Nước mắt nghề bám biển

Nguyệt Minh Thứ sáu, ngày 26/05/2023 14:00 PM (GMT+7)
Vốn nổi tiếng với những làng chài trù phú, thế nhưng vài năm gần đây, số lượng tàu thuyền hoạt động tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã giảm mạnh. Nhiều người dân đau đáu trước nguy cơ nghề truyền thống dần bị mai một.
Bình luận 0
Nước mắt nghề bám biển - Ảnh 1.

Kí ức về một thời vàng son

Chúng tôi tìm đến xã Hoằng Phụ vào một ngày nắng gắt, những cơn gió Lào thổi kèm theo sự nóng nực pha với chút vị mặn của biển tạo nên nét rất riêng của mảnh đất này. Dọc dòng sông Canh, chỉ còn khoảng vài chục con tàu lớn, nhỏ đang neo bến. Những con tàu bằng gỗ cũ kĩ như đã nằm phơi mình ở đó từ lâu. Chẳng ai nhìn ra, nơi con sông có vẻ tiêu điều này trước đây đã từng như một bến cảng tấp nập, trù phú.

Nước mắt nghề bám biển  - Ảnh 1.

Xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa là nơi nghề biển phát triển mạnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng tàu thuyền đi biển đã giảm từ gần 200 tàu xuống 85 tàu còn hoạt động. Ảnh: Nguyệt Minh.

Tìm gặp lão ngư Nguyễn Văn Cánh (72 tuổi, thôn Bắc Sơn) - một thuyền trưởng kỳ cựu đã có 50 năm kinh nghiệm trong nghề. Cả đời mình, ông Cánh gắn bó với biển một cách đặc biệt.

Ông Cánh sinh ra trên chính con thuyền của gia đình, ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, ông đã được thấm vị mặn của biển. Biển với ông có sợi dây gắn bó đặc biệt hơn cả: “Biển nuôi bố mẹ tôi, rồi nuôi tôi và nuôi cả những người con của tôi nữa” - ông Cánh nói. 

Ngồi trầm ngâm thưởng thức chén trà, vị đắng xen lẫn ngọt như đưa ông Cánh về với miền kí ức xưa cũ. Trong trí nhớ, biển xã ông từng giàu có và rất trù phú. “Chúng tôi chỉ cần mang tàu ra biển, chắc chắn sẽ có cá tôm đầy khoang mang về. Nhớ lại lúc ấy, chỉ sợ không có đủ điều kiện đóng thuyền để vươn khơi thôi” - ông Cánh bồi hồi nhớ lại. 

Nước mắt nghề bám biển  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Cánh (72 tuổi, thôn Bắc Sơn) nhớ về thời hoàng kim của nghề trước kia, khi biển của xã còn đầy ắp cá tôm. Ảnh: Nguyệt Minh.

Ông Cánh nhớ mãi: “Mỗi lần ra biển dù không biết điều gì đang đón đợi, nhưng chúng tôi không hề biết sợ là gì. Tôi lái thuyền, anh em ở bên dưới cả chục con người cùng nhau kéo lưới, mỗi nhịp kéo là một nhịp hò dô, thế thôi mà lại hừng hực lắm”.

Cứ như thế, trong làn nước lấp lánh dần hiện ra những chùm cá tôm trĩu nặng, ấy là khoảnh khắc chiến thắng và mãn nguyện nhất của người ngư dân như ông Cánh.

Cả xã Hoằng Phụ, đặc biệt là 3 thôn Bắc Sơn, Hợp Tân, Tân Xuân khi ấy giàu mạnh nhờ biển. Ngay cạnh dòng sông Canh vài bước chân, nhà cửa san sát nhau không khác gì một khu phố huyện sầm uất. 

Ông Cánh giải thích rằng người ta ở sát nhau để tiện cùng đi biển. Bởi mỗi thuyền đi biển khi ấy cần cả chục người và có đến gần trăm con thuyền như thế: “Dân đi biển mà, cứ ới nhau là đi luôn thôi cho nhanh”.

Nước mắt nghề bám biển  - Ảnh 3.

Hiện nay, nhiều con tàu phải nằm tại tại bến lâu ngày vì không được ra biển. Ảnh: Nguyệt Minh.

Trước năm 2015, để đóng một con thuyền công suất trên 90CV trở lên phải bỏ ra số tiền cả tỷ đồng. Thuyền đã từng là tài sản giá trị nhất với nhiều hộ dân, là cần câu cơm của họ. Thời kì hoàng kim, xã Hoằng Phụ có gần 200 tàu thuyền được hoạt động trên biển. Khi ấy gia đình nào cũng có ít nhất 1 người làm nghề đi biển.

Còn nhớ những năm 2000, chỉ khoảng 8-9 giờ tối nhiều làng quê ở Việt Nam đã chìm trong sự tĩnh mịch của màn đêm thì thôn Bắc Sơn bất kể là đêm cũng náo nhiệt bởi tiếng nói cười, sự tất bật chuẩn bị để những con thuyền nối đuôi nhau ra khơi. 

Nghề khai thác biển phát triển, dẫn đến những nghề chế biến cũng phát triển theo như: Làm mắm, làm cá,... Đặc biệt, xã Hoằng Phụ còn có cả nhãn hiệu nước mắm Quốc Phụ nức tiếng xa gần. Xã Hoằng Phụ trước kia, chỉ cần đi đến đầu xã đã nghe được mùi nước mắm thơm ngát, lan tỏa.

“Ngày ấy nhộn nhịp lắm, khi thuyền vừa cập bến đã có những thương lái và người dân  đã đứng chờ đầy cảng. Người mua, người bán, người mang vác, mỗi người mỗi việc” - ánh mắt ông Cánh dần hướng ra xa.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết: “Thời kỳ hoàng kim nhất của nghề khai thác biển tại xã là những năm 90, thời kì này người dân chỉ cần chạy thuyền ra cửa Lạch là có cá. Cho đến những năm 2000, sản lượng khai thác đã giảm dần, đến 2015, nghề khai thác biển mới giảm sút một cách rõ rệt”. 

Gian nan nghề bám biển

Hiện nay, xã Hoằng Phụ còn 85 tàu thuyền đang hoạt động, trong đó, tàu công suất trên 18CV có 68 thuyền, tàu công suất trên 90CV chỉ còn 17 thuyền. Sản lượng khai thác năm 2021, 2022 đạt 2.500 đến 2.600 tấn trên năm, giảm 700, đến 800 tấn so với năm 2015.

Ấm nước trà dần cạn, vị đắng ngọt của trà như chính cái nghề mà ông Cánh đã gắn bó cả đời mình. Ông Cánh đau đáu: “Người ta bỏ biển dần rồi, không còn như thời của bố mẹ tôi, hay thời tôi còn trẻ. Nhiều nhà còn phải bán thuyền đi vì không theo được nghề”. 

Câu chuyện ngôi làng giàu lên từ biển nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một khiến chúng tôi hiểu vì sao ông Cánh dù luôn tự hào về quê hương, nhưng cũng không giấu nỗi niềm chua xót trong từng lời kể của mình. 

Để tìm hiểu kĩ hơn nguyên nhân mà số lượng tàu thuyền tại xã lại giảm sút một cách chóng mặt như vậy, chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Bằng (49 tuổi, thôn Bắc Sơn) - một trong những người dân cuối cùng vẫn giữ tàu công suất lớn.  

Nước mắt nghề bám biển  - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Bằng (49 tuổi, thôn Bắc Sơn) không giấu nổi nỗi buồn khi đứng trên con thuyền đã cùng mình chinh chiến suốt bao năm, nay đã lâu ngày chưa được ra biển xa. Ảnh: Nguyệt Minh.

Nhà ông Bằng nằm ngay sát dòng sông Cánh, đứng trong nhà cũng có thể thấy con tàu của gia đình đang neo bến. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề đi biển, ông Bằng bất giác trầm tư: 

“Nhà tôi 4 đời làm nghề đi biển, thời gian khoảng trước năm 2015, số lượng thủy hải sản khai thác được ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Nhưng từ sau năm 2015, ngư trường ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt là vài năm gần đây do ảnh hưởng bởi chiến tranh, giá dầu lên cao, có khi lên đến gần 25.000 đồng/lít, khiến việc đi biển gặp khó khăn”. 

Cụ thể, ông Bằng cho biết để chuẩn bị cho một chuyến tàu ra khơi phải tiêu tốn hàng chục triệu tiền chi phí đặc biệt là tiền dầu, tiền nhân công. Thế nhưng, nguồn lợi thủy hải sản dần cạn kiệt, nhiều gia đình sau nhiều lần trắng lưới trở về, thậm chí không trả được tiền dầu. “Biển cho người dân tất cả, cũng có thể lấy đi của họ tất cả” - ông Bằng thở dài. 

Đứng trên chiếc thuyền đã từ lâu chưa được vươn ra biển xa của mình, ông Bằng không giấu nổi sự xót xa trong ánh mắt. Những ngày tháng về một vùng biển đầy ắp cá tôm, đầy ắp ghe thuyền trong ông giờ đây chỉ còn lại những kỉ niệm xưa cũ: “Trước đây, mỗi lần ra khơi thuyền tôi có cả chục người. Bây giờ, gọi người cũng không có ai đi nữa. Nhiều khi chỉ có 2 người cho một chuyến đi. Đi thì lỗ, có ai muốn đi đâu. Nhớ biển lắm, nhưng chẳng thể làm gì khác được”.

Nước mắt nghề bám biển  - Ảnh 6.

Sông Càn, nơi đã từng là bến cảng đầy ắp tàu thuyền, giờ chỉ còn lác đác vài con tàu lớn. Ảnh: Nguyệt Minh.

Nhiều đêm trằn trọc, ông Bằng mất ngủ, trong đầu không ngừng đấu tranh giữa việc giữ nghề hay bỏ nghề. Giữ nghề vì đó là nghề cha ông, vì từng mét biển cả của quê hương, hay bỏ nghề vì dù đã phải mạo hiểm trên biển lớn nhưng tiền bán cá tôm chẳng đủ trả tiền dầu, tiền nhân công, có khi còn mang nợ vào người.

Nói rồi, ông Bằng chỉ tay sang con tàu nằm ngay cạnh: “Con tàu này cũng được rao bán mấy tháng nay rồi, mà chưa có ai mua. Có xót xa không, một thời gắn bó với người chinh chiến biển khơi mà giờ nằm đợi bán ở đây”.

Cũng như nhiều hộ dân khác ở nơi đây, ông Nguyễn Văn Lương (44 tuổi) - con trai ông Nguyễn Văn Cánh bày tỏ: “Bố tôi là thuyền trưởng, nhà có truyền thống làm nghề biển, nhưng đến đời tôi đành đứt lòng bán thuyền. Ngày bán thuyền cả gia đình cũng tiếc và xót lắm, cảm giác như mất mát như phải rời bỏ chính người thân trong gia đình, nhưng còn cách nào khác đâu”.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết: “Bản thân tôi cũng từng là người đi biển, được nuôi lớn từ biển nhưng với sự thay đổi từ môi trường, từ kinh tế xã hội, nên nghề khai thác thủy hải sản giảm dần như một yếu tố tất yếu. Người dân bây giờ chủ yếu chuyển đổi sang nhiều ngành nghề khác như: Xuất khẩu lao động, lái tàu vận tải tùy vị trí có thể kiếm từ 15 đến 80 triệu/tháng”.

“Hãy giúp chúng tôi bám biển”

Nghề khai thác thủy hải sản giảm sút đã kéo theo không ít hệ lụy. Những ngành nghề liên quan bị ảnh hưởng như: Làm mắm, chế biến hải sản, sản xuất đá lạnh,...

Chị Nguyễn Thị Luyến (37 tuổi, thôn Bắc Sơn) cùng chồng là chủ 2 xưởng đá lớn và duy nhất tại xã Hoằng Phụ. Gia đình chị đã phải ngậm ngùi đóng cửa 1 xưởng đá lạnh chuyên cung cấp cho tàu thuyền đi biển 3 năm nay. 

Nước mắt nghề bám biển  - Ảnh 7.

Chị Nguyễn Thị Luyến (37 tuổi, thôn Bắc Sơn) xót xa nhìn máy xay đá nay đã bị gỉ sét, không được hoạt động. Ảnh: Nguyệt Minh.

Chị Luyến nghẹn ngào: “Trước đây, khi tàu thuyền đi biển nhiều, gia đình tôi có thể kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Thế nhưng từ khi tàu thuyền nghỉ dần, xưởng đá bất đắc dĩ phải đóng cửa dù trước đó gia đình tôi đã mất cả trăm triệu để đầu tư vào xưởng”.

Đứng trước xưởng đá bị bỏ hoang của gia đình, chị Luyến nghẹn ngào, đôi bàn tay xót xa kiểm tra những thiết bị làm đá bên trong đã bị gỉ sét một cách nghiêm trọng. “Xưởng đá này dường như không có cơ hội để hoạt động lại” - chị Luyến đành lòng chấp nhận. 

Cũng giống như hoàn cảnh của chị Luyến, bà Nguyễn Thị Khuyên (48 tuổi, thôn Bắc Sơn) đã theo nghề làm mắm từ đời cha ông cũng đành ngậm ngùi: “Làng có nghề làm mắm truyền thống, nhưng giờ mỗi khi tàu thuyền về không đủ lượng cá để làm mắm, chúng tôi phải nhập từ các vùng khác với giá cao hơn. Thế nên phần nào ảnh hưởng tới thu nhập của gia đình”.

Nước mắt nghề bám biển  - Ảnh 8.

Bà Nguyễn Thị Khuyên (48 tuổi, thôn Bắc Sơn) cho biết, việc phải nhập cá từ vùng khác đã khiến chi phí sản xuất nước mắt tăng lên, bà con làm mắm không còn thu được nhiều lợi nhuận như trước nữa. Ảnh: Nguyệt Minh.

Bà Khuyên cũng không biết bản thân còn giữ được nghề đến khi nào, bởi nhiều người đã chọn nghề khác như công nhân để có thu nhập ổn định hơn. “Tôi chỉ mong sao ngư dân đi biển trở lại, có cá tôm mang về, khi ấy thì tôi mới có thể yên tâm giữ cái nghề làm mắm của mình” - bà Khuyên nói.

Những người đang cố gắng bám trụ với nghề cha ông cũng đau đáu với việc giữ nghề giữa muôn vàn khó khăn. Chính quyền địa phương cũng đã tạo những điều kiện tích cực để người dân có thể vươn khơi bám biển. Điển hình như việc hỗ trợ giấy tờ cho người dân đi biển, giúp người dân tiếp cận với những chính sách về hỗ trợ đóng tàu. Song, những khó khăn vẫn còn nhiều. 

Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Nhà nước đã có rất nhiều chính sách có lợi cho ngư dân đi biển. Tuy nhiên, để đảm bảo được lượng thủy hải sản, cần có những chính sách cụ thể hơn như quy định về việc khai thác, không được dùng lưới mắt nhỏ. Nên có luật phân bổ thời gian khai thác và thời gian nghỉ để thủy hải sản có thể sinh sản và phát triển. Quy định về đảm bảo môi trường vùng biển. Điều đặc biệt với mỗi ngư dân, hơn khi nào hết họ mong muốn được hỗ trợ về giá xăng dầu để có thể tiếp tục bám biển”.

Cuối buổi nói chuyện, nghe những lời dặn dò của ông Bằng khiến chúng tôi rưng rưng xúc động, đó là cái tâm, cái tình của một ngư dân, của một người đã dành trọn trái tim mình cho biển lớn: “Hãy giúp chúng tôi bám biển. Tôi nói sự vất vả không phải để bỏ cuộc, mà chúng tôi rất cần sự giúp đỡ để có thể giữ từng mét biển của quê hương”.

Clip: Nước mắt nghề bám biển. Nguồn: Nguyệt Minh

Nước mắt nghề bám biển - Ảnh 11.

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem