Nông dân thế chấp sổ đỏ làm cầu, đường

Thứ năm, ngày 27/02/2014 07:01 AM (GMT+7)
Về ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa (Long An), hỏi ông Trần Văn Bé và anh Trần Thanh Thiền ai cũng nhiệt tình dẫn đường, bởi họ là những nông dân đã “liều mình” thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng về làm đường, xây cầu cho người dân đi lại được thuận tiện.
Bình luận 0
Thương bà con đi lại khó khăn

Trước năm 2000, người dân ở khu vực ấp Cầu Lớn khi có công việc đi ra lộ lớn về trung tâm thị trấn Thủ Thừa, hay đến trụ sở UBND xã phải đi bằng xuồng, mất nhiều tiếng đồng hồ mới đến nơi. Nhưng từ khi có con đê đất của kênh T11 thuộc ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc nối liền các xã Bình Thành, Tân Lập…(huyện Thủ Thừa), người dân các xã trên đi lại, giao lưu hàng hóa rất thuận lợi. Tuy nhiên, do con đê kênh T11 chưa được rải sỏi đỏ, nên việc đi lại của người dân vào mùa mưa gặp rất nhiều khó khăn.

Từ phải qua: Anh Thiện, Bé, Lô bên cây cầu bê tông vững chắc.
Từ phải qua: Anh Thiện, Bé, Lô bên cây cầu bê tông vững chắc.

Thấy bà con khổ cực, ND sản xuất kinh doanh giỏi Trần Văn Bé đề nghị chính quyền địa phương cho ông và một số người đứng ra vận động người dân ủng hộ tiền, vật tư, công lao động để xây dựng tuyến đường được sạch sẽ hơn. Ông Bé cho biết, sau khi được chính quyền địa phương đồng ý, ông cùng với anh Trần Thanh Thiền đứng ra vận động 33 hộ dân nằm trên tuyến đường góp vốn, góp công để thi công tuyến đường dài gần 3km và 2 cây cầu bê tông kiên cố, hoàn thành vào năm 2012 và 2013 với tổng kinh phí trên 550 triệu đồng.

An toàn của bà con là trên hết

"Tui bàn với anh Thiền lấy sổ đỏ, đem đi thế chấp ngân hàng vay vốn, để ứng trước tiền mua vật tư làm đường, xây cầu. Anh Thiền cầm sổ đỏ 3ha đi vay 100 triệu đồng, tui cầm sổ đỏ 1ha đi vay 40 triệu đồng…”.
Ông Trần Văn Bé

“Hầu hết người dân ở ấp Cầu Lớn làm ruộng, nên việc đóng góp tiền hết sức khó khăn và lúc thu hoạch lúa mới có tiền, trong khi việc đi lại, giao lưu hàng hóa của người dân luôn đặt mục tiêu an toàn là trên hết. Tui bàn với anh Thiền lấy sổ đỏ, đem đi thế chấp ngân hàng vay vốn, để ứng tiền trước mua vật tư xây dựng đường, xây dựng cầu.

Anh Thiền cầm sổ đỏ 3ha đi vay 100 triệu đồng, tui cầm sổ đỏ 1ha đi vay 40 triệu đồng, cộng với tiền đóng góp của người dân và hỗ trợ của Nhà nước tổng cộng gần 300 triệu đồng (không tính tiền ăn, tiền công lao động thi công công trình). Số tiền đó, chúng tôi mua trên 1.200m3 đá xanh, đưa về rải lên mặt đường rộng hơn 1,2m đảm bảo cho việc đi lại của người dân”- ông Bé chỉ tay về con đường vừa hoàn thành tâm sự với chúng tôi. Anh Thiền cho biết thêm: “Khi được ông Bé vận động là tôi đồng ý liền, bởi lợi ích đã thấy rõ. Tôi về nhà bàn với vợ con lấy sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay tiền làm đường cho xã, vợ tôi ủng hộ liền”.

Ông Cao Văn Lô - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Thủ Thừa cho biết, không chỉ làm đường, anh Thiện còn lấy sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay 30 triệu đồng ứng trước xây dựng 2 cây cầu bê tông kiên cố là cầu T11, cầu liên ấp vừa hoàn thành cuối năm 2013. Tổng kinh phí gần 250 triệu đồng. Ngoài việc hỗ trợ tinh thần, anh Bé và anh Thiền còn tích cực trong công tác xã hội, từ thiện. Cũng theo ông Lô, huyện Thủ Thừa đang xây dựng hai xã Mỹ Lạc và Bình Thạnh đạt 19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015. Tuy nhiên, hiện 2 xã này còn vướng mắc hai vấn đề lớn là đường giao thông nông thôn và môi trường, trong đó có việc xóa bỏ tập quán sử dụng “cầu tõm” trên ao hồ, kênh rạch.

Diệu Thanh - Lê Lối (Diệu Thanh - Lê Lối)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem