Nông thôn mới Kiên Giang: Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, quan tâm an sinh xã hội, cảnh quan môi trường

Chúc Ly - Ngọc Quyên Thứ năm, ngày 01/12/2022 06:07 AM (GMT+7)
Những ngày này, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Thạnh Hưng (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) đang nỗ lực thực hiện nhiều phần việc, với quyết tâm đưa xã về đích nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2022.
Bình luận 0

Mạnh dạn chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp

Theo Nghị quyết số 10-NQ/ĐU của Đảng ủy xã Thạnh Hưng về xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định cần tập trung đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế vườn, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và giảm nghèo bền vững.

Thạnh Hưng nỗ lực về đích nông thôn mới nâng cao - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Quyến mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Gia đình bà đã chuyển từ trồng lúa thu nhập thấp sang trồng chanh không hạt cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Ảnh: CTV.

Xã đã chọn ấp Phạm Đình Nông là 1 trong 3 ấp làm điểm thực hiện mô hình ấp nông thôn mới kiểu mẫu. Cũng từ đó, những mảnh vườn, thửa ruộng đã có nhiều thay đổi so với cách nay 5 năm.

Bà Nguyễn Thị Quyến, tổ trưởng tổ làm vườn ấp Phạm Đình Nông, là một trong những người tiên phong trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 

Gia đình bà chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt 5.000m2. Bước đầu mô hình cho hiệu quả tích cực, vườn chanh cho trái quanh năm. Dưới ao, bà Quyến còn nuôi cá đồng và ốc bươu đen; phía trên trồng mướp, khổ qua, bí đao. Với diện tích này, mỗi ngày bà Quyến có thu nhập từ 300.000 đến 500.000 đồng.

Theo bà Quyến, bà chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ bón cho vườn chanh, rẫy màu. Nhờ đỏ mảnh vườn xanh tốt, kéo dài thời gian cho trái, chất lượng trái ngon hơn, an toàn hơn cho sức khỏe người dùng.

"Trong tổ làm vườn có 6 thành viên với tổng diện tích 3ha đều canh tác theo hướng hữu cơ. Chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng, phát triển chanh không hạt thành sản phẩm OCOP, có thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, bán được giá cao hơn, đầu ra ổn định hơn", bà Quyến chia sẻ.

Quan tâm tới an sinh xã hội, cảnh quan môi trường nông thôn

Tại một buổi tuyên truyền về quyền lợi của người tham bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội do xã Thạnh Hưng phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức, chị Nguyễn Thu Cúc, ngụ ấp Thạnh Xuân cho biết tôi vừa mua bảo hiểm y tế.

Thạnh Hưng nỗ lực về đích nông thôn mới nâng cao - Ảnh 2.

Người dân xã Thạnh Hưng đăng ký mua bảo hiểm y tế. Ảnh: CTV.

"Lúc còn làm công nhân tại TP.HCM, tôi có tham gia bảo hiểm y tế. Mấy tháng nay nghỉ việc về quê trồng dưa bán tết, tôi định không mua bảo hiểm y tế nữa. Nhưng sau khi nghe tuyên truyền về những lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế liên tục, tôi quyết định mua cho cả nhà. Không chỉ có bảo hiểm y tế mà tôi còn tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội", chị Cúc cho hay.

Vào tháng 7/2021, hai ấp Thạnh Ngọc, Trương Văn Vững không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn nên người dân nơi đây không còn được hỗ trợ bảo hiểm y tế như trước. Thực tế này đã kéo giảm tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của xã từ 94,26% xuống còn 81,9%. Trong khi đó, để được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế phải là 95%.

Khó khăn bộn bề, bởi đây là tiêu chí khó thực hiện, đòi hỏi sự đồng thuận từ nhân dân rất cao. Quyết tâm gỡ khó, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Thạnh Hưng đã có công văn chỉ đạo toàn đảng bộ dồn sức cho chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Các chi bộ ấp cũng được Đảng ủy xã chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc họp, sinh hoạt chuyên đề để tìm ra giải pháp thực hiện phù hợp với địa bàn dân cư.

Thạnh Hưng nỗ lực về đích nông thôn mới nâng cao - Ảnh 3.

Ông Mã Văn Vô - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hưng cùng người dân ấp Thạnh Trung trồng hoa ven đường tỉnh 963B. Ảnh: Chúc Ly.

Giải pháp đầu tiên được triển khai thực hiện đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để người dân chủ động tham gia bảo hiểm y tế. Trong các buổi đối thoại, họp dân, của Đảng ủy, UBND xã Thạnh Hưng lồng ghép tuyên truyền về bảo hiểm y tế để vận động người dân tham gia.

Ông Nguyễn Hoài Hận - Bí thư chi bộ, trưởng ấp Thạnh Ngọc, cho biết: "Chúng tôi xác định phải tích cực tuyên truyền, kiên trì vận động, có những hộ trưởng ấp phải đi tới lui nhiều lần mới thuyết phục được người dân mua bảo hiểm y tế. Về lâu dài, ấp cũng đã xây dựng được 2 mô hình góp vốn xoay vòng mua bảo hiểm y tế".

Mặt khác, nhằm khích lệ những hộ còn khó khăn về kinh tế gia đình tham gia mua bảo hiểm y tế, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thạnh Hưng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ với mức 30.000 đồng/thẻ đối với người đăng ký bảo hiểm y tế 3 tháng, 50.000 đồng/thẻ đối với người đăng ký bảo hiểm y tế 6 tháng.

Bà Triệu Thị Huyền Trân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thạnh Hưng, cho biết: "Đảng ủy, UBND xã và các ấp đang nỗ lực vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế, phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt 95%. Đây là bài toán không hề dễ nhưng đảng ủy, UBND xã quyết tâm nỗ lực hết mức có thể".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem