Nông sản “hụt hơi” vì gánh nặng phí vận tải

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 23/05/2018 08:00 AM (GMT+7)
Nông dân nhiều nơi kêu than nông sản ế đầy đồng, giá giảm xuống đáy, các cuộc giải cứu được thực hiện ở khắp nơi, nhưng ở các thành phố lớn, người tiêu dùng vẫn phải mua với giá trên trời. Một trong những nguyên nhân chính là nông sản được chuyển qua nhiều khâu trung gian và mất chi phí vận chuyển quá nhiều.
Bình luận 0

Đội giá vì chi phí vận chuyển

Anh Phạm Tuấn - là một thương lái chuyên thu mua, buôn bán các mặt hàng hoa quả từ miền Nam ra ngoài Bắc. Anh khẳng định, chi phí vận chuyển nông sản quá lớn đã khiến giá sản phẩm bị đội lên rất nhiều. “Đơn cử, mỗi kg bơ chuyển từ trong Nam về Hưng Yên quê tôi, chi phí trên đường lên đến 4.000 đồng. Đây là lý do khiến giá thu mua nông sản tại vườn không cao nhưng về các thành phố lớn bị đội lên khủng khiếp”. 

img

  Chi phí vận chuyển rau quả lên đến 29,5% giá thành. (Ảnh: Thu mua dứa tại Khánh Hòa).  Ảnh:  T.L

Loại bỏ phí “bôi trơn”
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giảm chi phí logistics được coi là cách tăng lợi nhuận hiệu quả nhất cho doanh nghiệp. Vì vậy, điều cần làm ngay lúc này là tăng cường sự đồng bộ về hạ tầng, nâng cao năng lực vận chuyển và điều quan trọng là giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, minh bạch hóa mọi quy trình vận chuyển để loại bỏ các loại phí “bôi trơn” trên đường đang đè nặng lên nông sản. Nếu không làm được điều này, nông sản sẽ tiếp tục phải giải cứu, còn người tiêu dùng thành phố vẫn phải chấp nhận mua hàng với giá cao.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc chuỗi cửa hàng Big Green (Hà Nội) cũng thừa nhận: Cước vận chuyển đang là một cản trở lớn với mặt hàng hoa quả, ước tính chiếm từ 15 – 30% giá thành sản phẩm. “Để đảm bảo độ tươi ngon cho nhiều mặt hàng hoa quả, chúng tôi phải vận chuyển bằng đường máy bay từ miền Nam ra Hà Nội, và đương nhiên giá thành bị đội lên rất nhiều lần” - ông Hưng nói.

Đơn cử, với thanh long ruột đỏ, phí vận chuyển bằng đường hàng không đã khiến giá chênh tới 14.000 đồng/kg. Tương tự, mặt hàng dâu tây vận chuyển bằng đường không ra Hà Nội cũng tăng chi phí lên 35%. Điều này khiến cả nông dân và doanh nghiệp đều thiệt thòi vì lợi nhuận của nông dân giảm trong khi doanh nghiệp cũng khó tiêu thụ sản phẩm nếu cứ phải bán ở mức giá “trên trời”.

Ngay cả việc vận chuyển với cự ly ngắn hơn bằng đường bộ thì phí vận chuyển cũng là một vấn đề khá lớn. Trong một hội nghị toàn quốc về logistics (nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, làm thủ tục hải quan…) tổ chức tại Hà Nội mới đây có nhiều con số khiến người ta giật mình. Chi phí vận chuyển hành tây từ Đà Lạt (Lâm Đồng) xuống TP.HCM lên đến 2.000 đồng/kg, khiến giá nông sản tại các chợ đầu mối cao hơn từ 10 – 50% so với giá thu mua ban đầu.

Có một thông tin đáng chú ý từ một lái xe vận chuyển nông sản tuyến Đà Lạt – TP.HCM là, ngoài hao mòn xe, xăng dầu, công tài xế thì những chi phí “không tên” chiếm đến 1/3 chi phí chuyến vận hành.

Vùng sản xuất rau an toàn Yên Lạc (Vĩnh Phúc) chỉ cách Hà Nội khoảng 40km nhưng 1kg rau sạch vận chuyển từ Yên Lạc về Cầu Giấy (Hà Nội) mất 2.500 đồng/kg, và chỉ cần sang Gia Lâm là chi phí vận chuyển sẽ đội thêm khoảng 1.200 đồng/kg. Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, sở dĩ có tình trạng này là do Hà Nội mới chỉ có hệ thống giao thông hướng tâm, chứ chưa phát triển hệ thống giao thông bàn cờ, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Tăng cường kết nối

img

Chi phí vận tải, nhiên liệu chiếm 30-35%, phí cầu đường (BOT) chiếm 15% đối với tuyến Bắc - Nam và xấp xỉ 30% với tuyến Hải Phòng - Hà Nội. Bên cạnh đó, có loại phí được xếp là phí "trà nước" chiếm xấp xỉ 5%.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam còn cao, tương đương khoảng 21% GDP, trong khi của các nước phát triển trung bình chỉ khoảng 10 - 14%.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam từng đưa ra thống kê, chi phí vận tải, nhiên liệu chiếm 30-35%, phí cầu đường (BOT) chiếm 15% đối với tuyến Bắc - Nam và xấp xỉ 30% với tuyến Hải Phòng - Hà Nội. Bên cạnh đó, có loại phí được xếp là phí "trà nước" chiếm xấp xỉ 5%.

Theo các chuyên gia, hầu như toàn bộ năng lực vận chuyển bằng đường sông và đường sắt của Hà Nội không tham gia vào giá trị bài toán logistics mà phần lớn là vận chuyển bằng đường bộ. Trong khi đó, ùn tắc giao thông, khổ đường hẹp, giới hạn tải trọng phương tiện… là một trong những cản trở lớn đối với phát triển logistics và làm gia tăng các chi phí của doanh nghiệp để vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa đến nơi tiêu thụ.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định, hiện nay mạng lưới quy hoạch giao thông và hạ tầng đô thị không đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu của các chủ hàng. Muốn giải bài toán kinh tế logictics, Hà Nội bắt buộc phải “đánh thức” sông Hồng, bên cạnh đó là phát triển các bến bãi và bến cảng. “Logistic không chỉ giải toán về con đường vận chuyển, để cho thực sự hạ giá thành thì phải phát triển đồng bộ chợ đầu mối, hệ thống cảng lạnh… thì mới có thể kết nối với vùng sản xuất nguyên liệu” - ông Thủy nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển logistics, các địa phương cần tăng cường kết nối các hình thức vận tải với nhau, bởi thực tế phương thức vận tải bằng đường bộ có chi phí cao hơn rất nhiều so với đường biển. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam lấy ví dụ, 1 container từ Hải Phòng đến TP.HCM bằng đường bộ chi phí vận chuyển là 30-35 triệu đồng, trong khi đường biển chỉ mất 5,2 - 6,7 triệu đồng.

Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương, trong đó có Hà Nội cần tăng cường vận tải đường sắt, đường sông, đường biển và kết nối giữa các phương tiện vận tải với nhau một cách tốt hơn. Đặc biệt là phải tận dụng công nghệ thông tin để giảm bớt thời gian chờ đợi. Nhà nước cần kiên quyết cắt giảm các loại phí và các thủ tục hành chính không cần thiết.

Để đẩy mạnh phát triển logistic trên địa bàn Thủ đô, mới đây, TP.Hà Nội đã phê duyệt Đề án Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Theo đó, để hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, TP.Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ, ngành trung ương nghiên cứu cơ chế, kết hợp hài hòa các nguồn vốn, đặc biệt chú trọng huy động nguồn vốn xã hội hóa để đẩy mạnh đầu tư các công trình cảng, sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ, các cảng thông quan nội địa, kho bãi… theo quy hoạch, kế hoạch và lộ trình đảm bảo đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển logistics của Hà Nội và cả nước.

Cụ thể, đối với đường bộ, sẽ tập trung cải tạo, mở rộng các tuyến đường hướng tâm hiện tại lên thành đường có 4-6 làn xe cơ giới, xây dựng các tuyến đường cao tốc song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đường vành đai. Đối với đường thủy, cải tạo các tuyến đường kết nối với các loại hình vận tải khác như đường bộ, đường sắt…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem