phú Yên, cụ có nói phải tổ chức cho cụ lên khảo sát ở Tây Nguyên. Cụ đến Thủy Xá-Hỏa Xá quên thời tiết khắc nghiệt, làm việc quên mình, xong việc cụ vỗ vai tôi: “Cậu ạ, làm sử phải đi khảo sát thế này viết sử mới thật được”. Mấy tháng sau cụ rủ tôi đi An Khê khảo sát Tây Sơn thượng đạo, đi vào rừng trong trời mưa ngập vô cùng nguy hiểm. Chúng tôi phải thuyết phục mãi cụ mới chịu quay ra. Cụ đã vào việc là quên hết mọi thứ, là tấm gương lớn cho chúng tôi”, GS Ngọc nói.
GS. Phan Huy Lê trở thành người thầy lớn, nhân cách lớn với hàng chục thế hệ học trò. .
PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học nhận định: “Phan Huy Lê trước hết là người thầy lớn đào tạo nhiều thế hệ học trò là các tiến sĩ, giáo sư của ngành sử học. Thầy là nhân cách sử học Việt Nam”. Ông cho rằng từ lĩnh vực nghiên cứu, xuất bản, quản lý đâu đâu cũng thấy dấu ấn và đóng góp lớn của GS Lê với tư cách người đứng đầu, tiên phong: Từ công việc ở Khoa Lịch sử cho tới các trung tâm, viện nghiên cứu như Viện Việt Nam học, hội nghề nghiệp như Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Trong rất nhiều điểm nổi bật ở người thầy Phan Huy Lê, PGS Bùi Văn Liêm nhấn mạnh tới vai trò của thầy trong đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt với Pháp, Nhật. “Không thể không nhắc tới tấm lòng bao dung rộng lớn của thầy với gia đình, các thế hệ học trò và các tổ chức khác”, ông Liêm nói. Đồng quan điểm, GS Nguyễn Quang Ngọc kể trong quá trình làm bộ Quốc sử mặc dù có những luồng ý kiến xuyên tạc và tiêu cực, GS Lê nắm vững chân lí nên rất bình tĩnh, tỉnh táo làm nghiên cứu và không để các tác động tiêu cực ảnh hưởng tới quá trình làm khoa học.
DẤU ẤN VỚI DI SẢN HOÀNG THÀNH
“Rất nhiều di sản văn hóa thế giới có dấu ấn của Phan Huy Lê, đặc biệt là Hoàng thành Thăng Long”, PGS Bùi Văn Liêm nói. Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, trong tổng kết khoa học, thầy rất mẫu mực nhưng cũng rất tươi mới và năng động, chuẩn chỉnh. “Đặc biệt đối với Hoàng thành Thăng Long, cụ bản lĩnh cao cường, bảo vệ đến cùng chân lí lịch sử, bảo vệ đến cùng di sản của tổ tiên. Nhiều người biết việc nhưng không dám đấu tranh, riêng cụ Lê chiến đấu bảo vệ đến cùng”, GS Ngọc chia sẻ.
PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh thành nói Hoàng thành Thăng Long không phải bỗng nhiên có như hôm nay. Ông nhớ lại bối cảnh vô cùng gian nan quãng 2006-2008 khi Hoàng thành đứng trước nguy cơ phải di dời để xây nhà quốc hội. “Khi ấy có nhiều luồng nhận thức khác nhau về Hoàng thành, nhiều người không công nhận đó là Hoàng thành Thăng Long. Phan Huy Lê đã tập hợp được các nhà khoa học trong ngoài nước công nhận và khẳng định giá trị của Hoàng thành, trình Thủ tướng bảo tồn toàn bộ di sản và tiến tới hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới. Nếu không có GS Lê cùng GS Đỗ Hoài Nam và các nhà khoa học khác thì khó có di sản thế giới Hoàng thành bây giờ”, PGS Bùi Minh Trí nói.
Kể từ những phát hiện khảo cổ đột phá ở 18 Hoàng Diệu vào năm 2002-2003 khẳng định giá trị trường tồn của Hoàng thành Thăng Long, GS Phan Huy Lê với vai trò trong Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn khu di tích Cổ Loa-Thành cổ dồn tâm sức bảo vệ và phát huy di sản Thăng Long. Cánh phóng viên quá quen thuộc với hình ảnh GS Lê trong mỗi cuộc hội thảo đầu bờ tại các hố khai quật khảo cổ ở Hoàng thành. Ông cũng là người chủ trì, lắng nghe từng ý kiến thảo luận trong mỗi cuộc báo cáo và đưa ra những kết luận mang tính khoa học có giá trị dẫn dắt đối với giới nghiên cứu.
GS. Nguyễn Quang Ngọc cho biết: “Ở tuổi 85 Phan Huy Lê sử dụng thành thạo kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng mỗi giờ lên lớp. Trong khi nhiều cụ ngại máy tính, kỹ thuật hiện đại thì GS. Lê dẫn dắt, động viên các thế hệ học trò hiện đại hóa phương pháp nghiên cứu, áp dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy”.
Toan Toan (Tiền phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.