Trồng cây trầu đếm lá tính tiền, rằm tháng Giêng có nhà ở TP Vinh của Nghệ An kiếm hàng bộn tiền
Trồng cây đếm lá tính tiền, rằm tháng Giêng có nhà ở TP Vinh của Nghệ An kiếm bộn tiền
Cảnh Thắng - Nguyễn Tình
Thứ bảy, ngày 04/02/2023 05:21 AM (GMT+7)
Cây trầu, thứ cây trong truyện cổ tích, giờ lại giúp người dân ở xóm 5, xã Nghi Ân, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) làm giàu. Ra Tết là thời điểm dân nơi đây "hái bạc", đặc biệt vào rằm tháng Giêng có hộ thu về hàng chục triệu đồng.
Xã Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An được biết là "thủ phủ" trồng trầu. Cây trầu đã bén rễ trên vùng đất xã Nghi Ân hàng chục năm nay, phục vụ cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Loại cây trong truyện cổ tích về xã Nghi Ân thành thứ cây đếm lá, tính tiền đã giúp cho nhiều hộ dân ở xã Nghi Ân làm giàu.
Loại cây đếm lá tính tiền giúp người dân ở xã Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thu về hàng chục triệu đồng vào dịp rằm tháng giêng. Thực hiện: Thắng Tình
Trước và sau Tết Nguyên đán là thời điểm các hoạt động lễ, cúng nhiều, trong khi đó, những lá trầu là thứ không thể thiếu trên mâm cỗ. Đặc biệt dịp rằm tháng giêng là thời điểm lượng tiêu thụ trầu rất lớn. Vì thế đây cũng là lúc những vườn trầu của các hộ dân "hái bạc".
Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1967, trú tại xóm xóm 5, xã Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) là một trong 3 hộ dân có diện tích trồng trầu nhiều nhất xã. Vườn trầu của gia đình bà Hoa rộng 1.500m2 với hàng trăm gốc trầu với tuổi đời hàng chục năm. Gần đây, gia đình bà Hoa đã đầu tư thêm 80 triệu đồng để xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới, mở rộng thêm diện tích trầu ra ngoài ruộng.
Những lá trầu đẹp, xanh đều, được "tuyển" để bán phục vụ nhu cầu cúng bái của người dân. Loại "hàng tuyển" này giá dao động 1.000 - 1.500 đồng/lá. Loại lá xấu thì bán làm trầu ăn, hoặc bán cho các cơ sở chiết xuất tinh dầu, làm dược liệu.
Có thời điểm lá trầu tại đây từng được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường này bị đóng cửa, lá trầu không cũng không còn "xuất ngoại" được, quay về phục vụ thị trường trong nước.
Vườn trầu của gia đình bà Hoa, thu hoạch đều trong năm, đặc biệt vào ngày rằm, mồng một đầu tháng âm lịch lượng tiêu thụ tăng cao nhất. Vào tháng 7, trước và sau Tết Nguyên đán, mức tiêu thụ tăng mạnh vì nhu cầu về trầu cúng lễ, trầu cưới tăng cao.
Ông Nguyễn Hồng Thái (SN 1969, trú tại xóm 5, xã Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) chia sẻ, cây trầu là cây khá khó trồng nên cần chăm sóc rất tỉ mỉ, ngay cả trong quá trình thu hoạch. Nhiệt độ lý tưởng cho sự sinh trưởng, phát triển của cây trầu không là 20 - 30 độ C. Đặc biệt, loài cây này không chịu được hạn, lạnh, ngập úng và dễ nhiễm nấm. Phân bón cho cây trầu phải là loại phân hữu cơ đã được ủ hoai mục.
Bên cạnh đó, gia đình ông Thái còn lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt dưới gốc, phủ thêm một lớp lá dừa, rơm để giữ ẩm cho vườn trầu, tránh ánh nắng trực tiếp. Trầu được trồng trong nhà lưới để tránh nắng, giữ nhiệt độ vào mùa hè. Thường mỗi gia đình nơi đây có cho mình một bí quyết riêng trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Chuẩn bị dịp rằm tháng giêng là cao điểm tiêu thụ trầu của mặt hàng này, khi người dân đi cúng bái, lễ chùa. Vì vậy, các thành viên trong gia đình bà Hoa hái lá trầu cả ngày ở vườn, tối lại rửa, xếp trầu... gần sáng người chồng lại mang đi nhập cho các tiểu thương.
Trước Tết, gia đình ông Thái thu nhập gần 80 triệu đồng, dịp rằm tháng giêng này gia đình ông cũng đã bán được hơn 30 triệu đồng. Hàng tháng vườn trầu cũng giúp cho gia đình ông Thái có thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Nguyễn Duy Thọ - Chủ tịch Hội nông dân xã Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An chia sẻ, hiện tại, trên địa bàn xã có khoảng 50 hộ dân trồng trầu rải rác ở các xóm 5, 8 và 10. Các hộ cũng đã đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới hiện đại. Cây trầu đã giúp cho nhiều hộ dân nơi đây làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.