Nức lòng vùng đất phương Nam

Thứ sáu, ngày 06/12/2013 06:49 AM (GMT+7)
Chiều 5.12 (giờ VN), tại thủ đô Baku của CH Azerbaijan, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã chính thức được UNESCO vinh danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bình luận 0
Theo thông tin từ Cục Di sản thì Nghệ thuật, Đờn ca tài tử Nam Bộ đã đáp ứng được 5 tiêu chí để được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ.
Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ.

TS Lê Văn Toàn - Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam - đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng hồ sơ “Đờn ca tài tử” và tầm quan trọng của loại hình văn hóa nghệ thuật này trong đời sống của cộng đồng cư dân Nam Bộ từ tháng 4.2010, cho biết:

“Đây là một tin vui nức lòng với người dân ở suốt một dải đất Nam Bộ, đặc biệt là 21 tỉnh có trong danh sách mà chúng tôi đã nghiên cứu khi thực hiện xây dựng bộ hồ sơ cách đây 3 năm. Khi đến các vùng, miền ở Nam Bộ để thu thập tư liệu trong quá trình làm hồ sơ, chúng tôi đã được các nghệ nhân và người dân ủng hộ nhiệt tình và rất tự hào khi loại hình nghệ thuật này được trình lên UNESCO để đề cử công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nay thì mong ước đã trở thành hiện thực, chúng tôi tin rằng bộ môn nghệ thuật độc đáo này sẽ càng phát triển và có sức sống lâu bền trong cộng đồng”.

GS - TS Trần Văn Khê - một trong những cố vấn khoa học cao cấp trong việc xây dựng hồ sơ nghệ thuật cho đờn ca tài tử chia sẻ:

“Nhiều người cứ lầm tưởng “tài tử” là do những người chơi môn này không chuyên nghiệp nhưng ra “tài tử” có nghĩa là người có tài như trong câu “dập dìu tài tử giai nhân” (Truyện Kiều). Chữ “tài tử” còn để chỉ việc không dùng nghệ thuật của mình để làm kế sinh nhai. Tuy nhiên không phải vì thế mà trình độ của người tài tử lại thấp. Để trở thành người tài tử đúng nghĩa phải trải qua thời gian luyện tập rất công phu, học từ chữ nhấn, chữ chuyền, “rao” sao cho mùi, “sắp chữ” sao cho đẹp và luôn tạo cho mình một phong cách riêng”.

Sự kiện này một lần nữa cho thấy thế giới đánh giá rất cao loại hình âm nhạc “biến hoá lòng bản” ở miền Nam của Việt Nam, và cũng chứng tỏ sức sống của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hoá thế giới.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình âm nhạc vừa bình dân, vừa bác học, được ra đời ở miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, được sáng tạo trên cơ sở nhạc lễ, nhạc cung đình, nhạc dân gian miền Trung và miền Nam. Nó được sáng tạo không ngừng nhờ tính “ngẫu hứng”, “biến hóa lòng bản” theo cảm xúc trên cơ sở các bài bản cổ với các nhạc cụ- kìm, tranh, tỳ bà, bầu, cò, sáo, tiêu, song loan... riêng violon lên dây quãng 4, guitar được khoét phím lõm để nhấn nhá.

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật trình diễn phổ biến, bình dân, tự phục vụ cá nhân và cộng đồng phù hợp với điều kiện sống và phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân miền Nam Việt Nam ở vùng miệt vườn, sông nước với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở và can trường. Thông qua việc thực hành đờn ca tài tử, cộng đồng còn giới thiệu và bảo tồn các tập quán xã hội khác như lễ hội, văn hóa truyền khẩu, nghề thủ công.

Hà Thu (Hà Thu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem