Nhiều nghệ sĩ sẽ bỏ nghề nếu Bộ chờ hết dịch mới hỗ trợ!

Thủy Vũ Thứ sáu, ngày 04/06/2021 06:30 AM (GMT+7)
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nghệ sĩ thuộc nhiều Nhà hát phải bỏ việc tìm nghề khác kiếm sống. Đối mặt với thực trạng này, NSND Thanh Ngoan với cương vị Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Dân Việt.
Bình luận 0

Hiện nay, lãnh đạo của nhiều đơn vị nghệ thuật đang đứng trước nguy cơ mất diễn viên, "chảy máu" nguồn lực. Điều này cũng một phần bắt nguồn từ việc Nhà hát phải đóng cửa vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong khi để tuyển và đào tạo được một nghệ sĩ chuyên nghiệp thuộc lĩnh vực này vô cùng khó khăn.

NSND Thanh Ngoan: Cần giữ chân nghệ sỹ ở lại với nghề trước ảnh hưởng của dịch covid-19 - Ảnh 1.

Một vở diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Thưa NSND Thanh Ngoan! Theo bà, Nhà nước cần làm gì trong tình trạng nhiều nghệ sĩ có nguy cơ phải bỏ ngang nghề trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19?

- Năm 2021, với 5 tháng trôi qua mà hầu như tất cả các kế hoạch biểu diễn đều không thể triển khai được bởi liên tiếp các đợt dịch. Như vậy có nghĩa người diễn viên không được làm nghề, mặt khác họ không có thu nhập thêm từ việc diễn. Như vậy làm sao có thể đủ sống được, làm sao chúng tôi có thể giữ chân họ với nghề. Năm ngoái, Nhà nước cũng đã hỗ trợ người diễn viên số tiền mỗi tháng tương đương với 5 đêm diễn.

Nhưng năm nay tôi đề xuất là phải hỗ trợ số tiền từ 10 – 20 đêm mới có thể coi là một sự đảm bảo tối thiểu. Mà phải là hỗ trợ ngay chứ không thể chờ hết dịch Covid-19 thì có khi lúc đó nhiều người đã bỏ nghề. Ngoài cách này, tôi cho rằng chẳng còn cách thức nào có thể khả thi hơn. Bởi khác với trước đây trong tình dịch giã thế này không thể bảo lãnh đạo đơn vị như chúng tôi đi tìm các hợp đồng biểu diễn để có thêm việc làm và thu nhập cho diễn viên của mình được. Rất vui là đề xuất này của tôi đã được đại diện của Bộ, Cục nghệ thuật biểu diễn và lãnh đạo các đơn vị rất hưởng ứng! Bộ cũng đang cân nhắc để có kế hoạch triển khai.

Vậy khi có được sự hỗ trợ đó rồi thì theo bà về phía người diễn viên ở các đơn vị công lập, họ sẽ phải đảm bảo được điều kiện gì?

- Tất nhiên là song song việc nhận được tiền hỗ trợ, người diễn viên cũng sẽ phải ra sức lao động bằng việc tập luyện các chương trình sẵn sàng khi hết dịch có thể đi biểu diễn. Việc tập luyện là vô cùng quan trọng bởi nó không chỉ giúp chúng tôi hoàn thành các chương trình đã đề ra, hoàn thiện các khả năng của người diễn viên mà quan trọng hơn nữa là giúp họ giữ được lửa nghề, niềm đam mê được đứng trên sân khấu.

Như các cụ ta đã từng nói, văn ôn võ luyện, công việc biểu diễn cũng thế phải bồi đắp từng ngày, từng giờ nếu không thì sẽ xao nhãng, mai một. Cho nên ngay sau khi có hỗ trợ, người diễn viên phải tìm cách thức phù hợp để tập luyện.

Việc hỗ trợ bằng tiền đúng là một cách làm hiệu quả trong lúc này, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng các Nhà hát phải tìm cách để thích ứng với điều kiện mới, bà nghĩ sao về điều này?

- Đúng là trong phiên làm việc trực tuyến vừa qua giữa chúng tôi tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã nói rất sâu về vấn đề này. Một số anh chị rất hào hứng với việc sẽ xây dựng kịch bản, chương trình thêm để phát triển trên nền tảng số như Youtube, Tiktok để người diễn viên được diễn dù không phải trực tiếp trên sân khấu như mọi khi.

Tất nhiên là các sân khấu có những mảng có thể khai thác theo hướng đương đại như kịch, rối. Và tôi cho rằng đây cũng là những hướng đi mới mở ra sự khả quan, Tuy nhiên, ở góc độ một đơn vị nghệ thuật truyền thống thiên về bảo tồn thì tôi lại mong có được sự hỗ trợ và kết nối với các kênh truyền hình.

Không nói đâu xa dự án sân khấu truyền hình của Hải Phòng với hạn mức 40 tỷ cũng đã tạo ra một cái phao cứu sinh khá vững với anh chị em nghệ sĩ dưới đó. Tôi nghĩ nếu như Hà Nội và nhiều địa phương chúng ta có thể làm được như thế mà hẳn là sẽ làm được đánh giá đúng vai trò của việc truyền thông những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống đến với khán giả.

Vậy thì theo quan điểm của bà nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương... có thể làm được các tác phẩm thương mại có tính cạnh tranh tốt hay không?

- Nếu như chúng ta đủ nhân tài đủ nguồn lực và đủ thời gian chiến lược cho những bước đi đường dài thì tôi nghĩ là vẫn sẽ có thể làm được. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại tôi sợ rằng các tác phẩm giải trí thương mại, giải trí không còn đề cao ý nghĩa khuôn mẫu, chuẩn mực của nghệ thuật truyền thống nữa thì sẽ rất dễ thành những sản phẩm nửa mùa kiểu như kịch "cắm" hát, kịch "cắm" chèo  thậm chí là hổ lốn nhiều các loại hình không ăn nhập mà xếp chung vào cùng với nhau.

Và điều đấy thì đương nhiên là không thể và không nên làm một chút nào. Chúng ta làm nghệ thuật truyền thống nên quan trọng vẫn là phải giữ được những giá trị từ ngàn đời dù có thể phải bù lỗ. Ý kiến này cũng đã được tất cả các anh em trong khối nghệ thuật truyền thống chúng tôi nhất trí.

NSND Thanh Ngoan: Cần giữ chân nghệ sỹ ở lại với nghề trước ảnh hưởng của dịch covid-19 - Ảnh 2.

NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam.

Có thể coi xu hướng thương mại hay đương đại không được người đứng đầu một đơn vị nghệ thuật truyền thống như bà chấp nhận vì sự thiếu phù hợp. Vậy có khi nào bà nghĩ đến việc phải xây dựng các đề án, các chiến lược hoạt động tạo ra thế mạnh về sự ưu việt của đơn vị mình so với các đơn vị bạn để thu hút nhiều hơn sự đầu tư của Nhà nước hay không?

- Nhà hát chúng tôi cũng đã làm nhiều vở diễn giàu tính thể nghiệm để phục vụ khán giả. Tuy nhiên ngay cả các đơn vị thực hiện đa dạng các loại hình thể nghiệm như rối còn chưa dám chắc chắn hiệu quả thì làm sao chúng tôi một loại hình nghệ thuật đã rất kén khán giả rồi dám vỗ ngực đảm bảo sẽ tạo ra một sự đột phá.

Vì vậy tôi nghĩ rằng chúng ta có thể làm việc nếu có một lộ trình chiến lược rõ ràng, bài bản tuy nhiên sẽ là rất khó bởi muôn vàn những điều bất lợi đang tồn tại với sân khấu hiện nay. Cho nên, tôi nghĩ khi các anh chị em chưa thể vượt khơi xa thì cũng ở vùng biển của mình cùng các anh chị em vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid 19 này đã.

Là một giám đốc khá năng động và có tài xoay chuyển tình thế trong những giai đoạn nước rút quan trọng, bà có thể chia sẻ về những kế hoạch sắp tới của Nhà hát Chèo Việt Nam.

- Năm 2021, Nhà hát Chèo Việt Nam chúng tôi sẽ kỷ niệm 70 thành lập Nhà hát. Theo kế hoạch hàng năm thì chúng tôi sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp kinh phí để dàn dựng hai vở mới. Tuy nhiên, vì muốn khôi phục những vở diễn nổi tiếng của đơn vị để công diễn chiêu đãi cho khán giả trong dịp trọng đại này nên ngay từ đầu năm tôi đã làm tờ trình để thay đổi kế hoạch cũ.

Trước hết thay vì dựng 2 vở mới như kế hoạch của mọi năm thì tôi xin chỉ dựng 1 vở mới còn lại sẽ phục dựng 7 vở cũ. Và trước đợt giãn cách này tất cả các ê-kíp của chúng tôi đều đã sẵn sàng cho các vị trí công việc của mình. Sau khi có chỉ đạo mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về cách thức chia nhỏ nhóm diễn viên để tập luyện trong thời gian này chúng tôi sẽ bắt tay thực hiện.

Mong rằng sau khi tình hình ổn định trở lại cũng sẽ là lúc chúng tôi được trình làng tất cả các tác phẩm cũ và mới của mình. Mặt khác, sân khấu nhỏ với chiếu chèo truyền thống của chúng tôi cùng với đêm nhạc "Năm cung chèo" cũng sẽ chào đón khán giả trong thời gian sớm nhất vì đó cũng là niềm vui của anh chị em nghệ sõ chúng tôi.

Xin cảm ơn NSND Thanh Ngoan đã chia sẻ thông tin!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem