Xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ, nông dân tự tin đưa sản phẩm OCOP xuất ngoại
Xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ, nông dân tự tin đưa sản phẩm OCOP xuất ngoại
Hoan Nguyễn
Thứ bảy, ngày 26/11/2022 05:01 AM (GMT+7)
Đến nay Phú Thọ có 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh (47 sản phẩm đạt 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao). Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, xây dựng sản phẩm OCOP đã góp phần hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ.
Nông dân Phú Thọ tự tin, đi đầu tiếp cận thị trường mới
Trong 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân các cấp đã hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng được 105 sản phẩm OCOP.
Giai đoạn 2017-2022, Phú Thọ có 78.062 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, 4.474 hộ nông dân tiêu biểu, 167 tập thể được biểu dương, khen thưởng có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào.
Trong đó, thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng có 70.096 hộ, từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng có 6.424 hộ, từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng có 1.025 hộ, trên 1 tỷ đồng có 517 hộ, đặc biệt có hộ thu nhập đến 30 tỷ đồng/hộ/năm.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Phương Hạnh nhấn mạnh, dù còn rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nhưng những năm qua, nông dân đã góp phần viết nên những kỳ tích. Đặc biệt, năm 2022, Phú Thọ là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" với 3 nông dân xuất sắc.
Anh Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1990, khu 3, xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022. Anh là điển hình của nông dân dám nghĩ, dám làm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm sản, mang lại giá trị kinh tế rất cao với mô hình chế biến xuất khẩu đũa gỗ.
Anh Ánh chia sẻ, bắt tay vào sản xuất đũa, bản thân đã có suy nghĩ, hướng đi khác trong thị trường tiêu thụ sản phẩm.
"Tôi không tiêu thụ, phát triển thị trường trong nước mà xác định đầu ra cho sản phẩm đũa sản xuất của mình là xuất ngoại sang thị trường Nhật Bản. Lúc bắt đầu, tôi gặp khó khăn về vốn, sự khuyên ngăn của gia đình. Nhưng trong bản thân luôn thôi thúc mình phải làm được nên đã vay mượn hơn 2 tỷ đầu tư dây chuyền sản xuất" - anh Ánh nói.
Hiện anh Ánh đã có cho mình 2 nhà xưởng hiện đại sản xuất đũa gỗ ở Phú Thọ và Tuyên Quang với 3 dây chuyền, hơn 100 công nhân. Mỗi tháng, anh Ánh xuất sang Nhật Bản khoảng 10 công đũa gỗ với 5 triệu đôi đũa/công. Thu nhập sau khi trừ chi phí từ việc sản xuất gỗ đũa của anh Ánh đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Phát triển các sản phẩm OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Phương Hạnh, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thực sự là một cuộc cách mạng trong thời kỳ đổi mới, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa lớn trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản, kinh doanh dịch vụ...
Phong trào đã phát huy được mọi tiềm lực, thế mạnh của từng địa phương, từng hộ gia đình; từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản...
Bên cạnh đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.
Những nông dân giỏi, nông dân xuất sắc là đại diện lớp nông dân đi đầu trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật sản xuất mới, chuyển đổi số và tham gia chuỗi giá trị. Từ phong trào xuất hiện nhiều nông dân tỷ phú dám nghĩ, dám làm, tự tin, đi đầu tiếp cận thị trường mới.
Sau khi chinh phục thị trường trong nước bằng chất lượng, mẫu mã sản phẩm làm ra, nhiều nông dân tự tin tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây chính là đòn bẩy để sản phẩm nông nghiệp Phú Thọ được mở đường xuất ngoại, góp phần đưa kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc HTX sản xuất thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên (xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, Phú Thọ) cho biết, ban đầu, cơ sở sản xuất chỉ cung cấp số lượng nhỏ cho các đơn hàng trong tỉnh. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng dồi dào, chất lượng của sản phẩm tốt, nên bà đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.
HTX Đỗ Xuyên đã có 8 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Hiện nay, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa dồn của HTX sản xuất đều phục vụ xuất khẩu thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...Hợp tác xã đã tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hoan Nguyễn
Năm 2020, tỉnh Phú Thọ thực hiện chủ trương ưu tiên, khuyến khích các hộ dân, đơn vị sản xuất tham gia chương trình OCOP, bà Hoa cùng các xã viên của mình đã nắm lấy thời cơ, đăng ký tham gia tập huấn, sản xuất, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.
Năm 2021, HTX Đỗ Xuyên có 8 sản phẩm được tỉnh Phú Thọ công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Những sản phẩm này đều có tiềm năng lớn để HTX nâng cấp trở thành sản phẩm OCOP 5 sao trong thời gian tới.
"Sản phẩm thủ công mỹ nghệ khoác lên mình diện mạo mới – chứng nhận OCOP đã giúp HTX Đỗ Xuyên gia tăng giá trị sản xuất, với doanh thu đạt hơn 8 tỷ đồng/năm, người lao động không ngừng cải thiện, nâng cao thu nhập, với mức 5-7 triệu/lao động/tháng. Đặc biệt, đến nay, sản phẩm của HTX Đỗ Xuyên sản xuất ra chủ yếu phục vụ đơn hàng xuất ngoại, vươn xa chinh phục thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và 1 số nước châu Âu" - bà Hoa nói.
Đến nay Phú Thọ có 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh (47 sản phẩm đạt 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao). Trong số đó, từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân các cấp đã hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng được 105 sản phẩm, nhóm sản phẩm được tỉnh Phú Thọ công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP (70 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 35 sản phẩm hạng 4 sao). Doanh số bán hàng của hầu hết các chủ thể, cơ sở tham gia chương trình OCOP đều tăng trung bình từ 30-40% so với trước khi tham gia.
Từ những kết quả đạt được, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm OCOP. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các chủ thể, cơ sở sản xuất, nhất là thủ tục đất đai, mặt bằng.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện OCOP vào công tác quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thương mại điện tử, đáp ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.