Nông nhàn, chợ lao động và thoái hóa

Thứ bảy, ngày 08/01/2011 09:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ ngày có hình thức chợ lao động, ở nông thôn không còn 2 chữ “nông nhàn”. Chắc chắn các chợ lao động ở Hà Nội và các thành phố khác đều chỉ dành cho dân quê.
Bình luận 0

Người thành phố họ bán đủ thứ, bán cả cái “vốn tự có”, nhưng “kiên quyết” không bán sức lao động. Từ ngày có hình thức chợ lao động, ở nông thôn không còn 2 chữ “nông nhàn”.

Đồng đất miền Bắc ngày xưa nổi tiếng ít ỏi với 3 chữ “xiềng 3 sào”. Cấy xong 3 sào (1 công Nam bộ) là có thời gian đi bẫy chim, bắt cá, thả diều, chọi gà. Những cặp vợ chồng trẻ thì rang mẻ ngô, tối đến tiết kiệm dầu đèn, nằm trong bóng đêm ăn ngô rang, chơi trò “tay ải, tay ai”.

Bây giờ “xiềng 3 sào” không phá được, còn bị siết chặt hơn vì ruộng đất bị “mua” (giá bèo) làm sân golf, khu công nghiệp. Thế nên hễ nông nhàn là cả làng lên đường ra “đại đô thị” kiếm cơm.

Chợ lao động hình thành từ đó. Những anh thợ cày, cô thợ cấy ngồi la liệt ở các tụ điểm chợ người chờ chủ đến thuê. Mỗi lần xuất hiện một ông chủ cần thuê người dọn dẹp, đập phá, xúc hốt... là tất cả lại nhao nhao như đàn vịt thấy chủ nhà bê rổ thóc ra vãi cho ăn. Ai may mắn được “lọt vào mắt xanh” của chủ là cầm chắc hôm ấy có cơm ăn. Ai “vô duyên” có khi ngồi đến chiều không bán được sức lao động, một ngày “xôi hỏng, bỏng không”.

Thời cổ đại, con người tồn tại nhờ săn bắt, hái lượm. Ngày không hái được quả nào ăn được, không bắt được con thú để làm thịt thì nhịn. Không hiểu nỗi buồn của người xưa những ngày “treo niêu” có giống người nông dân “ế mình” như bây giờ không nhỉ? Và không hiểu những người thành phố ngồi trên xe ô tô đi nhà hàng nhậu nhẹt có ai nghĩ gì khi đi qua chợ lao động với túm tụm “hàng ế” nằm ngồi bên đường? Cuộc sống như bức tranh đen trắng hai màu, rõ rệt...

Dẫu sao chợ lao động ban ngày vẫn được xã hội nhìn nhận là thứ lao động chính đáng hơn các “chợ bán hoa” đêm tấp nập các cô gái chân dài, váy ngắn... Và tiếc thay, đa phần các cô chân dài ấy là các cô “thợ bỏ cấy” lên tỉnh đổi đời.

Lao động ở chợ người là thứ lao động mong manh nhất không nằm trong cơ chế, chế tài hay văn bản nào của nhà nước. Người lao động - nông dân vẫn “ngoài vòng quan tâm” của xã hội, vẫn như đàn vịt đồng tự chạy mò ăn...

Cách đây ít ngày có tin: Chợ lao động cuối năm ế ẩm. Ế ẩm vì ít người thuê, năm nay có nhiều lý do cuối năm ít người xây nhà, sửa cửa, cơi nới. Nghe báo nói mà mủi lòng. Ế việc là Tết này nghèo vẫn hoàn nghèo.

Thế nhưng, lại có tin khác: Chợ lao động đã bắt đầu biến tướng. Đã bắt đầu xuất hiện “cò”. “Cò” việc làm không có gì đáng bàn. Những anh trai làng khỏe mạnh, tinh tươm sẽ được “cò” dẫn đến nhà các bà chủ rửng mỡ, chẳng phải lao động chân tay mà công xá gấp 10 lần. Gọi theo tiếng người quê là “cơm no bò cưỡi”. Lại có cả lao động giả vờ, đến làm rồi tìm cách khuân hết của cải nhà chủ, một kiểu kẻ cướp mới, nói theo kiểu quê là “nuôi ong tay áo”.

Không hiểu chợ lao động và lao động quê ra tỉnh sẽ còn những kiểu “thoái hóa” gì nữa đây?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem