Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Bắc Kạn từng đi mót khoai, nay trồng rừng kiểu gì mà thu 4,8 tỷ?
Từ phận mót khoai, mót sắn, chị Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Bắc Kạn nay làm gì mà thu 4,8 tỷ/năm?
Chiến Hoàng
Thứ ba, ngày 17/09/2024 05:34 AM (GMT+7)
Từ phận mót khoai, mót sắn qua bữa đến thu nhập 4,8 tỷ đồng/năm là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của chị Phạm Thị May-Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Mô hình trồng rừng, chế biến gỗ rừng trồng của chị đang tạo việc làm, thu nhập tốt cho nhiều lao động.
CLip: Chị Phạm Thị May, người vừa được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024" đến từ xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ về mô hình trồng rừng, chế biến gỗ rừng trồng cho thu nhập cao, tạo việc làm, thu nhập tốt cho nhiều lao động địa phương. Thực hiện: Chiến Hoàng
Chị Phạm Thị May-Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Bắc Kạn không chỉ thu xếp được công ăn việc làm cho nhiều lao động mà còn tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với người trồng rừng tại địa phương.
Từ một người nghèo chăm chỉ, kiên trì trồng rừng
Trước mặt chúng tôi lúc này là một người đàn bà đang lặng lẽ nhặt nhạnh những gộc cây rớt lại trong tiếng máy bóc gỗ rầm rập cuối ngày.
Trái ngược với những ồn ào vọng ra từ cỗ dây chuyền chế biến gỗ hiện đại của xưởng gỗ bóc cuối thôn và cơn mưa chiều hối hả là sự trầm lặng của bà chủ xưởng gỗ chốn thôn sơn.
Gắp gỗ nguyên liệu cho vào dây chuyền chế biến gỗ bóc tại xưởng chế biến lâm sản của hộ gia đình chị Phạm Thị May tại thôn Phiêng Luông, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Chị Phạm Thị May là một trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024. Ảnh: Chiến Hoàng
Với người nông dân, nhất là những nông dân miền núi, việc đủ ăn, đủ mặc đã khó chứ nói gì đến thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm; ấy vậy mà hội viên nông dân Phạm Thị May đã lặng lẽ chứng minh điều mà tưởng chừng không thể, nếu nỗ lực lại hoàn toàn trong tầm tay.
Có điều ít ai biết, Phạm Thị May - người đã tạo chuyển biến mạnh mẽ cho những người trồng rừng tại thôn Phiêng Luông, xã Thanh Mai của huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, người vinh dự có tên trong danh sách 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 lại đã từng phải mót khoai, mót sắn độn ăn qua bữa.
Chị Phạm Thị May, thôn Phiêng Luông, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho gỗ vào máy bóc tại xưởng gỗ bóc của gia đình. Ảnh: Chiến Hoàng.
Người xưa thường nói, sông sâu nước lặng, lúa chín cúi đầu… và Phạm Thị May là một điển hình cho cái sự khiêm cung ấy. Mộc mạc, chân chất là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về người phụ nữ đã làm nên kỳ tích ở chốn non cao, có đôi phần heo hút của huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
Bố mẹ đều là công nhân lâm trường, sinh ra, lớn lên giữa đồng rừng. Trong cái nhìn của người phụ nữ này, thứ nhiều hơn cả là màu xanh được phản chiếu từ đại ngàn thăm thẳm. Và chính bởi đó mà tính cách con người ở chị cũng trở nên nhẫn nại, kiên cường như những cội cây.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị May bảo, lấy chồng được ít năm thì dọn ra ở riêng, khi ấy nghèo, nghèo lắm, chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng.
Nghèo đến nỗi, muốn vay tiền ngân hàng mua đôi bò để làm kinh tế người ta cũng không dám cho vì tài sản thế chấp chẳng có gì.
Mãi sau mới vay được 3 triệu đồng để mua đôi lợn về nuôi. Số tiền ấy vừa mua giống vừa đầu tư nấu rượu để có cám bã chăn chúng. Tài sản lớn nhất của vợ chồng tôi lúc đó là đôi lợn và chiếc nồi nấu rượu. Cứ tằn tiện, chắt bóp, độn khoai độn sắn mà ăn qua bữa đợi đến ngày bán lợn. Khi có ít tiền từ việc bán rượu và lợn, hai vợ chồng lại đem mua rừng.
"Tôi đã trồng rừng được hơn 20 năm. Những ngày đầu rất vất vì vừa phải nấu rượu, vừa nuôi lợn lại phải trồng, chăm sóc cây. Chỉ có hai vợ chồng, thời gian lúc nào cũng như không đủ. Loáng cái là hết ngày mà chưa làm được gì nhiều.
Rồi rừng cây đến tuổi khai thác, lại bán dồn tiền mua rừng. Trong những lần đi thực tế học tập các hộ về việc trồng, chế biến lâm sản hai vợ chồng đã quyết định đầu tư xưởng bóc gỗ vì nếu chỉ chăm chăm vào bán cây cũng thấy tiếc. Lúc này diện tích rừng của gia đình cũng đã dồn được 40ha.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay, xưởng gỗ bóc của gia đình tôi đã được đầu tư, mở rộng quy mô và cũng đã bước vào năm thứ 10 vận hành. Tôi đã gần nửa đời người gắn bó với nghề trồng rừng rồi. Nói chung, trồng rừng và chế biến lâm sản chẳng lo không có đầu ra. Làm đến đâu người ta mua hết đến đó", chị May chia sẻ.
Trái ngọt từ những cánh rừng trồng
Từ đôi lợn với những mẻ rượu ban đầu, người nông dân lam làm ấy đã dựng nên được cơ ngơi mà khiến ai nhìn vào cũng phải ngưỡng mộ. Tính đến thời điểm hiện nay tổng mức đầu tư cho máy móc thiết bị, ô tô, nhà xưởng cũng đã ngót nghét 8 tỷ đồng.
Số tiền đầu tư vào rừng và hệ thống dây chuyền chế biến lâm sản của gia đình chị May đều hoàn toàn từ vốn tích lũy. Gạt những giọt mồ hôi chảy dài trên gương mặt, chị May kể, hồi còn làm nhỏ lẻ cũng đã vay 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư cây giống và mua rừng.
"Bán được gỗ bóc, mua được rừng, có chút tích lũy gia đình tôi không vay nữa vì biết còn rất nhiều hộ hội viên nông dân còn khó khăn. Người ta cũng có nhu cầu nên mình để cho các hộ khác khó khăn hơn vay. Mình từng khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nên biết cái khó khi không có vốn nên rất chia sẻ và đồng cảm", chị May cho biết thêm.
Xưởng gỗ bóc hoạt động hiệu quả, chị May đã liên kết, mua gỗ rừng trồng cho các hộ dân trong thôn, trong xã và cả các vùng lân cận. Việc trồng rừng và chế biến gỗ cũng đã tạo được công ăn việc làm cho hơn 20 lao động thương xuyên và thời vụ tại địa phương với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/ tháng.
Hai người con của chị May nhờ nguồn thu từ rừng, được ăn học bài bản và đều trở thành cán bộ trong các cơ quan nhà nước. Có tiền, trở thành bà chủ nhưng chị May vẫn ngày ngày trực tiếp lên rừng, vẫn miệt mài với những công việc chân tay, nặng nhọc đã gắn bó hơn nửa đời người cùng với các nhân công bất kể nắng mưa.
Chia sẻ về Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Phạm Thị May, ông Nông Văn Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho biết, mô hình trồng rừng và chế biến lâm sản của hội viên Phạm Thị May đã tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với địa phương trong việc trồng rừng.
"Xưởng chế biến gỗ của hội viên May thu mua tất cả các loại gỗ rừng trồng của các hội viên nông dân trên địa bàn xã Thanh Mai khi gỗ đến tuổi khai thác, góp phần đảm bảo đầu ra cho cây gỗ. Cùng với đó, việc thực hiện mô hình trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương, giúp nâng cao thu nhập của người dân, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và về đích nông thôn mới của xã", ông Giang nhận định.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, hộ hội viên Phạm Thị May hằng năm đều đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cũng là một trong những hội viên tiêu biểu, xuất sắc trong công tác hoạt động Hội tại địa phương.
"Mô hình phát triển kinh tế của hộ gia đình hội viên Phạm Thị May là một trong những mô hình tiêu biểu của huyện Chợ Mới. Mô hình trồng rừng, khai thác và chế biến lâm sản năm 2023 đã mang lại thu nhập đạt 4,8 tỷ đồng/năm cho hộ hội viên May. Hội viên Phạm Thị May tại địa phương cũng rất tích cực ủng hộ bằng tiền trong các cuộc vận động xã hội hóa ở nơi cư trú.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế rừng trên địa bàn huyện nhằm khích lệ các hộ hội viên nông dân phát triển kinh tế rừng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hội Nông dân huyện Chợ Mới cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên cơ sở kết quả đã đạt được. Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa các mô hình hiệu quả như của hội viên Phạm Thị May", bà Huệ cho biết thêm.
Với những nỗ lực phát triển kinh tế hộ gia đình, năm 2023, hội viên Phạm Thị May đã vinh dự được nhận Bằng Khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn và nhiều giấy khen cấp tỉnh do có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh, hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Với những thành tích đã đạt được, hội viên nông dân Phạm Thị May đã vinh dự được bình chọn là một trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024.
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.