Tình yêu với đại ngàn Bidoup...

Quỳnh Hương Thứ năm, ngày 25/05/2023 14:44 PM (GMT+7)
...Đáp lại những thắc mắc của tôi, anh kiểm lâm Hải chỉ nhoẻn miệng cười, vừa chậm rãi thêm củi vào bếp, vừa bẽn lẽn trả lời: “Mình yêu nghề, yêu rừng thôi em…”. Câu trả lời nhẹ như một cơn gió mát đại ngàn khiến những mệt nhọc trong tôi tan biến!
Bình luận 0
Tình yêu với đại ngàn Bidoup... - Ảnh 1.

Tôi viết những dòng này khi vừa trở về sau chuyến đi rừng 2 ngày cùng các anh kiểm lâm. Đó là một trải nghiệm mà có lẽ cả cuộc đời tôi sẽ khó quên. Không chỉ bởi nó là chuyến đi rừng đầu tiên của tôi, mà còn bởi, khi đi giữa đại ngàn, tôi thấu hiểu được nhiều điều.

Thiên nhiên kỳ thú

Tôi đến Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) vào buổi chiều. Mặc dù đã được cảnh báo trước về những khó khăn trên đường đi, là núi cao, là dốc thẳng, là trơn trượt, là điều kiện ăn ở thiếu thốn, là vắt và ruồi vàng… nhưng tôi vẫn quyết tâm theo chân các chiến sĩ kiểm lâm thực hiện chuyến đi xuyên rừng.

Đoàn chúng tôi bắt đầu xuất phát từ trạm kiểm lâm Đưng Ira Giêng, mang theo gạo, thực phẩm, nước sạch, đồ dùng y tế cơ bản, túi ngủ, áo mưa… được chia vào các ba lô. Lối vào rừng nên thơ, có những hàng thông cao vút, dưới chân là những bụi nhỏ hoa và cỏ, gió mát vi vu. Nhưng chỉ sau đó ít phút, anh kiểm lâm tên Hải dẫn đoàn rẽ vào một lối mòn, đường vừa nhỏ vừa dốc.

Tình yêu với đại ngàn Bidoup  - Ảnh 1.

Lối mòn trong rừng với những rãnh bị nước xoáy sâu, minh chứng cho những cơn mưa rừng dữ dội. Ảnh: Q.H

Chuyến đi ấy đã cho tôi quá nhiều trải nghiệm về rừng, về cuộc sống, về con người và văn hoá bản địa… Nhưng hơn hết là hiểu hơn về công việc của những người kiểm lâm yêu quý rừng như máu thịt, giữ rừng ngày đêm bằng thứ động lực duy nhất là tình yêu với đại ngàn...

Nói về điểm đích, trước chuyến đi, chúng tôi được giới thiệu đó là một bản làng cổ của người dân tộc K'Ho Cil - một trong 5 nhánh của người đồng bào K'Ho - nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, thuộc địa bàn huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. 

Bản có tên Đưng Ira Giêng, trong tiếng K'Ho có nghĩa là bản con gà trắng. Bản chỉ vẻn vẹn vài chục hộ gia đình, cuộc sống gắn với rừng cây, hoà mình với thiên nhiên ở độ cao 900m trên mặt nước biển. Chỉ cách cuộc sống hiện đại chừng 10km, nhưng họ gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Không điện lưới, không sóng điện thoại, không internet, không có những thiết bị mà chúng ta cho là thiết yếu, và họ còn giữ nguyên vẹn được những nét sinh hoạt và tập tục tự xa xưa.

Hành trình của chúng tôi có thể chia làm hai chặng, chặng lên dốc và chặng xuống dốc. Có những đoạn chỉ toàn là dốc đất cao, nước xói thành nhiều rãnh ở giữa tạo nên những thành vách trơn trượt. Không chỉ có vậy, chúng tôi cũng phải đối diện với cây già gãy đổ sau mưa chắn ngang lối đi, với vắt và ruồi vàng- những sinh vật nhỏ bé nhưng luôn là nỗi ám ảnh của rừng già…

Nhưng rừng không chỉ có những khó khăn. Đường đi càng khó khăn bao nhiêu, thì cảnh vật mở ra trước mắt càng tươi đẹp và kỳ thú bấy nhiêu. Giữa những chặng nghỉ chân, hay những quãng đường bằng phẳng, tôi có thời gian để ngắm nhìn kỹ hơn và cảm nhận về khung cảnh xung quanh bằng mọi giác quan. Hít thở bằng hơi thở thơm mát của rừng già, ngắm nhìn rừng bằng ánh mắt của đứa con nằm gọn trong lòng mẹ, lắng nghe tiếng gió rì rào, tiếng muông thú xào xạc, líu lo…

Tình yêu với đại ngàn Bidoup... - Ảnh 3.

Anh Hải, chiến sĩ kiểm lâm Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà chuẩn bị cơm chiều tại nhà Su Ki ở bản Đưng Ira Giêng. Ảnh: Q.H

Chúng tôi đã đi qua những rừng thông xanh ngút ngàn gió reo với những gốc thông to cả vòng tay người ôm, uy nghi giữa trời; phía dưới là chen chúc những bụi dương xỉ có phần thân to và già, phần lá xoè rộng, lá non đỏ hồng như những đóa hoa. Dường như chúng đã ở đây từ muôn triệu năm trước. 

Chúng tôi đã đi qua những khu rừng lá rộng thường xanh rậm rạp, nhiều tầng tán và ẩm ướt, với những con suối mát lạnh chảy qua, nơi ánh mặt trời khó mà lọt qua kẽ lá. Thi thoảng trên đường, lại bắt gặp những bông hoa xinh đẹp, bé nhỏ li ti mà không ai biết chúng rơi xuống từ khung trời nào.

 Chúng tôi cũng đã đi qua những rừng khộp với loài cây họ dầu đặc trưng. Mỗi "kỳ hoa, dị thảo" gặp được trên đường đều khiến chúng tôi ngạc nhiên về sự kỳ diệu của thiên nhiên.

Tôi còn nhớ mãi về sự bao la, hùng vĩ, tráng lệ mở ra trước mắt khi đến điểm dừng chân trên đỉnh núi. Đó là một nơi bằng phẳng, trước mắt là bạt ngàn rừng xanh và mây trắng, xung quanh tiếng chim đâu đó líu lo. Anh Hải chỉ cho chúng tôi thấy ở nơi xa kia là bản làng, nơi kia là dãy núi Chư Yang Sin xanh thẳm…

Yêu nghề, yêu rừng

Tình yêu với đại ngàn Bidoup  - Ảnh 3.

Đoàn xuất phát từ Trạm Kiểm lâm Đưng Ira Giêng. Bắt đầu từ đây, đường vào bản chỉ có thể đi bộ và không còn phương tiện nào khác. Ảnh: Q.H

Sau ít thời gian nghỉ ngơi và ăn trưa bằng những thức ăn sẵn mang theo, chúng tôi dọn dẹp thật sạch và lại tiếp tục chặng đường dài trước mắt. Cuối chiều chúng tôi đến bản, vừa kịp thoát cơn mưa treo trên đầu. Đường xuống bản đẹp như một bức tranh. Ra khỏi rừng, qua một con suối nông, chúng tôi rẽ vào một lối nhỏ giữa những khu vườn tốt tươi, trồng cà phê, cà ri, dứa...

Chỗ nghỉ tối nay là nhà của một người dân, chủ nhà là anh Su Ki - con trai của già làng. Không may cho chúng tôi là già làng hôm ấy không có nhà. Nhà Su Ki là một ngôi nhà sàn nhỏ nằm trên sườn đồi, lối lên là cầu thang chênh vênh, ghép từ những mảnh gỗ vụn. Su Ki nuôi nhiều chó, nhiều gà, trồng lúa, trồng ngô, trồng cà phê, bắt cá dưới suối. Cuộc sống hầu như tự cung tự cấp. Những vật dụng trong nhà, trong bếp đều được tạo ra từ những nguyên liệu sẵn có. 

Gia đình Su Ki cũng như nhiều hộ ở đây, nhận khoán bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà. Chàng trai rắn rỏi, chất phác đón chúng tôi bằng sự chân thành, thật thà từ trong bản chất của một người con của núi rừng.

Trong lúc những thành viên khác trong đoàn ai vào việc nấy, còn anh kiểm lâm Hải đã trở về sau khi đi thăm từng nhà trong bản, tôi và anh trông nồi cháo đang sôi trên bếp. Bây giờ tôi mới có thời gian nhìn kỹ hơn "người dẫn đường" của chúng tôi ngày hôm nay. Anh là một người nhỏ nhắn, nước da sáng có vẻ thư sinh cùng gương mặt hiền nhưng cương nghị. 

Anh Hải chia sẻ mỗi tháng các anh đi tuần tra qua tuyến này một lần, chặng đường hôm nay chỉ là một phần trong tuyến đường mà các anh vẫn thường đi. Mỗi chuyến đi như vậy thường gồm một nhóm gần chục người, có kiểm lâm và các thành viên tổ bảo vệ rừng. Chuyến đi sẽ kéo dài cả tuần trong rừng và đến những bản xa hơn ở sâu trong vùng lõi Vườn quốc gia. Các hộ dân ở đây đều được Vườn Quốc gia giao khoán bảo vệ rừng và họ giữ rừng rất tốt…

Tôi không giấu được sự tò mò của mình về những chuyến đi tuần rừng của các anh, những khó khăn nào các anh đã trải qua trong suốt chặng đường bảo vệ rừng như thế? Là ngày nắng nóng, là mưa rừng? Là sức nặng của đồ đạc, lương thực mang theo? Là vắt và côn trùng đốt? Là điều kiện thiếu thốn, bữa an đạm bạc, giấc ngủ chập chờn? Là xa gia đình, là mất liên lạc với người thân? Là nguy hiểm khi đối diện với những đối tượng vi phạm?… đáp lại cả tá những thắc mắc của tôi, anh Hải chỉ nhoẻn miệng cười, vừa chậm rãi thêm củi vào bếp, vừa bẽn lẽn trả lời: "Mình yêu nghề, yêu rừng thôi em"… Câu trả lời nhẹ như một cơn gió thoảng...

Buổi sáng trong veo ở thung lũng giữa đại ngàn, nắng trải trên đỉnh núi, nắng trải dưới sườn đồi, nắng lấp lánh trên những thửa ruộng bậc thang đang gieo mạ mới. Sương chưa kịp tan và mây thì vẫn còn vấn vít với núi. Không khí mát lạnh đẫm mùi cây cỏ… Mặc dù cũng còn nhiều vương vấn, nhưng chúng tôi vẫn phải rời đi sớm, để có nhiều thời gian trong rừng và cũng để tránh cơn mưa chiều đã thành lệ ở nơi này.

Về đến nơi nghỉ tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, tôi mỏi rã rời, nhưng chuyến đi ấy đã cho tôi quá nhiều trải nghiệm về rừng, về cuộc sống, về con người và văn hoá bản địa… Nhưng hơn hết là hiểu hơn về công việc của những người kiểm lâm yêu quý rừng như máu thịt, giữ rừng ngày đêm bằng thứ động lực duy nhất đó là tình yêu với đại ngàn. 

Bài dự thi tham dự Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem