Nước mắt Huỳnh Văn Nén, rồi báo chí sẽ quên...

Phạm Trung Tuyến Thứ hai, ngày 07/12/2015 06:00 AM (GMT+7)
Dư luận xúc động vì nước mắt của Huỳnh Văn Nén. Rồi dư luận sẽ quên, bởi cuộc sống còn có rất nhiều điều khiến nước mắt phải rơi.
Bình luận 0

img

(Ảnh Tiền phong)

Buổi sáng ngày 3.12.2015, khi những lời xin lỗi công khai của các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận dành cho Huỳnh Văn Nén được nói ra, người ta nghĩ rằng thế là 17 năm oan khuất của người đàn ông ấy đã khép lại. Nhưng tôi không nghĩ thế.

Dư luận xúc động vì nước mắt của Huỳnh Văn Nén. Rồi dư luận sẽ quên, bởi cuộc sống còn có rất nhiều điều khiến nước mắt phải rơi.

Báo chí sẽ quên Huỳnh Văn Nén, hoặc có nhớ đến là khi có thêm một phiên bản oan khuất nào đó.

Nhưng Huỳnh Văn Nén, cũng như những người tù oan khác sẽ không bao giờ quên được nỗi oan của mình. Bởi cuộc đời của họ đã vĩnh viễn bị hủy hoại kể từ khi bị kết án oan. Họ đã phải chịu cái án không phải của mình trong suốt những năm tù cho đến khi được minh oan. Và cuộc đời sau khi được giải oan sẽ lại là một bi kịch khác, đó là bi kịch của một cuộc đời được sinh ra từ nỗi oan khuất.

Phùng Thị Thu là giám đốc một trong những doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đầu tiên ở Thái Bình. Đi tù oan 5 năm về làm ô sin, chồng bỏ đi theo gái, con cái thất học. Mười năm qua chỉ còn biết ngồi tính về những mất mát trong cuộc đời.

Phạm Hồng Thái là một nhà thầu nổi tiếng ở Ninh Bình những năm đầu đổi mới. Ông không may mắn trở thành đại gia như thế hệ đàn em như Xuân Thành, Xuân Trường, những nhà thầu đồng hương nổi lên sau khi Thái bị bỏ tù oan. Ba năm rưỡi ở tù, 8 năm đội đơn để có được một lời xin lỗi. Mười năm sau đó, Thái không thể làm gì ngoài việc tiếp những người dân oan và tư vấn kêu oan. Thỉnh thoảng Thái gọi điện cho tôi, người đã viết những bài báo minh oan cho Thái, để kể rằng “có vụ này…”

Huỳnh Văn Nén bật khóc trong buổi lễ xin lỗi công khai khi tự hỏi mình “Có ai trên đất nước này khổ như tôi không?” rồi tự trả lời “Chắc không có và tôi cũng không muốn có!”. Không ai muốn có những cuộc đời khổ ải như thế, cả những điều tra viên đã khiến Nén vào tù cũng không hề muốn có. Song những cuộc đời oan khuất ấy nhiều lắm, trước Nén, và sau Nén cũng sẽ vẫn còn. Bởi cơ chế để tạo ra oan khiên vẫn còn nguyên đó.

Huỳnh Văn Nén sẽ không bị oan nếu như ông ta được quyền im lặng để chờ đợi luật sư tham gia vào quá trình tố tụng, sẽ không bị oan nếu cơ quan điều tra buộc phải đình chỉ điều tra khi không đủ chứng cứ buộc tội.

Nguyễn Thanh Chấn cũng sẽ không bị oan nếu như quá trình hỏi cung được giám sát để tránh bức cung.

Sẽ không có 71 vụ oan sai từ năm 2012 đến nay (theo báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội) nếu như số tiền trên 65 tỷ đồng để bồi thường oan sai theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được chi trả bởi những người gây ra oan sai.

Sẽ không có những “người tù thế kỷ” khi những người tạo ra oan sai chưa hề phải trả giá cho sự cẩu thả và nhẫn tâm của mình.

Huỳnh Văn Nén đã phải chịu tội oan vì án giết người. Nhưng cuộc đời của Huỳnh Văn Nén đã bị hủy hoại vì ai? Hung thủ nào sẽ bị kết án với tội danh hủy hoại cuộc đời của những người tù oan?

Những vụ án oan sai như câu chuyện của Huỳnh Văn Nén luôn có ý nghĩa thức tỉnh lương tâm. Song, những hạt giống lương tâm dẫu có nảy mầm trong nước mắt thì cũng sớm lụi tàn khi nó không được nuôi dưỡng trong một môi trường phù hợp. Đó là môi trường pháp lý mà mọi cái ác đều cần được trả giá một cách bình đẳng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem