Nông sản Việt Nam vào thị trường mới Halal khi xuất khẩu đạt mức kỷ lục, Halal là thị trường nào?
Nông sản Việt Nam đi chinh phục thị trường Halal khi xuất khẩu đạt mức kỷ lục, Halal là thị trường nào?
Khương Lực (ghi)
Thứ sáu, ngày 01/11/2024 11:46 AM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong 2 tháng còn lại của năm 2024, nếu mỗi tháng xuất khẩu 5,5 tỷ USD thì xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt 62 tỷ USD - đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam cũng đặt mục tiêu mở rộng, hướng vào các thị trường tiềm năng, thị trường mới như Halal.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây ảnh hưởng rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Dự tính tổng thiệt hại do bảo Yagi khoảng 81.500 tỷ đồng thì riêng ngành nông nghiệp thiệt hại 30.800 tỷ đồng, chiếm 38%. Tuy vậy, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể đạt 62 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay.
"Với sự chỉ đạo của Chính phủ tại Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 tập trung khôi phục cho sản xuất và tăng tốc ở những tỉnh không bị ảnh hưởng, do vậy các giải pháp, những phương án, các hoạt động triển khai rất quyết liệt và kịp thời. Hết 10 tháng năm 2024, kết quả sản xuất nông nghiệp vẫn tương đối tích cực" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến trao đổi với báo chí về kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản và định hướng mở rộng, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông sản sang các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, thị trường Halal. Ảnh: T.T
Lúa gạo chúng ta đạt 40,5 triệu tấn, như vậy mốc 43 triệu tấn lúa năm 2024 chúng ta sẽ đạt được. Về chăn nuôi, quy mô đàn lợn xấp xỉ 30 triệu con, vẫn tăng 2,4% và đặc biệt giá thịt lợn hơi giảm; đàn gia cầm tăng 2,3%... Như vậy nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết nguyên đán chúng ta không đáng quan ngại.
Về thương mại, tháng 9 xuất khẩu tăng 5,85 tỷ USD thì tháng 10 tích cực hơn tăng 5,9 tỷ USD, tăng 23,8%. Hết 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 54-55 tỷ USD là hoàn toàn khả quan để vượt qua.
Còn 2 tháng của năm 2024, nếu mỗi tháng xuất khẩu 5,5 tỷ USD thì xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 sẽ đạt 62 tỷ USD, như vậy là một năm xuất khẩu nông sản đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay.
Thời gian qua, Việt Nam đã ký nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nhiều sản phẩm sang Trung Quốc và Bộ cũng mở rộng, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Halal. Vậy, đến nay chúng ta đã đạt được kết quả như thế nào?
- Thị trường Trung Quốc có 1,4 tỷ dân, vừa rồi chúng ta đã ký thêm được 3 nghị định thư, đang giải quyết và xúc tiến rất quyết liệt để sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu xuất khẩu được sang Trung Quốc. Tuần sau Bộ sẽ họp để gỡ cho việc trao đổi thương mại giữa ta và Trung Quốc về cá tầm.
Với thị trường Halal, đây là thị trường rất lớn 2,2 tỷ người. Khó khăn đối với thị trường Halal là đòi hỏi rất cao, đồng thời các quốc gia lại không thừa nhận chứng nhận Halal lẫn nhau.
Thời gian vừa qua, ngành đã có những sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Halal, đó là sản phẩm thuốc, vaccine thú y; thứ hai là sản phẩm thịt gà của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã xúc tiến; Thứ ba, Tập đoàn De Heus đã trao đổi với rất nhiều quốc gia về mặt sản xuất, chế biến và thương mại. Dehus cũng cam kết sẽ có sản phẩm thịt gà xuất đi Halal trong thời gian sớm nhất. Việc này Bộ NNPTNT đã có báo cáo với Thủ tưởng.
Như vậy, chúng ta sẽ chinh phục những thị trường khó tính, nhiều tiềm năng như Halal thì khả năng xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam với quy mô và giá trị sẽ lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn hiện nay.
Liên quan tới sản phẩm chăn nuôi, rõ ràng chúng ta đang có nhiều giải pháp rất mạnh trong ngành chăn nuôi và cũng đạt được nhiều kết quả, nhưng về cán cân xuất nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vẫn bị thâm hụt lớn, khoảng 1,24 tỷ USD. Vậy, chúng ta sẽ làm gì để rút ngắn hoặc cân bằng hơn cán cân giữa xuất và nhập đối với sản phẩm thịt?
-Kim ngạch xuất khẩu ngành chăn nuôi đạt 423 triệu USD, tăng 2,7%, không phải là âm. Trong khi đó, chúng ta còn đáp ứng nhu cầu của 100 triệu dân và hôm nay cũng khẳng định xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sẽ đạt 1,6 tỷ USD. Như vậy, nếu cộng vào thì ngành chăn nuôi cũng đã xuất khẩu được 2 tỷ USD, không phải thâm hụt. Đây là một tiềm năng, lợi thế rất lớn đối với nông nghiệp của Việt Nam.
Bộ NNPTNT đã chỉ đạo 3 trụ cột để giải quyết xuất khẩu chăn nuôi: Một là chống nhập lậu, chúng ta đã ngăn chặn tương đối có hiệu quả về buôn lậu giống gia cầm ở phía Bắc và buôn lậu lợn ở các tỉnh phía Nam. Phải khẳng định chống buôn lậu đã đem lại hiệu quả rất quan trọng.
Thứ hai, rà soát lại toàn bộ nhập khẩu, như hôm trước làm việc với 11 tham tán, chúng tôi đã trả lời một cách đầy đủ, có cơ sở khoa học, có cơ sở thực tiễn và các vị tham tán thấy chúng ta làm đúng các quy định của thế giới (OIE), đúng quy định của Luật Thú y Việt Nam.
Thứ ba, tăng cường xuất khẩu, Bộ đã làm việc với các Tập đoàn lớn, đó là Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn De Heus, Hùng Nhơn... để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của chúng ta ra thi trường, đặc biệt là thị trường Halal. Ba giải pháp này triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ thì chúng ta sẽ có sản phẩm chăn nuôi đúng như thế giới nhận định, Việt Nam sẽ là cái bếp của thế giới.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thị trường xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm?
- 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,23 tỷ USD và tháng 10 đạt hơn 1 tỷ USD. Nếu 2 tháng còn lại của năm cứ được khoảng 1,8 tỷ USD thì chúng ta sẽ đạt được kế hoạch là 10 tỷ USD; còn nếu như tốc độ hiện nay thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ đạt trên 10 tỷ USD.
Trước việc Mỹ có khả năng áp thuế chống bán phá giá tôm của Việt Nam, Thứ trưởng có đánh giá gì về thách thức của ngành tôm trong 2 tháng cuối năm và những năm tới?
- Về lịch sử thương mại thủy sản đối với Mỹ, trước đây có vụ kiện chống bán phá giá đối với cá tra, bây giờ quy mô của doanh nghiệp, thị phần của doanh nghiệp, chất lượng của sản phẩm thì chúng ta tự tin với các doanh nghiệp. Khi chống bán phá cá tra, họ kiện lại ta và ta có thuê luật sư và chúng ta thắng kiện. Bây giờ họ lại công nhận tương đương cá tra của ta với Mỹ, như vậy là một sự tiến bộ rất lớn.
Về vấn đề chống bán phá tôm, tôi tin tưởng với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), với các doanh nghiệp trụ cột, chúng ta sẽ đảm bảo được đấu tranh thắng lợi và vẫn đảm bảo xuất khẩu tôm, cá tra vào thị trường Mỹ.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
TIÊU CHUẨN HALAL ĐỐI VỚI SẢN PHẨM THỊT
Muốn xuất khẩu thịt sang thị trường Halal, trước khi giết mổ vật nuôi, phải nói trước từ: Allah
Cục Chăn nuôi cho biết, thịt đạt tiêu chuẩn Halal khác thịt bình thường, với 5 dấu hiệu: Người giết mổ phải nói trước từ Allah (nghĩa là Chúa trời); động vật phải được giết mổ ở khe cổ họng với dụng cụ được mài sắc để đảm bảo tính nhân đạo; động vật phải còn sống trước khi giết mổ; thịt tiêu chuẩn Halal không dính máu, sau khi hoàn tất quá trình giết mổ, thịt phải được treo ngược lên để máu chảy hết ra; cuối cùng là động vật không được cho ăn những thức ăn làm từ động vật khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.