Giải quyết nhu cầu thực phẩm tại chỗ cho cư dân ở TP.HCM bằng nông nghiệp đô thị
Giải quyết nhu cầu thực phẩm tại chỗ cho cư dân ở TP.HCM bằng nông nghiệp đô thị
Nguyên Vỹ - Quang Sung
Thứ sáu, ngày 07/06/2024 06:44 AM (GMT+7)
Năng lực sản xuất hiện tại ở TP.HCM vốn không đáp ứng đủ nhu cầu của cư dân đô thị. Trông khi đô thị hóa và biến đổi khí hậu gây trở ngại cho nông nghiệp truyền thống. Giải phát triển nông nghiệp đô thị được xem là cần thiết.
Nông nghiệp đô thị là giải pháp cần thiết cho TP.HCM
Với dân số xấp xỉ 14 triệu người (tính cả người tạm trú), bình quân mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.964 tấn lương thực, thực phẩm các loại. Sản lượng nông sản sản xuất ở TP.HCM chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của cư dân đô thị.
Theo Điều chỉnh quy hoạch, dân số TP.HCM đến năm 2030 ước đạt khoảng 24-25 triệu người (không kể người tạm trú). Dự kiến đến năm 2030, thị trường tiêu thụ tại TP.HCM chủ yếu là các loại lương thực và thực phẩm tươi sống lên đến 17.000 tấn mỗi ngày.
Với sản lượng sản phẩm chủ lực hiện tại, TP.HCM chỉ đáp ứng khoảng 10-15% nhu cầu rau; 2-4% nhu cầu quả; 5-7% nhu cầu thịt hơi các loại; 35-40% nhu cầu sữa bò tươi; và 4-5% nhu cầu tôm, cá các loại; phần còn lại được nhập từ các tỉnh trong nước và nhập khẩu.
Theo TS Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học (Trường Đại học Văn Lang, TP.HCM), đô thị hóa và biến đổi khí hậu gây tâm lý ngại đầu tư cho sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống.
Mặt khác, lực lượng lao động trẻ có trình độ được thu hút sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, dẫn tới gia tăng tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo việc làm cũng như thu nhập ổn định cho cư dân đô thị là hết sức cần thiết.
"Giải pháp này cũng nhằm cải thiện hạ tầng cơ sở của TP.HCM phát triển theo hướng đô thị xanh", TS Quyền nói.
Công ty CP Bình Điền - MeKong là đơn vị chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm phân hữu cơ cao cấp, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, có nhiều kinh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp đô thị ở nhiều địa phương.
TS Phạm Anh Cường - Trưởng phòng nghiên cứu phát triển Công ty CP Bình Điền – Mekong cho biết, chất lượng cuộc sống ngày càng đòi hỏi cao hơn. Do vậy các loại hình sản xuất trong nông nghiệp cũng liên tục được cải tiến để đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
TS Cường ví dụ, khu vực nội đô TP.HCM và TP.Thủ Đức đang có xu hướng sản xuất tự cung tự cấp các sản phẩm đơn giản, dễ trồng như các loại rau trong các khay chậu, trên các sân thượng, sân vườn.
Ở khu vực ven đô, diện tích canh tác theo tập quán cũ cho năng suất, chất lượng nông sản thấp, chi phí sản xuất cao và gây ô nhiễm môi trường đang bị thay thế bằng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Quyết định số 6002 của UBND TP.HCM về phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 là rất cần thiết.
"Với chương trình này, TP.HCM tiếp tục khẳng định mình là địa phương năng động ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, cùng một lúc giải quyết nhiều mục tiêu kinh tế xã hội đặt ra cho nông nghiệp thông minh đô thị", TS Cường nói.
Giải pháp từ sản xuất đến tiêu thụ cho nông nghiệp đô thị TP.HCM
Theo kết quả khảo sát năm 2022-2023 của TS Vũ Thị Quyền và cộng sự, hơn 90% người dân ở khu vực đô thị thấy việc ứng dụng công nghệ vườn đứng, và canh tác không dùng đất đã trở thành xu hướng tất yếu.
Theo TS Quyền, các quận nội thành có diện tích đất nông nghiệp không đáng kể (2.526ha, chiếm khoảng 11%) và thường không tập trung. Khu vực này có thể kết hợp mô hình truyền thống với canh tác theo phương đứng (vườn đứng) để tận dụng tối đa không gian và dinh dưỡng cho quá trình sản xuất.
Mô hình vườn đứng phù hợp với hầu hết các loại rau ăn lá, rau gia vị và rau dược liệu, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng rau an toàn của Thành phố, thậm chí là rau cao cấp, rau chất lượng cao cho hệ thống nhà hàng, khách sạn và công ty.
Các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh có quy mô canh tác lớn (18.624 ha, chiếm khoảng 89% diện tích trồng rau toàn Thành phố). Diện tích tập trung này có thể thiết lập hệ thống canh tác trong nhà màng, nhà lưới hoặc ngoài trời hoàn toàn, tuỳ theo loài cây trồng và tiêu chuẩn chất lượng đầu ra cho mỗi loại hình sản phẩm.
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới TP.HCM, ngoài các giải pháp về quy hoạch, công nghệ, tài chính, thành phố cần hạn chế sự thu hẹp của đất đai sản xuất nông nghiệp.
Bởi vì chỉ có bảo đảm được quỹ đất nông nghiệp, thành phố mới tận dụng lợi thế về quy mô trong xác định chiến lược, kế hoạch phát triển nông nghiệp đô thị mang tính căn cơ, lâu dài và thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ nữa là giải pháp về phát triển thị trường cho nông nghiệp đô thị. Nông sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp đô thị được xác định là tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Thành phố, một phần nông sản đặc sản cung cấp cho các tỉnh, thành trong nước rồi mới tới xuất khẩu.
"Việc giải quyết tốt khâu thị trường sẽ trở nên khó khăn hơn khi nhu cầu của cư dân đô thị về các sản phẩm cao cấp và sản phẩm văn hoá tinh thần ngày càng cao", TS Nghĩa lưu ý.
GS.TS Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thì nhấn mạnh vào vai trò của thương mại điện tử trong phát triển nông nghiệp đô thị.
TP.HCM có chủ trương hình thành các trung tâm dịch vụ theo hướng "Một điểm đến - đa chức năng". Đây là chủ trương rất phù hợp cho nông nghiệp vùng ven đô.
"Do vậy, tại vùng ngoại ô, TP.HCM cần tạo mối liên kết khép kín theo chuỗi, sản xuất - chế biến - tiêu thụ và có thể truy xuất nguồn gốc", TS Nguyễn Văn Bộ chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.