Nữ giáo viên 8X Gia Lai bỏ ngang nghề về trồng dược liệu, bỏ túi trăm triệu mỗi năm

Hoàng Lộc Thứ bảy, ngày 04/02/2023 18:52 PM (GMT+7)
Đang dạy học, chị Dịu bất ngờ "bỏ ngang" để về khởi nghiệp trồng cây đan sâm và thành lập hơpn tác xã. Đến nay, mỗi năm chị thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Bình luận 0

Đan sâm bén với vùng đất Mang Yang

Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm vào năm 2005, bà Nguyễn Hồng Dịu (40 tuổi, trú tại thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) về làm giáo viên dạy môn Sinh học của một trường cấp một trên địa bàn huyện.

Trong quá trình dạy học, ngoài thời gian ở trường, khi về nhà thì bà lại phụ giúp bố mẹ trồng, chăm sóc nương rẫy.

Rời "bục giảng", nữ 8x ở Gia Lai về trồng dược liệu, bỏ túi trăm triệu mỗi năm - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Hồng Dịu (áo cam) đã bỏ nghề giáo viên về trồng dược liệu

"Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến người nông dân vất vả với cây cà phê, hồ tiêu nhưng giá cả các loại nông sản liên tục bấp bênh khiến người nông dân thua lỗ. Ngoài ra, trong quá trình canh tác, bà con cũng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học khiến đất đai bị thoái hoá. Vì vậy, tôi luôn trăn trở để tìm ra những loại cây phù hợp với thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở đây", bà Dịu tâm sự.

Khi đó, bà đã tìm tòi mạng xã hội và thấy tò mò với loài cây dược liệu có tên là đan sâm. Sau đó, bà tìm đến những chuyên gia trong lĩnh vực đông y và ở Viện Dược liệu để tìm hiểu về giá trị, quy trình trồng, chăm sóc của cây đan sâm.

Rời "bục giảng", nữ 8x ở Gia Lai về trồng dược liệu, bỏ túi trăm triệu mỗi năm - Ảnh 2.

Củ đan sâm được trồng sau 1 năm sẽ thu hoạch

Đến đầu năm 2019, bà Dịu mua giống về trồng trên diện tích 6 sào của gia đình gồm các loại dược liệu như đan sâm, thiên môn đông, táo đỏ, thiên môn đông, sâm đương quy, kim ngân hoa, hồng hoa.

Sau một thời gian trồng thử nghiệm, bà nhận thấy chỉ có 1 sào trồng đan sâm sinh trưởng, phát triển tốt và phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Gia Lai. 

Hướng mở cho sự phát triển của đan sâm

Từ thành công bước đầu, năm 2020, bà Dịu đã thành lập HTX Dược liệu xanh Mang Yang với 8 thành viên để trồng một số cây dược liệu, trong đó cây đan sâm với diện tích khoảng hơn 2 ha. Để có nguồn giống đan sâm chất lượng, bà Dịu đã liên hệ với Viện Dược liệu để mua. Khi đến kì thu hoạch, bà đem củ đan sâm ra Viện Dược liệu kiểm tra hàm lượng dược chất và được đánh giá cao.

Rời "bục giảng", nữ 8x ở Gia Lai về trồng dược liệu, bỏ túi trăm triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Theo chị Dịu, cây đan sâm rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của mảnh đất Gia Lai

"Cây đan sâm rất dễ sau và chăm sóc. Người nông dân chỉ trồng sau 1 năm là thu hoạch. Theo ước tính của tôi, 1 ha đan sâm thu hoạch được khoảng 10 tấn tươi và chế biến được thành 2,5 tấn khô. Với giá đan sâm bán trên thị trường hiện nay dao động ở mức 40 - 60 ngàn đồng/kg tươi và 250-300 ngàn đồng/kg khô thì người trồng thu về hơn 200 triệu đồng/ha sau khi trừ hết các chi phí", bà Dịu phân tích.

Khi đã có vùng nguyên liệu, HTX của chị bắt đầu vào chế biến sâu các sản phẩn từ đan sâm gồm rượu đan sâm, đan sâm sấy khô và cao đan sâm. Đến năm 2021, 2 sản phẩm của HTX gồm rượu đan sâm và đan sâm sấy khô được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. 

Nhận thấy những tiềm năng về phát triển cây dược liệu và hiệu quả từ mô hình trồng đan sâm, vào năm 2022, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mang Yang đã triển khai mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu.

Cụ thể, nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ với kinh phí khoảng 400 triệu đồng và vốn đối ứng của người dân 120 triệu đồng.

Rời "bục giảng", nữ 8x ở Gia Lai về trồng dược liệu, bỏ túi trăm triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Củ đan sâm có rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ

Chị Nguyễn Thị Duyên (xã Đắk Ya, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) - 1 trong những hộ dân liên kết trồng 1,3 đan sâm với HTX Dược liệu xanh Mang Yang chia sẻ: "Tôi đầu tư trồng đan sâm vào tháng 6/2022. Qua một thời gian, tôi thấy đan sâm dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch cũng rút ngắn hơn rất nhiều. Hiện vườn đan sâm đang sinh trưởng, phát triển tốt và gia đình tôi rất kỳ vọng loại cây này sẽ mang lại lợi nhuận cao”.

Ông Võ Minh Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang cho biết: "Trồng đan sâm là mô hình phát triển kinh tế mới được người dân xã Đăk Ya trồng. Ngoài ra, các hộ cũng dân cũng nghiên cứu để cho các sản phẩm chế biến sâu từ đan sâm và các sản phẩm này đã có chỗ đứng trên thị trường. Thời gian đến, huyện sẽ phối hợp với HTX mở rông diện tích trồng cây đan sâm và phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp hỗ trợ 1 phần kinh phí để HTX phát triển".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem