Nuôi rắn ri voi toàn con to bự trong chuồng heo bỏ hoang, anh nông dân Kiên Giang phát tài
Nuôi rắn đặc sản to bự trong chuồng heo cũ, nông dân nơi này của Kiên Giang bán đắt hàng
Đoàn Văn Đủ (TTKN Kiên Giang)
Chủ nhật, ngày 27/11/2022 12:44 PM (GMT+7)
Anh Lê Trường Hận, ấp Xẻo Gia, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) nuôi rắn ri voi (rắn ri tượng) sinh sản trong chuồng heo bỏ hoang do dịch tả heo châu Phi và thành công.
Sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Vĩnh Bình Bắc (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), trong đó có các hộ chăn nuôi ở ấp Xẻo Gia.
Một số hộ chăn nuôi không tái đàn, bỏ hoang chuồng trại trống, một số hộ thì chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, riêng anh Lê Trường Hận lại chọn một hướng đi mới cho gia đình là nuôi rắn rắn ri voi sinh sản.
Xuất thân từ một gia đình nông dân ở ấp Xẻo Gia, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, với thu nhập không ổn định từ việc làm phụ hồ và chăn nuôi nhỏ lẻ, gia đình anh Hận chỉ đủ chi tiêu cuộc sống hàng ngày không thể phát triển kinh tế gia đình.
Anh Hận chia sẻ: Tôi muốn lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình với những mô hình mà địa phương chưa ai thực hiện. Qua tìm hiểu trên truyền hình và tham quan thực tế trại nuôi rắn ri voioi tại tỉnh Hậu Giang.
Tại Hậu Giang, nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu nhờ thực hiện mô hình nuôi rắn ri voi (rắn ri tượng). Vì thế anh đã chọn nuôi rắn và bắt tay vào thực hiện nuôi rắn ri voi từ năm 2020.
Ban đầu, do mới thử nghiệm nuôi nên anh Hận mua 100 con rắn ri voi giống với giá 100.000 đồng/con (trọng lượng 100-200gr/con) ở Hậu Giang về nuôi trong chuồng heo cũ.
Sau một thời gian chăm sóc thấy rắn ri tượng phát triển tốt, dễ nuôi lại ít rủi ro, nhẹ công chăm sóc so với một số con vật khác mà giá bán lại được giá cao.
Kỹ thuật nuôi rắn ri voi khá dễ dàng, chỉ cần sửa chuồng heo cũ là thả nuôi được, không cần mái che, vì khi có ánh sáng mặt trời rắn sẽ mau lớn và không bị bệnh.
Có thể cho thêm lục bình hoặc một vài tấm ngói vào trong bể. Cách 3-4 ngày cho rắn ri voi ăn một lần và định kỳ thay nước thường xuyên để môi trường nước không bị ô nhiễm.
Rắn ri voi to bự tại mô hình nuôi rắn trong chuồng heo cũ của nhà anh Hận, một nông dân ấp ấp Xẻo Gia, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang).
Anh Hận cho biết thêm: Nuôi rắn ri voi trong chuồng heo cũ là mô hình thích hợp cho những nông dân khó khăn về kinh tế, không đất sản xuất, tận dụng chuồng trại cũ, các đoàn viên thanh niên chưa có việc làm.
Thức ăn cho rắn ri tượng chủ yếu là ếch, nhái, cá da trơn để làm thức ăn cho rắn. Để đảm bảo nguồn thức cho rắn, anh Hận đã mua cá trê phi giống về nuôi trong mùng (vèo) và vớt cho rắn ăn dần vừa đảm bảo chất lượng nguồn thức ăn vừa giảm nhẹ chi phí.
Trong quá trình nuôi rắn ri tượng, nếu cho ăn đầy đủ trung bình 1 năm có thể thu hoạch rắn thịt đạt trọng lượng từ 600 - 700g (đối với rắn đực), khoảng 1 - 1,2 kg (rắn cái) và cho thu hoạch.
Giá rắn ri tượng thương phẩm dao động từ 550.000- 600.000 đồng/kg, tuy nhiên anh Hận chỉ nuôi rắn ri voi sinh sản để bán rắn giống.
Theo anh Hận, kỹ thuật nuôi rắn ri tượng sinh sản cũng không khó. Rắn tự giao phối và sinh sản, mỗi con rắn cái có thể đẻ khoảng 12 - 30 rắn con, phụ thuộc vào trọng lượng rắn cái.
Rắn cái càng lớn thì rắn đẻ càng nhiều. Rắn mẹ sau khi đẻ xong, người nuôi vớt rắn con ra bể nuôi riêng. Sau thời gian chăm só, nuôi đàn rắn con lớn lên là có thể xuất bán rắn giống.
Anh Hận nói: Từ khi nuôi đến nay đàn rắn ri voi của gia đình anh cho sinh sản 2 lần, xuất bán khoảng 1.200 con rắn ri voi giống. Giá rắn ri voi giống là 60.000 đồng/con, thấp hơn so với thị trường. Tổng thu từ bán rắn giống là 72 triệu đồng, trừ các khoảng chi phí như con giống, thức ăn,.. lợi nhuận hàng năm từ 30 triệu đồng.
Doanh thu từ bán rắn ri voi giống năm sau luôn cao hơn năm trước giúp gia đình anh trang trải cuộc sống tốt hơn. Hiện tại đàn rắn ri voi bố mẹ của anh có đến 75 con rắn to. Anh cho biết, thời gian tới anh sẽ mở rộng mô hình nuôi rắn, xây thêm nhiều bể để nuôi rắn ri voi sinh sản cung cấp rắn giống cho thị trường.
Theo ông Bùi Quốc Nam, Phó chủ tịch Hội nông xã Vĩnh Bình Bắc (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang): “Mô hình nuôi rắn ri voi sinh sản của anh Hận là mô hình mới, tự phát tại địa phương. Bước đầu mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhẹ chi phí đầu tư, ít tốn công chăm sóc, lợi nhuận cao.
Để mô hình nuôi rắn ri voi sinh sản phát triển bền vững rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành chuyên môn trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật cũng như nhân rộng mô hình cho nhiều hộ nuôi để thoát nghèo”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.