Hà bị câm điếc bẩm sinh. Sự khuyết tật về thể xác ấy không ngăn được những bước chân của em tới trường. Năm nay, Hà đã là học sinh lớp 8C, Trường THCS Thiện Kế (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).
Nguyễn Thị Thúy Hà là con thứ trong gia đình có bốn anh chị em. Bố, mẹ Hà hiện là công nhân trong khu công nghiệp. Sinh ra và lớn lên như những đứa trẻ bình thường khác, thế nhưng đến năm 2 tuổi, Hà vẫn không chịu nói. Lúc đó, bố mẹ Hà cũng chỉ nghĩ em chậm nói hơn so với các bạn bình thường. Nhưng rồi, sau nhiều lần đi khám, bác sĩ kết luận em bị câm, điếc bẩm sinh.
Anh Nguyễn Văn Tường, bố của Hà chia sẻ, khi cho con đi khám ở bệnh viện dưới Hà Nội, biết con mình bị câm điếc bẩm sinh, gia đình thấy rất buồn. Sinh con ra ai cũng muốn con cái mình được bình thường, khỏe mạnh. Nhưng, cháu không may mắn nên gia đình cũng cố gắng chăm sóc, dạy dỗ để cháu được sống vui vẻ như các bạn.
“Lúc mới biết con bị câm điếc bẩm sinh, gia đình rất lo lắng và đã đưa cháu đi nhiều nơi để chữa trị. Công việc nhà gác lại, tôicùng con có mặt tại khắp các bệnh viện lớn của Hà Nội rồi đến các trung tâm có tiếng để châm cứu nhưng bệnh tình không có biến chuyển.
Nghe người ta nói, nhà ngoại cảm có thể chữa được bệnh của cháu nên gia đình cũng đưa cháu đến nhưng sau một thời gian, tất cả đều thất bại. Mọi cố gắng của vợ chồng tôi không mang lại kết quả nên gia đình chấp nhận học cách sống cùng căn bệnh của con” – anh Tường nhớ lại.
Năm nay, Hà đã là học sinh lớp 8. Hành trình 8 năm cắp sách tới trường của Hà cũng nhiều gian nan, vất vả. Thua thiệt về thể chất, nhưng Hà nhận được nhiều sự yêu thương, giúp đỡ của các thầy cô và bè bạn. Rồi, Hà biết viết, hiểu mặt chữ và dần dần thích nghi với việc dung nạp kiến thức sau những bài giảng của thầy cô.
Trên lớp, thầy cô ghi gì trên bảng là em cũng ghi lại vào vở,khi thầy cô đọc thì em nhìn bạn bên cạnh viết lại. Nếu không để ý thì có lẽ ai cũng nghĩ em là một học sinh bình thường như mọi học sinh khác. Bản thân các thầy cô vào lớp dạy học cũng khá bất ngờ.
Sách vở của em luôn được sắp xếp đầy đủ theo thời khóa biểu, bài tập ở nhà luôn được chuẩn bị đầy đủ và kĩ lưỡng. Em biết soạn văn làm toán theo từng bài, trả lời đầy đủ các câu hỏi trong sách giáo khoa. Nhìn sách vở của em trình bày cẩn thận, đầu bài viết hoa bằng mực khác màu, các đề mục kẻ chân sạch đẹp, hình vẽ sáng sủa, rõ ràng mà nhiều em bình thường cần phải học tập.
Cô giáo Trần Thị Việt Hương, giáo viên chủ nhiệm của Hà cho biết, ở trường, Hà là một học sinh chăm ngoan. Hà luôn gương mẫu, đi học đúng giờ. Em chấp hành tốt nội quy của nhà trường như quàng khăn đỏ, mặc đúng đồng phục, chăm chỉ làm vệ sinh trường lớp. Tích cực tham gia các hoạt động tập thể như thi nhảy dân vũ, đồng diễn thể dục thể thao, tham gia thi kéo co với các bạn... Ngoài ra, Hà rất khéo tay và sáng ý. Hà từng được trao giải Đặc biệt trong cuộc thi viết chữ đẹp do nhà trường phát động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngậm ngùi về tương lai
Cảm nhận được sự thân thiện của bạn bè và tình thương yêu của thầy cô, Hà đã vượt qua được những mặc cảm và bỡ ngỡ ban đầu để hòa nhập với tập thể lớp và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong học tập. Mặc dù khuyết tật không thể nghe và nói được nhưng bù lại là em rất thông minh, nhạy cảm và sống hòa nhập.
Anh Nguyễn Văn Tường, bố của Hà tâm sự: “Con rất ngoan, biết quan tâm chăm sóc và lo lắng cho mọi người trong gia đình. Sáng nào cũng vậy, con dậy sớm quét nhà cửa, phơi quần áo, tự nấu ăn sáng rồi đến trường. Trưa về con lại tự giác cơm nước đỡ đần bố mẹ. Buổi chiều, con đón em đúng giờ ở trường mẫu giáo. Con chăm sóc các em rất khéo, chơi với em và rất chiều em, tắm rửa cho các em. Con còn là người rất nhạy cảm và hiểu chuyện, có lần bố mẹ cãi nhau con chạy lại can ngăn đẩy bố ra chỗ khác. Thấy bố mẹ giận nhau là làm mọi cách để bố mẹ làm lành…”.
“Từ đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại, học sinh không được đến trường mà phải học trực tuyến ở nhà. Hà vừa phụ giúp công việc nhà, vừa nhờ anh chị và các bạn giúp đỡ để ghi chép bài vở rồi tự mình hoàn thành nội dung thầy cô giao khi học trực tuyến” - anh Tường cho biết thêm.
Nói về tương lai của con, anh Tường ngậm ngùi chia sẻ, giờ con đã lớn, gia đình cũng tính sau này cho con học một nghề nào đó để có tương lai. Tuy nhiên, việc này cần thêm thời gian để cân nhắc và tìm nơi học nghề tin tưởng để gia đình yên tâm gửi con vào.
Năm nay, Hà ở lứa tuổi dạy thì với nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Cô giáo Võ Thị Tâm – Hiệu trưởng Trường THCS Thiện Kế cho biết, cách đây vài tháng, Hà có những thay đổi mạnh. Em tự cảm thấy mình tự ti trước bạn bè và ít giao tiếp. Có lúc, em còn cự cãi với bạn. Nhận thấy những thay đổi này, Ban giám hiệu nhà trường cùng giáo viên chủ nhiệm đã gặp mặt với các bạn trong lớp để giải thích cho các em hiểu, đồng thời có những giúp đỡ cần thiết để Hà không còn mặc cảm. Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên gặp riêng Hà, trao đổi bằng cách viết lên giấy để Hà lấy lại sự tự tin trên lớp và trong cuộc sống.
Tật nguyền của Hà là thiệt thòi lớn đối với bản thân em và gia đình. Nhưng sự vươn lên trong học tập và ý thức, trách nhiệm với gia đình, Hà đã đem lại niềm vui cho cha mẹ. Hà xứng đáng là tấm gương cho các bạn bè cùng trang lứa về nghị lực sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.