Cảm hứng từ Vũ Thị Hương
Những ngày tác nghiệp trên đất Malaysia, phóng viên Báo NTNN đã chứng kiến những khoảnh khắc vô cùng xúc động của các vận động viên (VĐV) đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) nói chung và điền kinh nói riêng. Đằng sau những cú chạy nước rút đôi khi nhanh đến chóng mặt, những thông số thành tích khô khan là bao mồ hôi, nước mắt cả cả máu của các VĐV. Đó là những đêm thức trắng không sao chợp mắt được vì vật lộn với sự đau đớn của chấn thương. Đó là ý chí, nghị lực, bản lĩnh tuyệt vời vượt qua bệnh tật để theo đuổi niềm đam mê.
Cách đây 4 năm, trên đường chạy sân Wunna Theikdi (Myanmar) ở SEA Games 27-2013, các phóng viên Việt Nam đã phải ngả mũ trước Vũ Thị Hương khi chị giành cú đúp HCV 100, 200m nữ. Chuyện phận gái khi đó đã 27 tuổi nhưng không ngừng nỗ lực, cố gắng khẳng định mình trên đường chạy là một nhẽ. Điều đáng khâm phục là 6 tháng trước khi bảo vệ thành công vương miện “nữ hoàng tốc độ” Đông Nam Á, Hương đã phải lên bàn mổ để phẫu thuật u nang buồng trứng.
“Bộ tứ” Tú Chinh – Mộng Tuyền – Đỗ Quyên – Trần Hoa lập kỳ tích giành tấm HCV 4x100m lịch sử cho điền kinh Việt Nam. ảnh: Hiền Anh
Lúc này, Hương đã giã từ sự nghiệp nhưng cảm hứng từ chị tiếp tục được truyền cho thế hệ đàn em. Lê Tú Chinh – cô gái TP.HCM năm nay 20 tuổi và được coi là “hậu duệ” của Hương đã chia sẻ rất thật khi giành cú “hat-trick Vàng” 100m, 200m, 4x100m nữ: “Không chỉ em mà nhiều đồng đội ở đội điền kinh đã coi chị Hương là thần tượng, là tấm gương để noi theo về ý chí và bản lĩnh không chỉ trên đường đua mà cả trong cuộc sống. Suốt thời gian thi đấu ở SEA Games 29, chị Hương đều dõi theo chúng em và động viên qua facebook. Điều đó là em cảm thấy rất vui, có thêm động lực, sự tự tin để chinh phục đường đua, mang vinh quang về cho Tổ quốc”.
Với quyết tâm, khát khao tuổi 20, Tú Chinh là người chạy nước rút cuối cùng tuyệt vời giúp điền kinh Việt Nam giành tấm HCV tiếp sức 4x100m lịch sử với thành tích 43 giây 88, phá kỷ lục SEA Games (kỷ lục cũ do điền kinh Thái Lan lập được tại SEA Games 2013 là 44 giây).
Nói thì nhanh nhưng nếu biết rằng trong quá khứ, điền kinh Việt Nam qua lớp lớp thế hệ thầy trò chưa thể chạm tới tấm HCV này thì mới thấy những nỗ lực không biết mệt mỏi của huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi cùng 4 cô học trò Tú Chinh – Mộng Tuyền – Đỗ Quyên – Trần Hoa.
Biến áp lực thành động lực
Ấm tình đồng đội
Một tấm “vàng mười” khác của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 29 mang tên Dương Văn Thái nội dung 800m nam. Với thành tích 1 phút 48 giây 97, Thái đã phá kỷ lục quốc gia (1 phút 49 giây 23) của chính mình. Điều đặc biệt là tấm HCV này thể hiện tình đồng đội cảm động: “Theo chiến thuật ban huấn luyện đề ra, Võ Vũ Linh chấp nhận "hy sinh" làm chim mồi chạy 500m đầu tiên phá sức đối thủ. Điều đó giúp tôi bứt phá thành công 300m cuối để giành HCV, phá kỷ lục quốc gia. Tấm HCV này có thể nói là thành tích chung của 2 anh em. Tất cả đều vì mục tiêu chung đem vinh quang về cho Tổ quốc” - Dương Văn Thái nói. |
Theo chia sẻ từ huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi, trong khi các đội điền kinh khác được đi tập huấn nước ngoài thì đội 4x100m phải đến hôm 20.5 (nghĩa là cách ngày đặt mốc son tại SEA Games khoảng 3 tháng), Tú Chinh – Mộng Tuyền-Đỗ Quyên-Trần Hoa mới có thể tập luyện cùng nhau ở TP.HCM.
Để có được chuyến “tập huấn” ấy, đội 4x100m nữ đã được Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM miễn phí tiền ăn ở. Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội cho tiền vé máy bay. Khó khăn là vậy, chịu bao áp lực như thế nhưng cuối cùng thầy trò huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi đã biến áp lực thành động lực, trả lời bằng hành động cụ thể trên đường đua khiến những ai thiếu niềm tin vào đội 4x100m nữ phải ngỡ ngàng!
Cũng như tấm HCV 4x100m nữ, việc “cánh chim lạ” Nguyễn Thị Oanh giành cú đúp HCV 1.500m, 5.000m nữ cũng thật bất ngờ. Và nhiều người sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa nếu biết rằng Oanh suýt nữa đã phải từ giã từ sự nghiệp vì căn bệnh thận.
Trước thềm SEA Games 29, chẳng ai nhắc đến cô gái Bắc Giang năm nay 22 tuổi như một niềm hy vọng vàng. Dấu ấn đáng kể nhất của Oanh là tấm HCB 3.000m vượt chướng ngại vật SEA Games 2013. Thậm chí, khi nhìn danh sách thi đấu, có người còn nhầm Oanh Bắc Giang với hot-girl Hà Nội cùng họ cùng tên ở đội chạy 400m.
Một chi tiết cười ra nước mắt là đáng ra ở SEA Games 2017, Oanh cũng thi đấu 3.000m chướng ngại vật. Nhưng đùng một cái trước giờ G, ban tổ chức nước chủ nhà lại hủy bỏ nội dung này. Bất đắc dĩ, cô phải chuyển sang thi đấu 1.500m, 5.000m và… “gặt Vàng”!
Nhưng từng đó chưa đủ để nói lên tài năng và ý chí của Nguyễn Thị Oanh. Theo lời kể của huấn luyện viên Trần Văn Sỹ, sau tấm HCB SEA Games 2013, Oanh gần như biến mất khỏi làng điền kinh. Lý do là cuối năm 2014, cô phát hiện mình bị mắc căn bệnh viêm cầu thận.
“Khi đi khám và nghe bác sĩ nói mình mắc bệnh thận, tôi đã rất sốc với ý nghĩ mình không thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê. Cả năm 2015 tôi nghỉ tập luyện cũng như thi đấu để điều trị. May sao do bệnh tôi phát hiện sớm nên đã chữa được dứt điểm và trở lại đường đua để có được ngày hôm nay” - Oanh kể.
Khi cán đích 5.000m, cô gái quê Bắc Giang đã không cầm được những giọt nước mắt, ôm chầm lấy người đồng đội Phạm Thị Huệ (HCB 5.000m nữ) và nói như hét lên “Chị em mình làm được rồi” trước bao ống kính, những ánh mắt cảm phục của đông đảo phóng viên Việt Nam trên sân vận động quốc gia Bukit Jalil. /.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.