Không phải ngẫu nhiên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung có số lượng tiền tác quyền mỗi năm một tăng dần, mà với anh, đó là cả một hành trình với biết bao hỷ-nộ-ái-ố của cuộc đời.
Khi nhạc sĩ mất niềm tin vào cuộc sống
Trí tuệ của giới nhạc sĩ nói riêng, văn nghệ sĩ nói chung là để sáng tạo nghệ thuật. Song vụ lùm xùm quanh chuyện Sky Music vi phạm Quyền tác giả âm nhạc đã lấy đi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhiều năng lượng sáng tạo. Sau những ngày phải trao đổi mọi vấn đề với Trung tâm Bảo vệ Quyền tác âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để tìm ra phương án giải quyết là những cuộc điện thoại của báo giới, bạn bè và nhất là những nhạc sĩ đang có chung một nỗi niềm gọi đến. Chỉ những điều như thế thôi cũng đủ làm cho cuộc sống, công việc sáng tạo của nhạc sĩ bị phân tâm.
"Sau khi bài báo "Sky Music bị tố vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc" trên báo Dân Việt được đăng tải, Sky Music cho người liên lạc với tôi để giải thích rằng họ phân phối quyền tác giả của bản ghi (ca sĩ đã xin phép tác giả thể hiện bài này) chứ không phân phối quyền tác giả của tác phẩm. Sky Music muốn gặp trực tiếp tôi, họ muốn ký hợp đồng hợp tác.
Tôi hiểu bản chất của Sky Music là gì và đã cố tình gài một câu hỏi tại sao trước giờ Sky Music không ký hợp tác. Nếu vẫn muốn khai thác thì hãy trả tác quyền cho những tác phẩm của tôi mà Sky Music đang khai thác. Ngay lập tức phía Sky Music trả lời họ đang cho kế toán làm thủ tục thanh toán đối soát cho tôi. Chỉ một chi tiết như thế đủ thấy sự không đàng hoàng và tôi không chấp nhận kiểu làm ăn gian dối này. Chưa ký hợp đồng thì ai cho quyền kinh doanh? Và cũng không thể nói sẽ đối soát thanh toán. Vì thế, tôi quyết tâm dù một mình, tôi cũng làm việc này đến cùng để làm gương”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: "Tôi mất niềm tin vào những cá nhân hoặc đơn vị kinh doanh âm nhạc. Sau những gì xảy ra với Sky Music, tôi chỉ thích tự sản xuất những bài hát của tôi về tình yêu, về gia đình và những sáng tác cho thiếu nhi. Tôi hài lòng về điều đó, bởi suy cho cùng, người nhạc sĩ chỉ cần được sống thoải mái với việc sáng tạo của mình là vui nhất. Nếu không ai tôn trọng quyền tác giả, không ai có ý thức về quyền tác giả thì tự mình sẽ quản lý mọi thứ, tự mình ủy thác cho đơn vị mình tin tưởng. Có thể khó khăn, có thể thiếu sót, nhưng cảm thấy nhẹ nhàng và không phải băn khoăn gì cả".
Trầy trật đi đòi tác quyền của chính mình
Vốn là người kiệm lời, nhưng đã đến lúc cần phải lên tiếng vì lẽ phải, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhớ lại những câu chuyện tử thuở hàn vi. Anh kể: "Khi vừa bắt đầu sáng tác, tôi đã từng ngây thơ và háo hức ký bán độc quyền những bài hát đầu tiên với giá 2.000.000 đồng/bài trong vòng 3 năm trong mọi lĩnh vực và không hề biết rằng mình có thể còn quyền lợi nào khác.
Đối với 1 người mới chập chững vào nghề như tôi thì cái việc được các ca sĩ chuyên nghiệp hát bài hát của mình là điều hạnh phúc lắm! Tôi đã rất vui! Nhưng tôi không biết rằng việc đó dẫn đến việc bị thiệt hại một số tiền tác quyền có thể thu được từ các sân khấu và chương trình ca nhạc trên khắp cả nước đối với những bài hit đầu tiên như: Đêm trăng tình yêu, Vầng trăng khóc, Mộng thủy tinh...
Năm đầu tiên (2006), ký kết với Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, tôi chỉ được trả hơn 9 triệu đồng. Từ đó tôi học được cách soạn thảo hợp đồng và đề cập đến quyền lợi của tác giả vì đó là sản phẩm trí tuệ của mình, được pháp luật công nhận và bảo hộ.
Năm 2008, với những thành công tiếp theo như: Ngôi nhà hoa hồng, Bay giữa ngân hà, Ngồi bên em...tôi dần thấy được quyền lợi đã mang lại hiệu quả rõ rệt như thế nào. Mỗi lần các bạn ca sĩ biểu diễn trên các sân khấu cả nước, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đều tích cực kiểm kê và truy thu về cho tôi, mang lại những niềm vui bất ngờ và niềm tin vào con đường mình đã chọn".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trong VTV bài hát tôi yêu. Ảnh NVCC
Những chuyện dở khóc, dở cười, tiền mất tật mang
Năm 2009 là 1 năm nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung có tới 3 bài hit trên cùng 1 bảng xếp hạng, đó là: Chiếc khăn gió ấm, Mùa đông không lạnh, Con đường mưa. Năm đó, nhạc chuông, nhạc chờ phát triển mạnh nhất, nhưng theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thì đó là thời điểm anh học được một bài học lớn nhất về sự tử tế hay lòng tham con người.
Năm 2010, tôi bị 1 nhân vật lừa đảo khi tuyên bố có thể giúp tôi truy thu lại số tiền từ ca khúc "Chiếc khăn gió ấm" (1/3 của 900 triệu), nếu tôi ký uỷ thác cho anh ta. Và tôi không ngờ rằng hắn không những không thu được tiền cho tôi (hoặc thu được nhưng giấu) mà lại còn lén lút bán những bài hát của tôi cho các công ty khác. |
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhớ lại: "Khi tôi vô tình biết được thống kê doanh thu bài Chiếc khăn gió ấm đạt hơn 900.000.000 VNĐ (chín trăm triệu đồng) trong năm đó, nhưng công ty BLUESEA lại không chi trả cho tôi mà chuyển hết cho ca sĩ K.P vì "Ca sĩ K.P nói rằng bài hát đó do anh ấy sáng tác" (trích lời nhân viên BlueSea).
Bên cạnh đó, ca khúc Mùa đông không lạnh cũng tương đương số tiền đó (gần 1 tỷ đồng) thì bị bác ruột của AkiraPhan (lúc đó đang là quản lý) chiếm mất. Việc này tôi không trách Akira vì tôi biết cậu ấy cũng không hề hay biết như tôi. Sau này cậu ấy cũng chua xót thú nhận trong 1 bài báo về nỗi đau bị người thân phản bội. Cũng may, còn lại doanh thu từ ca khúc Con đường mưa cũng tạm ổn, vì Cao Thái Sơn khá nghiêm túc và rõ ràng.
Sau năm đó, tôi tự nhủ với lòng mình sẽ không bao giờ làm việc với những con người tham lam. Và tôi may mắn được gặp những người anh, những người bạn ca sĩ rất đàng hoàng và minh bạch như: anh Phan Đinh Tùng, nhóm The Men, Thanh Ngọc... Và tôi dần học được cách làm hợp đồng có đề cập đến việc phân chia doanh thu từ những lĩnh vực phát sinh khác bên ngoài vấn đề biểu diễn".
Năm 2011, bên Lào, Campuchia, Trung Quốc xuất hiện hàng loạt bài hát có giai điệu giống hệt Vầng trăng khóc, và khán giả cùng báo chí đặt nghi vấn "Nguyễn Văn Chung đạo nhạc?". Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã từng rất buồn và ức chế trong suốt một thời gian dài, vì không biết giải thích thế nào", giải thích cho ai.
Nhờ sự nhiệt tình và nỗ lực của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam(VCPMC) đã thay mặt nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung làm việc với CISAC ( Liên Minh Quốc Tế Các Hiệp Hội Nhạc và Lời Trên Thế Giới) đặt trụ sở tại Singapore. Anh kể: "Ngày ấy, tôi cùng đại diện của VCPMC qua Singapore làm việc. Chúng tôi truy tìm lại thời gian và nguồn gốc phát hành của từng bài hát trên hệ thống phần mềm lưu trữ MIS@ASIA, để từ đó chứng minh được bài hát của tôi là nguyên bản, trả lại sự trong sạch và danh dự cho chính mình".
Tôi trưởng thành đáng giá bao nhiêu?
Trải qua bao nhiêu lần vấp ngã, mất mát, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mất dần niềm tin ở những đơn vị kinh doanh âm nhạc. Anh bộc bạch: "Tôi thấy sợ lòng tham con người khi kinh doanh trên chất xám người khác một cách hả hê và vô tội vạ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Tôi muốn các con của tôi sau này sẽ hãnh diện và tự hào vì có 1 người cha luôn sống hết mình và nghiêm túc với sự nghiệp của mình. Một người cha có những bài hát ý nghĩa và sống mãi với cuộc sống và mọi người. |
Từ đó, tôi chỉ thích viết ra những bài hát mới và gửi cho những người bạn ca sĩ thân quen của mình và tự mình sản xuất những bài hát ấy như: album Hits Cover Nếu anh là em; album Sau những ngày hạnh phúc - Thanh Ngọc hay Nhật ký của mẹ - Hiền Thục.
Có thể sự phổ biến sẽ không mạnh mẽ, không dễ thành hit như những bài hát ngày xưa, vì thiếu đi những chiêu trò PR, những "thoả thuận đẩy view"... nhưng ít ra, đó là sản phẩm của tôi và tôi được toàn quyền hưởng thụ lợi nhuận từ nó suốt đời. Đối với một người nhạc sĩ viết nhạc bằng cảm xúc như tôi, thì điều đó là đủ vui rồi!".
Số tiền tác quyền mỗi năm mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận từ VCPMC.
Năm 2017 doanh thu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tăng gấp đôi so với năm 2016, mặc dù cả 2 năm qua anh không hề tung 1 bài hát tình yêu nào cả mà chỉ ra mắt Nhật ký của mẹ và 100 Bài hát thiếu nhi. Điều đó chứng tỏ con đường của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đang đi là đúng đắn. Anh khẳng khái: "Mặc kệ những cái bĩu môi hay nghe thấp thoáng sau lưng "ông Chung còn viết được bài Hit nào đâu!"...điều đó đối với tôi không quan trọng mà bài hát nào sống lâu và có ý nghĩa mới là điều quan trọng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.