Hưởng ứng cuộc thi vẽ tranh do Hội đồng Olympic châu Á phát động dành cho trẻ em trong lứa tuổi từ 11 đến 15 trên toàn châu Á, tại Việt Nam, Ủy ban Olympic Việt Nam phối hợp cùng Cung thiếu nhi Hà Nội đã bắt đầu tiến hành tổ chức cuộc thi từ đầu tháng 6.
Bức tranh “Trận đấu quần vợt” của Lê Thu Phương giành giải Nhất ở Việt Nam. Trong số hơn 40 nước và vùng lãnh thổ gửi tranh sang Hàn Quốc tranh tài vòng chung kết châu Á, bức tranh “Trận đấu quần vợt” là một trong năm bức tranh được vinh danh.
Sau chuyến được mời đi Hàn Quốc tham dự ngày hội thể thao lớn nhất châu Á, PV đã có cuộc trao đổi với Lê Thu Phương.
Bạn có thể kể về những người bạn trong chuyến đi Hàn Quốc?
- Đoàn chúng tôi đến từ 5 nước gồm: Bhutan, Philippines, Ả Rập xê út, Kazakhstan và Việt Nam. Mỗi nước có 1 bạn tham gia cùng với người giám hộ.
Bạn cảm nhận thế nào về những người bạn mới?
- Các bạn trong đoàn rất vui vẻ, đối xử tốt với nhau. Chúng tôi giao tiếp bằng tiếng Anh. Tôi thấy các bạn rất giỏi tiếng Anh. Tiếng Anh của tôi cũng tạm được, nhưng sau chuyến đi này, tôi sẽ dành thêm thời gian để học tiếng Anh, không sẽ thua các bạn mất (cười).
Bạn đã mang đặc trưng gì của Việt Nam đi để giới thiệu với bạn bè quốc tế?
- Trước chuyến đi, các cô chú bên Uỷ ban Olympic Việt Nam có nhắc tôi mang áo dài. Tôi còn chuẩn bị thêm ít bánh cốm Hà Nội để giới thiệu với các bạn. Các bạn rất thích đặc sản của Việt Nam và khen tôi mặc áo dài rất đẹp.
Lần đầu đến Hàn Quốc, bạn thấy sao?
- Thật tuyệt vời vì người Hàn Quốc rất hiếu khách. Đặc biệt, họ rất chu đáo, nhiệt tình. Họ cử hướng dẫn viên dẫn chúng tôi rất chu đáo đi xem những danh thắng của Hàn Quốc như Bảo tàng Quốc gia, Cung Vua và những ngôi chùa với cảnh quan tuyệt đẹp. Kết thúc chuyến đi, chúng tôi được tham dự lễ bế mạc ASIAD 17 tại Incheon rất trang trọng, đó là những kỷ niệm tôi không thể nào quyên.
Bạn cảm nhận thế nào về đất nước và con người Hàn Quốc?
- Đó là một đất nước tuyệt đẹp. Con người thật thân thiện. Đường sá rất rộng, nhà cửa rất cao và đều nhau. Tôi có cảm giác họ là những con người có đầu óc thẩm mỹ.
Theo bạn, bạn bè các nước cảm nhận thế nào về con người Việt Nam?
- Sau một chuyến đi thì khó nói lắm. Nhưng sau những gì tôi giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam thì họ rất thích. Nhiều món ăn tôi lên mạng tìm hình ảnh và diễn đạt cho các bạn thì các bạn rất thích và mong có một ngày đến Việt Nam để thưởng thức. Nhưng tôi cũng tự nhận thấy mình còn nhút nhát hơn các bạn khi giao tiếp (cười).
Bạn học được gì sau chuyến đi này?
- Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi. Tôi cảm thấy cái gì cũng mới lạ. Đất nước, văn hóa và con người Hàn Quốc cho tôi học hỏi thêm được nhiều điều. Có một kỷ niệm mà tôi không thể quên. Tôi nhìn thấy một người khách nước ngoài sau khi ăn xong ném luôn rác ra đường. Sau đó tôi thấy một chị tình nguyện viên người Hàn Quốc cúi xuống nhặt bỏ vào thùng rác với một vẻ mặt đầy thân thiện. Tôi sẽ kể lại chuyện này với các bạn của mình để dần dần, mình sẽ làm đẹp hơn cảnh quan của thủ đô Hà Nội chúng ta.
Bạn có thể cho biết ý nghĩa của bức tranh “trận đấu quần vợt” đạt giải nhất của bạn? Phương đã từng đạt giải thưởng vẽ tranh?
- Những lúc rảnh, tôi hay xem các chương trình giải trí, thể thao đặc biệt là các trận đấu quần vợt. Chưa bao giờ tôi thấy có sự xô xát xảy ra trong môn quần vợt. Đấy là biểu tượng của sự đoàn kết. Tôi muốn truyền tải thông điệp của bức tranh là trong thể thao cũng như bất kỳ thứ gì khác, đoàn kết là quan trọng nhất.
5 năm tiểu học tôi là học sinh giỏi. Năm lớp 5 tôi đạt giải nhì học sinh giỏi cấp quận. Còn về nghệ thuật tôi đạt giải C thành phố cuộc thi “Sắc màu Hà Nội” 2010, giải khuyến khích quốc gia về cuộc thi “Vì một môi trường thân thiện” 2009, Giải A thành phố cuộc thi “Cuộc sống quanh ta” 2014 và giải C thành phố cuộc thi “Kiến trúc cổ Hà Nội” 2014.
Phương sắp xếp lịch học thế nào để có thể tham gia nghệ thuật?
- Tôi nghĩ học văn hóa là rất quan trọng, nhưng bên cạnh đó, mình cũng phải dành thời gian để học một số môn phụ trợ khác và tôi chọn học vẽ. Tôi đã theo học được hơn 5 năm tại Cung thiếu nhi Hà Nội. Nhiều khi học hành mệt mỏi thì tôi bỏ đồ nghề ra vẽ, sau đó tôi có cảm giác mình thoải mái hơn để tiếp tục học văn hóa.
Cảm ơn Thu Phương!
(Theo Tiin)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.