Nông thôn mới xã Đại Sơn của Quảng Nam đang “tăng tốc” về đích

Trần Hậu Thứ ba, ngày 13/12/2022 05:39 AM (GMT+7)
Xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là một xã miền núi nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Vì thế khi tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), địa phương có xuất phát điểm rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ.
Bình luận 0

Tuy nhiên bằng sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sau hơn 10 năm phấn đấu xây dựng, diện mạo quê hương xã Đại Sơn đã thay đổi rõ nét, hiện địa phương đang tăng tốc về đích xã NTM vào năm 2023.

Xã miền núi "thay áo mới"

Ông Nguyễn Văn Trung – Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết, là xã miền núi khó khăn nhất của huyện Đại Lộc, cho nên khi tham gia xây dựng NTM, địa phương gần như bắt đầu từ con số 0. Nhận thấy điều kiện cơ sở vật chất – hạ tầng giao thông nông thôn là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các cấp Đảng ủy, chính quyền xã đã tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ.

Quảng Nam: Xã miền núi Đại Sơn “tăng tốc” về đích nông thôn mới - Ảnh 1.

Diện mạo xã miền núi Đại Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đổi thay từng ngày. Ảnh: Trần Hậu.

Quảng Nam: Xã miền núi Đại Sơn “tăng tốc” về đích nông thôn mới - Ảnh 2.

Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM luôn được chính quyền địa phương, các tổ chức Hội triển khai sâu rộng và hiệu quả thông qua cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh", "Hội Phụ nữ chung sức xây dựng NTM", mô hình "5 không 3 sạch", "Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM"….

Vì thế, hầu hết nhân dân trong xã đều nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa và vai trò của mình đối với Chương trình NTM. Họ tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng hạ tầng nông thôn.

Quảng Nam: Xã miền núi Đại Sơn “tăng tốc” về đích nông thôn mới - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Trung – Chủ tịch UBND xã Đại Sơn. Ảnh: Trần Hậu.

Đến nay, có 11,4km/11,6km đường trục xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm (đạt 98,2%); 100% tuyến đường trục thôn, liên thôn và tuyến đường ngõ xóm được xây mới khang trang, sạch sẽ, không còn cảnh lầy lội vào mùa mưa.

Đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn 0,56km/0,915km, đạt 61,2%. Hệ thống thủy lợi tại xã đảm bảo đáp ứng nhu cầu dân sinh và quy định về phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.

Xã đã có mạng lưới điện an toàn, đảm bảo cung cấp điện thường xuyên cho nhân dân trong sinh hoạt và sản xuất, thắp sáng đường làng, ngõ xóm vào ban đêm.

Hiện nay, Đại Sơn có 2 Trường TH&THCS Đại Sơn và Trường Mẫu Giáo Đại Sơn. Tuy xã chưa có trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng các trường đã đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, đáp ứng được nhu cầu dạy và học.

Quảng Nam: Xã miền núi Đại Sơn “tăng tốc” về đích nông thôn mới - Ảnh 5.

Hạ tầng được đầu tư đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn cho xã Đại Sơn, nhất là giao thông, trường học…. Ảnh: Trần Hậu.

Nhiều công trình khác như nhà văn hóa xã, khu thể thao xã, hội trường các thôn, trạm y tế… cũng được đầu tư xây mới, nâng cấp đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần, phát triển kinh tế - xã hội của bà con nhân dân.

Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng cầu Hội Khách – Tân Đợi vào tháng 5/2022 đã tạo nên sự chuyển mình mạnh mẽ cho quê hương Đại Sơn. Góp phần hình thành trục giao thông liên vùng thông suốt từ quốc lộ 14B đến ĐT609, lên đường Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tây Nguyên, phục vụ lưu thông hàng hóa quy mô lớn.

Ông Trung chia sẻ: "Cầu Hội Khách đi vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển kinh tế vùng Tây Đại Lộc, kết nối đôi bờ cách trở, tạo nên diện mạo khang trang cho xã miền núi Đại Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội".

Xây dựng NTM gắn với mục tiêu giảm nghèo

Theo ông Trung, khi cơ sở hạ tầng của địa phương đã cơ bản được đồng bộ, thì chính quyền xã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, với địa hình là đồi núi, nên kinh tế rừng và chăn nuôi tập trung là thế mạnh giúp xoá đói nghèo tại xã Đại Sơn.

Quảng Nam: Xã miền núi Đại Sơn “tăng tốc” về đích nông thôn mới - Ảnh 6.

Cây cầu Hội Khách - Tân Đợi nối liền đôi bờ sông Vu Gia đã đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con nhân dân xã Đại Sơn. Đây cũng điểm sáng về đầu tư hạ tầng ở Đại Sơn thời gian qua. Ảnh: Công Tú.

Xã khuyến khích bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế vườn đồi, chăn nuôi theo hướng hàng hoá, giảm diện tích đất bỏ hoang. Điển hình như mô hình trồng keo lai kết hợp chăn nuôi bò, gà, heo; trồng thâm canh cây thơm (dứa); trồng cây dược liệu dưới tán rừng và trồng cây ăn quả… đã giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, xã Đại Sơn vận động người dân trồng rừng gỗ lớn như cây sao đen, lim, chò để hướng đến kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường. Hiện xã có 2 mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gồm mô hình trồng dứa Khe Hoa và mô hình vịt Khe Hoa.

Ông Trung cho hay: "Đến nay, người dân không còn cảnh phập phồng luỵ đò qua sông mỗi mùa mưa bão, không còn đi trên những con đường đất lầy lội. Làng quê khang trang, tường rào, cổng ngõ xanh - sạch - đẹp… Đại Sơn đã khoác lên mình một diện mạo nông thôn tươi mới, khác biệt.

Hạ tầng giao thông được đồng bộ giúp thương mại – dịch vụ trên địa bàn xã thuận lợi phát triển. Đặc biệt, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái tại thôn Đồng Chàm hứa hẹn sẽ trở thành điểm sáng kinh tế của xã nhà trong thời gian tới".

Quảng Nam: Xã miền núi Đại Sơn “tăng tốc” về đích nông thôn mới - Ảnh 7.

Xã miền núi Đại Sơn “tăng tốc”, quyết tâm về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023. Ảnh: Trần Hậu

Về xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn Hội Khách Đông đã hoàn thành 7/10 tiêu chí theo kế hoạch như làm biển tên đường, loa truyền thanh, cắm mốc lộ giới, mốc xây dựng, trồng cây xanh bóng mát tuyến đường chính và nhà văn hóa thôn….

Tính đến cuối năm 2021, thu nhập bình đầu người của xã đạt 39,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,61%, chất lượng đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Thời gian qua, xã Đại Sơn xây dựng NTM trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai khắc nghiệt, nhưng địa phương luôn quyết tâm vượt khó vươn lên, nâng cao chất lượng các tiêu chí, hoàn thiện 3 tiêu chí chưa đạt gồm thu nhập, nhà ở dân cư, môi trường và an toàn thực phẩm để tăng tốc về đích NTM vào năm 2023.

Mặc dù Đại Sơn đã có nhiều đổi thay, tuy nhiên để địa phương cán đích xã NTM vào năm 2023, xã Đại Sơn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là nguồn lực để đầu tư hạ tầng.

"Đại Sơn mong mỏi các cấp, ngành tạo điều kiện mở rộng tuyến đường từ trung tâm xã Đại Sơn đi Đại Lãnh giúp cho vấn đề giao thương, phát triển kinh tế được thuận lợi; là xã miền núi nên vấn đề thu nhập của người dân cũng rất nan giải với địa phương, vì vậy Đại Sơn mong cấp trên tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho người dân xây dựng các mô hình kinh tế mới để nâng cao thu nhập…", ông Nguyễn Văn Trung – Chủ tịch UBND xã Đại Sơn kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem