Nữ nghệ sĩ hải ngoại và “quyền lực” nơi... căn bếp

Thứ bảy, ngày 28/01/2012 07:18 AM (GMT+7)
Sống tại những đất nước xa xôi, ảnh hưởng phần nào lối sống phương Tây, nhưng các nữ nghệ sĩ hải ngoại lại hiểu sâu sắc “quyền lực của căn bếp” đối với hạnh phúc của mỗi gia đình xa xứ.
Bình luận 0

Dẫu rằng bắt buộc phải… đảm đang

Ca sĩ hải ngoại Giao Linh, người được mệnh danh là “nữ hoàng sầu muộn” của dòng nhạc trữ tình đã tiết lộ chị cũng như hầu hết các nữ nghệ sĩ hải ngoại đều nấu ăn rất giỏi, nhiều người còn nấu ngon hơn ngoài tiệm.

img
Ca sĩ Sơn Tuyền

Mâm cơm ngon là cách để kéo chồng, con xúm xít vào bữa ăn chung sau cả ngày bươn chải ngoài xã hội. Ca sĩ Ái Vân lý giải giùm Giao Linh lý do khiến mỗi nữ nghệ sĩ khi sống ở hải ngoại đều trở nên đảm đang, khéo léo chuyện bếp núc là bởi… “cờ đến tay ai người đó phất”.

Sau nhiều năm trời ra nước ngoài sống và làm việc, nữ ca sĩ Thu Phương trở về với hình ảnh nền nã, có dáng điệu tất bật của một phụ nữ nặng về lo toan cho gia đình. Ở Mỹ, Thu Phương đúng là một phụ nữ như thế, chị dành hầu hết thời gian cho con cái, gia đình, nấu nướng, cuối tuần đi hát. Chị thường xuyên nấu ăn cho chồng, con và đây cũng là một đặc điểm khiến chồng chị thấy chị hấp dẫn hơn.

Ngày trước, chồng chị không ăn được đồ Bắc nhưng đến giờ anh cũng bị “lây” khẩu vị người Bắc. Thích ăn phở kiểu Hà Nội là bỏ thêm chanh, ớt chứ không ăn với giá đỗ, rau thơm như người Nam. Hợp dần nhau qua khẩu vị của món ăn cũng là một trong những cách để vợ chồng Thu Phương hiểu nhau hơn và hòa hợp hơn.

Tình yêu đậm đà từ những bữa ăn

Ca sĩ Ái Vân tiếc nhất là chỗ chị ở không có món ốc khoái khẩu chứ còn món gì cũng có. Chồng con chị rất thích ăn món chả cá Lã Vọng chấm mắm tôm hay thịt luộc chấm mắm tôm do tự tay chị nấu. Mắm tôm ở Mỹ chắc chắn không thể bằng mắm tôm Thanh Hóa (Việt Nam), bởi phải chế từ mắm tôm Hàn Quốc sang, nhưng cũng giúp cho bữa ăn có gần đủ đầy gia vị như được sống trên quê nhà.

Những món ăn như thịt rim, canh chua, đặc biệt là phở chẳng bao giờ thiếu trong nhà chị. Các con chị rất thích phở do mẹ nấu và thường dẫn bạn ngoại quốc về nhà, tự hào giới thiệu món ăn đặc biệt này. Ca sĩ Ái Vân tự tin rằng, món phở của mình nấu còn hơn cả… nhà hàng và để món ăn này ngon đến thế cũng nhờ có sự giúp sức của chồng chị.

Mỗi lần về nước, Ái Vân thường cố gắng “lượn” qua cửa hàng sách để ôm về những cuốn sách dạy nấu ăn. Chợ búa, bếp núc đã thành một sở thích của chị. Chị thường tự tay nấu ăn mời bạn bè thân. Chợ ở Việt Nam đương nhiên phong phú hơn chợ bên nước ngoài nhiều lần, nếu để chị “lạc” vào chợ thì chắc chắn rất lâu mới thấy chị về với rất nhiều đồ ăn trên tay.

img
Ca sĩ Ái Vân

Ca sĩ Ái Vân cho rằng, bếp chính là linh hồn của mỗi gia đình, ngọn lửa có ấm thì gia đình mới không lạnh, những bữa ăn chính là thời khắc gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau.

Ca sĩ Sơn Tuyền không có con, nhưng vợ chồng chị sống với nhau mấy chục năm nay ấm áp một phần cũng nhờ căn bếp yêu thương. Sơn Tuyền rất chú trọng bữa ăn gia đình. Căn bếp là nơi chị yêu thích, chăm chút nhất trong nhà, chị luôn muốn được tự tay nấu cơm, chế biến những món khoái khẩu để hai vợ chồng cùng thưởng thức. Bữa cơm vui vẻ chính là một phần “linh hồn” của hạnh phúc gia đình chị.

“Quyền lực” đặc biệt của căn bếp

Nhiều phụ nữ sống ở Việt Nam có thể không cảm nhận đầy đủ điều đó, nhưng với các chị sống xa xứ thì những bữa ăn chất chứa nhiều hơn tình yêu gia đình, tình yêu quê hương. Những ngày Tết, ở nước ngoài thường là ngày thường, mọi người vẫn đi làm và không có nhiều không khí rộn ràng như Việt Nam.

img
Ca sĩ Giao Linh

Và, vào những ngày ấy, các chị lại sử dụng “quyền lực” của căn bếp để làm sống dậy không khí Tết nơi xứ người, làm xôn xao một phong tục và lưu giữ hình ảnh Tết cổ truyền trong lòng con cháu.

Dù tính hơi… ham vui, chỉ thích đón Tết ở Việt Nam để được tận hưởng trọn vẹn cái Tết cổ truyền, nhưng trước khi về Việt Nam bao giờ ca sĩ Giao Linh cũng chuẩn bị nồi thịt kho, bánh chưng cho các con có không khí Tết.

Chị thích bánh chưng Hà Nội, năm nào cũng phải đặt bánh từ Hà Nội về. Giao Linh rất hãnh diện về món bánh chưng truyền thống vì chị đã đi nhiều nơi mà không nơi nào trên thế giới có được món bánh tương tự như thế. Hạt nếp dẻo thơm quyện với cái ngầy ngậy của thịt ba chỉ, nhân đỗ xanh mát mắt thật khó mà cưỡng lại sự hấp dẫn.

Ca sĩ Ái Vân vẫn luôn chuẩn bị đủ đầy từ cành đào, cành trúc cắm trên bàn thờ, thịt kho, canh măng, bánh chưng… cho cái Tết, dù nhiều khi Tết chỉ còn là hoài niệm nơi xa xôi. Sự chuẩn bị bếp núc ấy chính là một cách để các con chị dù sống và hấp thụ văn hóa phương Tây nhưng luôn hiểu văn hóa quê nhà.

Theo Phụ nữ Thủ đô
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem