Nữ nhân viên xe buýt gặp nhiều điều "khó nói" khi đảm nhận công việc làm dâu trăm họ
Phận làm dâu trăm họ
Khác với các nghề làm văn phòng, hay cố định một chỗ, việc đi vệ sinh có thể ngay ở chỗ mình làm, còn nghề phụ xe buýt phải di chuyển nhiều, địa điểm đi vệ sinh chỉ có thể là ở đầu bến hoặc cuối bến. Những lúc bình thường, nhân viên xe buýt có khoảng 15-20 phút để có thể vệ sinh cá nhân, nhưng vào những lúc tắc đường, bị âm giờ, xe đến đầu bến phải quay đầu lại luôn. Thế nên, nhân viên xe buýt cũng phải nín nhịn để xe chạy kịp thời gian.
Chị Lê Thị Ngọc Ánh (phụ xe tuyến 106) cho biết, có trường hợp một nữ nhân viên phụ xe buýt tuyến 39 cùng tuyến trước đây chị chạy đã gặp phải sự cố đau bụng khi ăn phải đồ ăn nhanh để kịp giờ.
Hay những ngày gặp phải sự cố “đèn đỏ”, các bạn nữ luôn cảm thấy khó chịu, ức chế, đặc biệt là thời gian để các bạn vệ sinh cá nhân không có.
Chị Anh cho biết, có những khách hàng lên xe khi được hỏi về việc có vé tháng hay được miễn phí, họ bảo không có, quên mang,nhưng khi xé vé xong rồi họ lại xuất trình được vé. "Coi như mình tự mua vé cho bản thân đi xe" - chị Anh cho hay.
Những khó khăn kể trên lâu rồi làm cũng quen, nhưng việc khách lên xe có những cư xử, ứng xử không phù hợp khiến các chị chịu ảnh hưởng tâm lý nhất định.
Làm phụ xe được gần một năm, không ít lần chị Trần Thị Vỹ tủi thân bật khóc khi có những khách hàng không hiểu và thông cảm cho công việc của chị.
Chị Vỹ không ít lần bật khóc vì bị khách hàng xúc phạm.
Chị Vỹ cho biết, cách đây ít tháng, Tổng Công ty có chính sách miễn phí cho người trên 60 tuổi. “Có nhiều bác lên xe không xuất trình vé mà cứ bảo “nhìn mặt tôi như thế này mà vẫn phải xuất trình vé à?”. Theo mình, những ai sinh năm 1959 là 60 tuổi, còn ai sinh năm 1960 là chưa đủ, nhưng có bác lên xe bảo rằng tôi tính theo cả tuổi trong bụng mẹ và bảo đã đủ 60 tuổi.
Hoặc có trường hợp các bác đi cùng cháu nhỏ, các bác không muốn mua vé cho cháu lại ăn nói lại rất khó nghe, thậm chí còn chửi cả phụ xe. Nhiều lúc phải nhịn, nhưng nếu có thanh kiểm tra mình sẽ bị phạt vì không bán đủ vé cho khách trên xe” – Chị Vỹ ngậm ngùi kể.
Hiểm nguy rình rập
Không chỉ dừng lại ở việc bị mắng nhiếc, việc phụ xe và lái xe bị đe dọa cũng thường diễn ra. Gần đây nhất là vụ việc nữ nhân viên xe buýt tuyến 103 bị 4 thanh niên hành hung ngay trên xe buýt. Các đối tượng này sau đó đã bị Công an huyện Ứng Hòa khởi tố.
Chị Lê Thị Ngọc Ánh may mắn chưa rơi vào trường hợp kể trên, nhưng cũng đã từng nhận những lời đe dọa, dằn mặt vì nhiều lý do khác nhau.
Chị Ánh nhớ lại: “Như ở điểm xe buýt ở Lĩnh Nam, người dân đã nhổ cả biển dừng đỗ xe buýt và dọa cả lái xe, phụ xe rằng nếu như mở cửa đón khách ở đây sẽ bị ném vỡ kính nên khiến cho chúng tôi rất sợ khi đi qua các điểm như vậy. Khách đứng đó, xe không đỗ đón sẽ bị gọi báo lên trên. Nhưng nếu dừng xe đón khách, lỡ người dân bức xúc ném vỡ kính vừa sợ mất an toàn, vừa phải đền tiền vì kính vỡ. Nhiều lúc phải vừa rê xe chậm vừa mở cửa cho khách lên rồi sau đó mới giải thích”.
Vào giờ cao điểm, khách hàng đông, song cũng có không ít khách hàng không hợp tác, thậm chí có những lời nói khiếm nhã khiến các chị bị tổn thương.
Trên các chuyến xe cũng không hiếm hành khách say rượu lên xe họ chửi tục, hay thậm chí có những khách nam giới biến thái.
“Có những ông có tuổi rồi, họ lên xe và họ “hành sự” biến thái ngay trên xe. Thân phận là nữ giới, mình cũng sợ phải trông xem trên xe có vị khách nam nào để nhờ giúp đỡ đánh động cho họ biết mà dừng” – chị Ánh chia sẻ. Vừa qua, một số trường hợp có hành vi biến thái trên xe buýt đã bị phát hiện, giữ giao cho cơ quan chức năng.
Xe buýt cũng được coi là một điểm đến cho dân "hai ngón". Những nhân viên nữ xe buýt như chị Ánh không ít lần phải đối mặt với các đối tượng móc túi trên xe hay dưới bến. Khi các chị giúp đỡ hành khách tránh những đối tượng này, ngay lập tức sẽ bị dọa nạt. Thậm chí, có đối tượng còn đuổi theo xe đến bến để đòi "dằn mặt" nữ phụ xe buýt.
“Mình phận làm dâu trăm họ nên phải nhẫn nhịn, có lúc khách sai nhưng mình cũng xin lỗi. Cũng có nhiều khách thấu hiểu, chia sẻ với mình, có các cụ đi lễ về còn cho mình đồ lộc, trà bánh… đó là niềm vui. Chỉ mong rằng mọi người hiểu cho nghề phụ xe buýt này và đặc biệt là đối với nữ nhân viên” – chị Vỹ nói.
Trao đổi với Dân Việt, đại diện Tổng Công ty vận tải Hà Nội Transerco cho hay, mỗi lái xe, nhân viên bán vé (LX, NVBV) khi vào làm việc tại TCT đều được qua các lớp đào tạo bao gồm: Đào tạo về nghiệp vụ, đào tạo về kĩ năng giao tiếp, đào tạo chuyên đề, hướng dẫn về xử lý với các tình huống phát sinh trên tuyến...
Tuy nhiên, đôi khi trên thực tế cũng xảy ra nhiều sự việc phức tạp hơn, Tổng Công ty vẫn luôn nhắc nhở hướng dẫn LX, NVBV xử lý nhanh các vụ việc, trong đó có công tác phối hợp trực tiếp với hành khách trên xe hoặc đóng cửa xe và đưa đến cơ quan Công an gần nhất.
Song song với đó, Tổng Công ty luôn có lực lượng Kiểm tra Giám sát trên tuyền, cùng với đó là lực lượng giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước (như: Đội giám sát dịch vụ của Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị, Thanh tra giao thông..).
Đồng thời, thường xuyên phối hợp với CA TP Hà Nội mà cụ thể là Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát giao thông để đảm bảo an ninh trên tuyến. Trên xe luôn có số điện thoại đường dây nóng của TCT, đường dây nóng của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị và Phòng Cảnh sát hình sự.
Khi xảy ra sự việc, đơn vị sẽ ngay lập tức cử cán bộ và các bộ phận liên quan đến hiện trường và chủ động phối hợp với đương sự và cơ quan chức năng gần nhất để cùng xử lý, đảm bảo an toàn cao nhất cho CBCNV.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.