Báo cáo nghiên cứu khả năng tạm trữ lúa cho nông hộ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được nhóm nghiên cứu đưa ra khẳng định nông hộ có khả năng tạm trữ lúa. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý và chính nông dân đều cho rằng nông hộ tạm trữ lúa lợi ít mà hại nhiều, rất khó khăn...
Kỹ thuật bảo quản không khó
Theo khảo sát ở 4 địa phương sản xuất lúa lớn, đặc thù ở vùng ĐBSCL là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh với 1.600 nông hộ thì nông dân cũng có khả năng tạm trữ với khoảng 30% nông hộ phơi, sấy lúa khô trước khi bán. Thời gian tạm trữ thường kéo dài từ 5 - 15 ngày. Gia đình ông Huỳnh Văn Nhu canh tác 6ha lúa ở ấp B, xã Phú Cường (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) mấy năm nay đã xây hẳn kho chứa lúa phía sau nhà để trữ lúa chờ giá lên.
|
Một số nông hộ sản xuất lớn chọn cách phơi khô, tạm trữ chờ giá lên. |
Ông Nhu cho biết: “Mỗi vụ tôi sản xuất mấy chục tấn lúa nên đầu tư kho chứa sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên, thông thường tôi chỉ chứa lúa trong vụ đông xuân khi thời tiết thuận lợi cho việc phơi lúa, còn vụ hè thu và thu đông thì bán ngay tại ruộng”. Theo ông Nhu, để xây dựng kho chứa thì tốn mấy chục triệu đồng nhưng sử dụng được rất lâu. Đồng thời kho chứa lúa chỉ phát huy hiệu quả đối với nông hộ sản xuất lớn và đủ điều kiện phơi sấy…
TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết: “Kỹ thuật xây dựng kho chứa và cách bảo quản, tạm trữ không quá khó với nông dân. Vấn đề hiện nay là cần có chính sách hợp lý để giúp bà con tiếp cận vốn để đầu tư tạm trữ mang lại hiệu quả cao. Không phải nông hộ nào cũng tạm trữ mà chỉ những người sản xuất lớn, những HTX tạm trữ sẽ hiệu quả hơn”.
Ông Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: “Thông thường cứ vào vụ đông xuân và hè thu, khi nông dân thu hoạch rộ thì giá sẽ xuống thấp. Nếu nông dân trữ được lúa sẽ giúp cân bằng giá thị trường. Với trình độ của nông dân như hiện nay thì sẽ trữ được dễ dàng ở quy mô từ 5 - 10 tấn trở lên. Tuy nhiên, để trữ lúa đạt hiệu quả thì hệ thống lò sấy phải phát triển để làm tăng chất lượng hạt lúa, đem lại lợi nhuận cho nông dân”.
Có thể hại nhiều hơn lợi
Theo nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL, nông hộ trữ lúa chỉ phát huy hiệu quả đối với những hộ sản xuất lớn nhưng khi trữ được rồi chưa chắc đã lời vì thị trường bấp bênh. Trong khi đó, đại bộ phận nông dân có diện tích dưới 1ha nên việc tạm trữ sẽ khó khăn và không có lời nên rất khó khuyến khích nông dân trữ lúa.
Bà Võ Thị Đèo ở thị trấn Kinh Cùng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) canh tác 1ha lúa nhưng suốt những năm qua đều bán lúa tươi ngay tại ruộng dù giá lúa cao hay thấp.
Theo ông Hồ Quang Cua – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng: “Bây giờ nông dân không có điều kiện trữ nên nếu có tạm trữ thì chất lượng sẽ thấp. Đồng thời chưa kể việc nông dân trữ phải tốn chi phí phơi, sấy, bảo quản có khi không có lời sau khi trữ mà còn bị lỗ”.
Bà Đèo lý giải: “Có khi trữ lúa biết là giá lên nhưng sao mà làm được. Bởi vì nếu trữ thì phải có kho chứa, rồi chuyển tới, chuyển lui tới lò sấy tốn rất nhiều chi phí, nên có khi trữ xong còn bị lỗ. Trong khi nông dân cần bán lúa tươi ngay tại ruộng để trả nợ ngân hàng, tiền vật tư nông nghiệp…”.
Thực tế, rất nhiều nông hộ ở ĐBSCL bán lúa tươi ngay tại ruộng. Theo kết quả điều tra ở 1.600 nông hộ thì có đến 63,5% số hộ phải đi vay ngân hàng hoặc vay tự do bên ngoài, do đó khó khăn cho nông hộ muốn tạm trữ lúa đợi khi lúa có giá. Trên 70% số nông dân bán lúa tươi ngay tại ruộng nên bị thương lái ép giá. Từ việc không có vốn sản xuất và thói quen bán lúa ngay sau khi thu hoạch khiến cho tỷ lệ nông dân tạm trữ lúa rất thấp. Có đến 70% số nông dân không tạm trữ được lúa khi lúa rớt giá.
Ông Phạm Văn Bảy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng: Nông hộ có khả năng trữ nhưng lợi nhiều hay hại nhiều cần phải xem lại. Thực tế tạm trữ cũng có nhiều rủi ro khi thị trường lên xuống. Thậm chí vụ đông xuân 2011 nhiều doanh nghiệp tạm trữ lúa gạo còn bị lỗ nặng khi giá xuống thấp…
Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.