NS Nguyễn Thụy Kha: Âm nhạc đang giống... chợ Đồng Xuân

Thứ bảy, ngày 07/09/2013 06:53 AM (GMT+7)
“Âm nhạc giờ đây đang trở thành cái chợ, giống như chợ Đồng Xuân ở Hà Nội vậy, mỗi ca sĩ đều có thị phần trong đó, nên không ai có thể nói và phê bình được ai” - nhà phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ với phóng viên NTNN.
Bình luận 0
Tiền “thống lĩnh” âm nhạc

Có vẻ mấy năm trở lại đây, trên các diễn đàn, đặc biệt diễn đàn âm nhạc đang thiếu vắng những bài viết về phê bình âm nhạc, và chỉ cần một bài báo nhận xét hay thể hiện ý kiến của ai đó về cách hát của ca sĩ này, ca sĩ kia là đã đủ làm dậy sóng dư luận. Nhạc sĩ nghĩ như thế nào về tình trạng này?

Vụ lùm sùm mới đây giữa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho thấy hoạt động phê bình âm nhạc còn nhiều bất cập, cản ngại .
Vụ lùm sùm mới đây giữa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho thấy hoạt động phê bình âm nhạc còn nhiều bất cập, cản ngại .

- Nhiều người nói với tôi là vì môi trường phê bình âm nhạc ở ta không có, nhưng thật ra không phải vậy. Thực chất của những nhà phê bình âm nhạc bây giờ là họ không dám lên tiếng, không dám nói, bởi có ai bảo vệ được những nhà phê bình này, khi họ có những bài phê bình về ca sĩ này hát, ca sĩ kia hát.

Tôi giả dụ bây giờ phê bình một ca sĩ đang nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ, nhỡ ra đường có một toán người bức xúc mà chặn đánh hay gây tai nạn giao thông cho nhà phê bình âm nhạc đó thì ai sẽ là người bảo vệ họ? Đấy là chưa kể đến khi viết xong một bài phê bình, biết tìm báo nào để đăng, và đăng ở đâu, khi mà có rất nhiều tờ báo cũng vì vị nể tình thân, vì mối quan hệ mà lại gạt đi khi thấy bài viết phê bình đụng chạm đến ai đó.

Vậy ông đánh giá thế nào về những nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vừa rồi?

- Vừa qua báo chí xôn xao về nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đối với các ca sĩ đương thời, tôi cho đó cũng là cái duyên may nào đó, mà ông trời đặt vào một người hiền lành, ít nói như Nguyễn Ánh 9 để nhận xét về âm nhạc. Và dù là người hiền lành, và chỉ đưa ra những nhận xét chân thực nhất, nhưng nhạc sĩ cũng gặp không ít phiền toái...

Âm nhạc bây giờ phần lớn là của những trọc phú nhiều tiền, họ chi phối toàn bộ âm nhạc, một đêm nhạc của thương hiệu nào đó, họ có thể mời bất cứ nhạc sĩ nào họ muốn. Họ muốn giới truyền thông tung hê người này, “đánh đập” người kia cũng không quá khó khăn.

Nói như nhạc sĩ, đời sống âm nhạc bây giờ hoàn toàn bị chi phối bởi đồng tiền?

- Ở Việt Nam, có nhiều người nhiều tiền, nhưng cái đầu thì rỗng tuếch, họ không hiểu gì về nghệ thuật, âm nhạc nên họ tạo ra sự lũng loạn âm nhạc Việt Nam, họ đẩy âm nhạc trở thành cái chợ, giống như chợ Đồng Xuân vậy. Ở đó nghệ sĩ nào cũng có thị phần, có khán giả của riêng mình, mà đã là cái chợ thì bạn biết đấy, xô bồ, hỗn loạn và rất hàng tôm, hàng cá.

So sánh với một cái chợ, ông có ngại rằng mình hơi quá lời không?

- Tôi nói cái chợ là bởi vì ở đó nếu như các nhà phê bình âm nhạc lên tiếng với từ những cô, cậu ca sĩ trẻ cho đến những ca sĩ hạng A, A sao thì họ sẽ sẵn sàng xù lông, giương vuốt ra với các nhà phê bình ngay. Ở đó các nhà phê bình có nói, cũng không có ai nghe hay nhìn nhận. Còn nói đến sự chi phối của đồng tiền, thì nhiều khi cũng vì tiền mà có một vài ca sĩ dù tuyên bố ghét bỏ nhau, từ mặt nhau, nhưng nếu được các nhà trọc phú mời hát song ca, hát bè cho nhau, bạn có tin rằng những ca sĩ đó sẽ sẵn sàng bằng mặt mà không bằng lòng, vẫn hát với nhau, và sau khi hát xong lại có thể tiếp tục... từ mặt nhau.

Cần giải quyết tận gốc

Nếu như các nhà phê bình âm nhạc càng không lên tiếng, giới trẻ sẽ càng đi lạc lối, vậy phải chăng các nhà phê bình âm nhạc cần phải dũng cảm hơn nữa?

- Như tôi đã nói ở trên, âm nhạc Việt Nam giờ là cái chợ, và trong cái chợ đó, vẫn có sự phân chia rất rành mạch. Với những gì thuộc nhạc cổ điển, giao hưởng là một khu riêng nên những nhà phê bình âm nhạc vẫn có thể lên tiếng bênh vực được. Đó là những gì thuộc về thể loại âm nhạc trong sáng, hồn nhiên và chân thật. Còn về dòng giải trí thì nếu các nhà phê bình âm nhạc động vào đó là chết liền, sẽ bị "cào cấu", bị "đánh", vùi dập ngay lập tức, mà không một ai cứu giúp, kể cả Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

"Âm nhạc bây giờ phần lớn là của những trọc phú nhiều tiền, họ chi phối toàn bộ âm nhạc, một đêm nhạc của thương hiệu nào đó, họ có thể mời bất cứ nhạc sĩ nào họ muốn”.
Nhạc sĩ Thụy Kha


Ngay như bản thân tôi, 3 lần tham gia làm “người dũng cảm” thì cho đến giờ này, tôi cũng có được gì đâu. Đổi lại, tôi bị rất nhiều người ghét, nhiều người không thích. Nói thật vào thời điểm này, làm một việc tốt khó lắm, đôi khi điều tốt đó còn bị nghi ngờ đằng sau đó là cả một âm mưu khủng khiếp nào đó.

Chẳng lẽ không có cách nào để giải quyết tận gốc vấn đề này hay sao, thưa ông?

- Sau những gì nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét, tôi đã nói với bạn bè rằng, đây là thời điểm của cái thật bắt đầu lên ngôi, những câu nói thật sẽ được xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt trong âm nhạc. Và cũng từ những câu nói thật của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, những người xưa nay vẫn cho mình là "ông hoàng", "bà chúa" sẽ phải nhìn lại, những người vẫn lấp liếm giữa nghệ thuật đích thực và nghệ thuật rởm sẽ phải chờn chợn mà nhìn lại. Còn với những khán giả lâu nay đi sai hướng thưởng thức, bị dẫn dắt cũng sẽ tỉnh ngộ ra rằng lâu nay mình nghe nhầm nhạc.

Và theo tôi để giải quyết được sự lũng loạn trong âm nhạc hiện nay, chúng ta cần đưa ra 3 vấn đề: Vấn đề đầu tiên là âm nhạc phải được đưa vào trường học. Vấn đề thứ 2, cần sự quan tâm, sát sao của cơ quan quản lý nhà nước, của Hội Nhạc sĩ. Vấn đề thứ 3 là về truyền thông, cần phải có những bài viết sạch, bài viết chân thật về âm nhạc, không nên vị nể.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Thanh Hà (thực hiện) (Thanh Hà (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem