Khô hạn, nắng nóng, nước mặn xâm hại đã làm 5.581 ha nuôi tôm, cá của nông dân Bạc Liêu, Cà Mau thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Sơn La, 70 ha cây cao su đang chờ thu hoạch bất ngờ bị đốn hạ. Đã xuất hiện những hốc, hố mới đào trồng thay thế giống cao su khác. Ở Quảng Trị, những hộ nông dân huyện Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong hợp đồng trồng giống ngô mới Sugar 75, nay thu hoạch thì bắp bé, hạt nhỏ..., doanh nghiệp bán giống đã chối bỏ trách nhiệm, nông dân thiệt hại 600 triệu đồng.
Quảng Ngãi, sau gần 2.000 tấn dưa được “giải cứu”, tưởng rằng, sẽ rút được bài học sản xuất với thị trường; nhưng nay, dọc bờ sông Trà Khúc, gần 100ha đất đã được nông dân lên luống, chuẩn bị cho mùa dưa mới và hàng chục ha dưa đã nảy chồi. Tại cửa khẩu Lạng Sơn, hơn 30.000 tấn gạo đang nằm chờ mà chưa thấy tín hiệu khả quan từ thị trường Trung Quốc.
Nói bức tranh nông nghiệp đang trở nên rối và tối, bởi nhiều lẽ; trong đó, trước hết là nghịch lý giữa những cơ hội “vàng” liên tiếp được vẽ ra trên giấy tại các cuộc hội thảo “cơ cấu lại nông nghiệp”, “liên kết 4 nhà” đang không cùng đường đi với thực tế của nhà nông, với “chu kỳ buồn” của dưa hấu, sự “tím tái” của hành tím, sự “mặn đắng” vì muối của diêm dân, hay trẻ em thiếu sữa uống, giá sữa cao nhất nhì thế giới thì nông dân Việt lại đổ sữa ra đường do không có nơi tiêu thụ. Tất nhiên, bên cạnh những nông sản này, nông dân hẳn đã nhiều lần quá đau, rơi lệ nhìn sản phẩm làm ra ế ẩm, bị thị trường ngược đãi, doanh nghiệp dìm hàng, ép giá...; cảnh đó không khó gặp trên cánh đồng mía, đồng lúa, trong rẫy cà phê, rẫy tiêu, vườn điều, cao su, trên những luống dưa chuột, dưa bao tử xuất khẩu... của năm nay và nhiều năm đã qua. Không phải đổ hết “cái sự bế tắc đầu ra” nông sản cho nhà nước định hướng. Vì thực tế, có nhiều loại nông sản không đủ tiêu chuẩn gia nhập thị trường, có phần do chính người nông dân cũng tự xé rào kỹ thuật canh tác, tự phát nuôi trồng, chạy theo đám đông, rồi từ đám đông nơi này chạy theo đám đông nơi khác, để trở thành những phong trào phát triển dựa trên nhận thức “nghe có lãi, nghe nói họ làm được, thôi thì đánh bạc với trời...”.
Vậy đầu ra của nông sản thế nào? Bán cho ai? Những câu hỏi này người nông dân khó có thể trả lời rành rọt cho hiện tại, cho tương lai. Nhưng chắc chắn họ cần kinh tế hợp tác, vai trò chủ đạo của ngành nông nghiệp, công thương, vai trò đại diện, bảo vệ của Hội Nông dân, sau đó mới là vấn đề xã hội hóa. Mùa thu hoạch lúa, trái cây đã cận kề, thị trường nông sản đang bế tắc – nghe ra “4 nhà” vẫn thong dong khi: Nước đã đến chân... sao chưa nhảy?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.